20/01/2023 15:28
Ông Trần Văn Công, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Mỹ Châu.
Luật HTX năm 2012 ra đời đã đánh dấu sự thay đổi cơ bản trong phát triển kinh tế tập thể, số lượng HTX trên địa bàn huyện Châu Thành tăng nhanh về số lượng và quy mô vốn hoạt động của các HTX cũng tăng nhanh qua từng năm.
Địa bàn huyện Châu Thành hiện có 26 HTX hoạt động, trong đó có 20 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 06 HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp, 01 quỹ tín dụng nhân dân và 01 liên minh HTX, với tổng số trên 2.800 thành viên, tổng vốn điều lệ gần 32 tỷ đồng. Hoạt động của các HTX trên địa bàn huyện Châu Thành đã có những thành công nhất định, theo kết quả đánh giá có trên 78% HTX hoạt động khá, tốt trở lên. Trong đó, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã thể hiện được vai trò trong tổ chức sản xuất, đóng góp nhất định vào chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện.
HTX nông nghiệp Phú Mỹ Châu (ấp Giồng Trôm, xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành) là một trong những điển hình tiêu biểu về hoạt động hiệu quả. Được thành lập vào năm 2014, với vài chục thành viên, vốn điều lệ 100 triệu đồng, HTX Phú Mỹ Châu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lúa giống, lúa hàng hóa chất lượng cao, cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Theo ông Trần Văn Công, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Mỹ Châu, khi mới thành lập, HTX chỉ có vài chục thành viên, ban đầu hoạt động cũng gặp không ít khó khăn. Từ năm 2016, với sự nỗ lực của các thành viên trong Hội đồng quản trị, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, được tập huấn chuyên môn, củng cố nhân sự nên hoạt động của HTX đi vào ổn định, đến nay HTX có 120 thành viên, vốn điều lệ 1,7 tỷ đồng, liên kết sản xuất với diện tích 223ha, trong đó có 47ha sản xuất lúa giống, 170ha sản xuất lúa hàng hóa theo hướng hữu cơ và bao tiêu sản phẩm.
HTX đã đầu tư nhà xưởng, kho bãi và cơ sở vật chất hoàn chỉnh để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Năm 2021, HTX nông nghiệp Phú Mỹ Châu được Liên Minh HTX Việt Nam hỗ trợ 01 máy đóng gói tự động với tổng kinh phí trên 340 triệu đồng, trong đó HTX đối ứng 20% giá trị. Việc được hỗ trợ máy đóng gói tự động đã giúp nâng cao hiệu quả cho quy trình sản xuất của HTX, tiết kiệm được chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Doanh thu hàng năm của HTX đạt trên 07 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 10% doanh thu, HTX đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động và 60 lao động thời vụ; tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm… ký các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, các sản phẩm gạo của HTX được phân phối trong hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ trong và ngoài tỉnh. Ngày 22/8/2022, sản phẩm gạo “Hạt ngọc quê hương” của HTX nông nghiệp Phú Mỹ Châu được UBND tỉnh Trà Vinh chứng nhận sản phẩm OCOP xếp hạng 4 sao.
Những năm gần đây, HTX Nông nghiệp Thương mại, sản xuất dịch vụ Châu Hưng (ấp Bãi Vàng, xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành) trở thành một trong những HTX hoạt động đạt hiệu quả. HTX thành lập tháng 3/2020 với 50 thành viên, vốn điều lệ 500 triệu đồng, hoạt động sản xuất lúa, bao tiêu sản phẩm, vật tư nông nghiệp. Mặc dù HTX còn khá “non trẻ” nhưng đã kịp thời nắm bắt nhu cầu thị trường cũng như những tiềm năng, lợi thế của địa phương để hoạt động đạt hiệu quả. Hiện HTX đang thực hiện chuỗi giá trị liên kết với các hộ dân sản xuất lúa hữu cơ, diện tích khoản 100ha để cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Ông La Quốc Yên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thương mại, sản xuất dịch vụ Châu Hưng cho biết: HTX hợp đồng sản xuất lúa hữu cơ với nông dân, sau đó thu mua, chế biến và bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, vùng sản xuất và nhu cầu thị trường khá lớn, còn nhiều tiềm năng để phát triển, HTX sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết, tăng quy mô hoạt động, mở rộng thị trường. HTX đang triển khai hoạt động định vị vùng trồng đối với các vùng nguyên liệu lúa hữu cơ có ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với HTX. Đây là một khâu quan trọng để giúp các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc, kiểm tra quy trình sản xuất của sản phẩm. Đây cũng là một trong những tiêu chí bắt buộc để sản phẩm được xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Ngoài sự thành công của các HTX nông nghiệp, các HTX trên địa bàn huyện Châu Thành còn hoạt động trên các lĩnh vực như: vận tải, thương mại, dịch vụ và xây dựng. Điển hình như HTX Vận tải Phước Vinh (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành) với 45 thành viên, vốn điều lệ 2,3 tỷ đồng, hoạt động khá hiệu quả trong lĩnh vực kinh doanh vận chuyển hành khách bến Bãi Vàng - Xếp Phụng và bến Cồn Nạn - Bà Trầm qua sông Cổ Chiên nối liền hai xã đảo Long Hòa, Hòa Minh với đất liền huyện Châu Thành. Doanh thu hàng năm đạt 05 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1,5 tỷ đồng.
Hay HTX xây dựng Bạch Tuyết (thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành) với 11 thành viên, vốn điều lệ 4,9 tỷ đồng. Doanh thu đạt 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận 50 triệu đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho 11 lao động, thu nhập bình quân 05 triệu đồng/tháng/lao động. HTX Thương mại Châu Thành (thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành) với 35 thành viên, vốn điều lệ 1,2 tỷ đồng. HTX hoạt động trong lĩnh vực khai thác, quản lý chợ, tín dụng nội bộ; doanh thu đạt 1,6 tỷ đồng, lợi nhuận 155 triệu đồng.
Trong quá trình hoạt động, các HTX nắm vững các quy định của pháp luật về HTX, các quy định của pháp luật, các quy ước sản xuất, kinh doanh và thực hiện đúng quy trình sản xuất để làm ra sản phẩm đúng quy chuẩn kỹ thuật. Các HTX có sự liên kết, hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giống, vốn, kỹ thuật, thông tin và tiêu thụ sản phẩm… Hệ thống HTX hoạt động hiệu quả đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên HTX trên địa bàn huyện.
Bài, ảnh: THANH NHÃ
Những năm gần đây, kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh hoạt động có hiệu quả, góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ và chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp, nhằm tăng giá trị sản phẩm, mang lại lợi ích cho các thành viên và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, trong đó có những giám đốc dẫn dắt hình thành và phát triển HTX.