20/06/2022 12:56
Nông dân xã Kim Sơn, huyện Trà Cú chăm sóc mía niên vụ 2022 - 2023.
Theo Kế hoạch số 69/KH-UBND, ngày 06/8/2021 của UBND tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, việc định hướng phát triển vùng nguyên liệu mía của tỉnh đến năm 2025 và đến năm 2030 là 1.000ha, tập trung chủ yếu ở huyện Trà Cú, giảm hơn năm 2021 là 370ha. Vì sao diện tích mía liên tục giảm?
Trước những khó khăn để duy trì diện tích cây mía của tỉnh (chủ yếu trên địa bàn huyện Trà Cú), trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết: nguyên nhân chủ yếu là do sản xuất mía nguyên liệu còn lạc hậu, ruộng đất còn quá manh mún, nhỏ lẻ, độc canh cây mía; chưa liên kết chặt chẽ giữa các hộ nông dân trong sản xuất mía đường; thiếu vốn sản xuất, thiếu giống mía mới cho năng suất, chữ đường cao, khả năng lưu gốc tốt; hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ nên việc áp dụng cơ giới hóa từ làm đất đến tưới, chăm sóc và thu hoạch, cũng như việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật sản xuất mía còn hạn chế dẫn đến năng suất, chất lượng mía còn thấp và chậm cải thiện.
Cùng với đó, trong lĩnh vực sản xuất mía, chưa áp dụng được cơ giới hóa trong khâu thu hoạch, vận chuyển mía nguyên liệu; thiếu lao động trong khâu chăm sóc và thu hoạch mía... Từ đó, kéo theo giá thuê nhân công lao động và chi phí vận chuyển khá cao. Nguyên nhân nữa là các giống mía hiện có trên địa bàn tỉnh khả năng lưu gốc rất kém nên mỗi vụ phải trồng mới lại, làm chi phí đầu tư tăng cao, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người sản xuất. Bên cạnh đó, giá, chi phí đầu vào (giống, vật tư, lao động…) luôn có xu hướng tăng hàng năm, trong khi giá bán nguyên liệu mía không ổn định người dân sản xuất không có lợi nhuận cao, thậm chí còn thua lỗ nên việc tái đầu tư sản xuất gặp nhiều khó khăn; có sự cạnh tranh về lợi nhuận giữa cây mía với các loại cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn; những thay đổi bất thường về thời tiết (sương muối, mặn xâm nhập, khô hạn) và sâu bệnh luôn có nguy cơ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất mía của nông dân.
Ngoài ra, cách tính chữ đường một phần do thương lái và các nhà máy quyết định, nông dân không hề biết đến; cùng với đó, Công ty chưa có kế hoạch cụ thể về tình hình thu mua mía để người dân sản xuất đáp ứng theo nhu cầu nguồn nguyên liệu phục vụ cho việc chế biến của Công ty; việc triển khai thực hiện hợp đồng tiêu thụ giữa Nhà máy đường và người dân còn gặp nhiều khó khăn nhất định.
Ông Trần Văn Đồng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết: việc duy trì diện tích mía đối với địa phương hiện rất khó, do thị trường quyết định. Nếu nông dân thấy có hiệu quả thì phát triển, còn sản xuất liên tục lỗ buộc phải bỏ mía, chuyển sang cây trồng khác; địa phương chỉ tham gia hỗ trợ, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; thêm một cái khó là ứng dụng các thiết bị trong quá trình trồng mía như máy bừa, làm luống, thu hoạch… không thể thực hiện được, do sản xuất manh mún. Từ đó, làm gia tăng chi phí sản xuất khi nông dân sử dụng lao động thủ công chiếm gần 100% trong các công đoạn.
Nông dân Nguyễn Văn Đời, ngụ ấp Vàm, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú cho biết: gia đình có 0,4ha mía, nhưng từ năm 2019 đến nay do trồng mía không hiệu quả, buộc phải bỏ đất hoang. Năm 2022, gia đình mới cải tạo lại diện tích mía trồng dừa xiêm, phía dưới luân canh một số cây màu như ớt, đậu xanh…
Nông dân Sơn Văn Sơn, ấp Bãi Xào Giữa, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú cho biết: gia đình có 0,6ha trồng mía, do giá mía thấp, không đủ chi phí; từ niên vụ mía 2020 - 2021, gia đình chuyển sang trồng lúa mùa kết hợp với nuôi thủy sản. Vụ vừa qua, gia đình thu nhập hơn 20 triệu đồng/0,6ha/năm, nếu so với cây mía, hiệu quả cao gấp 04 - 05 lần. Nông dân vẫn hy vọng khi giá mía tăng, đủ bù đắp các chi phí và người trồng có lời như trồng lúa cũng sẽ xem xét việc giữ diện tích mía.
Để các địa phương có diện tích trồng mía tập trung vào chuyển đổi như thế nào nhằm đáp ứng sản xuất tập trung, nâng cao giá trị hiệu quả kinh tế và gắn với chuỗi liên kết là bài toán khó hiện nay.
Từ thực tế, nhất là giá mía nguyên liệu liên tục giảm, nông dân sản xuất không có lời nên đã chuyển đổi từ đất mía sang các loại cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản từ năm 2019 đến nay có 2.959ha; trong đó, chuyển sang trồng bắp 57ha, đậu phộng 17ha, cây có bột khác 26ha, màu thực phẩm 406ha, trồng cỏ nuôi bò 98ha, cây khác 1.106ha, cây ăn trái 52ha, trồng dừa 590ha, lúa kết hợp nuôi thủy sản 82ha, chuyên nuôi thủy sản 523ha, hiệu quả kinh tế sau chuyển đổi cao hơn so với trồng mía từ 02 - 05 lần.
Cũng theo ông Lê Văn Đông, để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng mía đáp ứng sản xuất tập trung, nâng cao giá trị hiệu quả kinh tế và gắn với chuỗi liên kết thì tỉnh đã có chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định tại khoản 2, Điều 8 của Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh:
Nội dung và mức hỗ trợ: (1) Đất trồng mía chuyển sang cây trồng (rau, nấm ăn, cây ăn quả, dừa, lúa, đậu phộng), vật nuôi (heo, bò, dê, gà, vịt) được hưởng 06 triệu đồng/ha, sang nuôi thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cá tra, cua biển, nghêu) được hưởng 10 triệu đồng/ha; (2) Ngoài các loại cây trồng, vật nuôi, nuôi thủy sản nêu trên thì đất trồng mía chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác được hưởng 04 triệu đồng/ha, sang nuôi thủy sản khác được hưởng 06 triệu đồng/ha.
Điều kiện hỗ trợ: (1) Nằm trong kế hoạch sản xuất của UBND cấp xã, UBND cấp huyện hoặc kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực. (2) Diện tích để được hỗ trợ tối thiểu từ 0,5ha trở lên.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Chỉ số PCI của tỉnh Trà Vinh, năm 2024 xếp hạng 18/63 tỉnh, thành phố của cả nước và đứng vị trí thứ 06/13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long; số điểm đạt được là 68,94 điểm, tăng 06 hạng và tăng 1,48 điểm so với năm 2023.