04/11/2024 16:52
Nông dân Thạch Chane, ấp Ô Rung, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú: hàng năm thu nhập trên 1,2 tỷ đồng từ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi
Ông Thạch Chane (bên trái) trao đổi với cán bộ Hội Nông dân xã về sản xuất lúa vụ thu - đông.
Từ năm 2016 đến nay, nông dân Thạch Chane luôn đạt và giữ vững danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp Trung ương; không chỉ làm giàu cho gia đình, nông dân Thạch Chane còn giúp cho các hội viên ở địa phương về con giống, vật tư nông nghiệp và hỗ trợ, trao học bổng, xe đạp, dụng cụ học tập cho con em hội viên nông dân (15 triệu đồng/năm).
Ông Thạch Chane cho biết: trước đây, khu vực ấp Ô Rung được mệnh danh là vùng ruột, trũng và đất nhiễm phèn… nên trong sản xuất lúa rất khó khăn, năng suất bấp bênh, chỉ sản xuất được 01 vụ lúa mùa (chủ yếu nhờ vào nước mưa). Từ năm 2012, gia đình đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo dần các diện tích trồng lúa cùng với Nhà nước triển khai các công trình thủy lợi, đã tác động tích cực trong chuyển đổi sản xuất lúa của gia đình cũng như các hộ trong khu vực.
Cũng theo ông Thạch Chane, với diện tích hơn 04ha trồng lúa, gia đình ứng dụng kỹ thuật canh tác theo mô hình “cánh đồng ước mơ” do Công ty ADC hỗ trợ từ năm 2018 đến nay, đã đưa năng suất lúa không ngừng tăng, từ 06 - 6,5 tấn/ha (năm 2016) lên 07 - 7,5 tấn/ha (năm 2024) và sản xuất 03 vụ lúa/năm; giúp gia đình tăng thêm lợi nhuận bình quân 0,8 - 01 triệu đồng/ha so với sản xuất ngoài mô hình, thu nhập từ lúa gần 700 triệu đồng/năm.
Ngoài cây lúa, từ năm 2014, gia đình còn chuyển đổi 2,5ha đất ruộng gò sang trồng dừa. Đến nay, vườn dừa đã mang lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Tận dụng nguồn rơm và cỏ trong vườn dừa, gia đình còn kết hợp đầu tư nuôi 15 con bò (07 con bò sinh sản).
Nông dân Thạch Cươne, ấp Phú Mỹ, xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành: nâng cao giá trị nuôi bò sinh sản qua ứng dụng phương pháp chọn giới tính
Theo nông dân Thạch Cươne: đối với bò nuôi vỗ béo, đối tượng bò đực sẽ được ưu tiên, vì bò tăng trọng mau hơn bò cái và thể trạng bò lớn. Tuy nhiên, bò lai sind thường đẻ bò cái, bò đực theo chu kỳ đổi đầu con. Với giống bò sinh sản nền sind nếu phối giống bò lai Kem (Pháp) hay bò Zebu sẽ cho ra bò con có thể trạng lớn và siêu thịt hơn bò sind thuần, mục đích là phục vụ bò thịt. Cho nên với các giống bò con sau sinh mà mang giống lai bò Kem (Pháp) hay bò Zebu là con cái rất khó để làm bò sinh sản, khả năng sinh sản không tốt bằng bò cái nền lai sind.
Ông Thạch Cươne bên đàn bò sind lai bò kem (Pháp).
Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc nuôi bò sinh sản phục vụ cho bò vỗ béo, nông dân Thạch Cươne chia sẻ: hiện gia đình có khoảng 20 con bò, trong đó, có 07 con bò sind sinh sản. Khi thực hiện phối giống, qua nguồn tinh giống bò kem (Pháp) hay bò Zebu sẽ đặt chọn giới tính bò (bò đực) và dẫn tinh viên sẽ đảm bảo nguồn tinh giống bò theo giới tính. Khi nuôi bò đực vỗ béo, giống bò kem (Pháp) hay bò Zebu, sau 04 - 05 tháng bò con sẽ đạt lượng 140 - 150kg/con, trong khi đó bò lai sSind chỉ đạt khoảng 100 - 110kg/con. Hàng năm, gia đình thu nhập gần 200 triệu đồng từ bò đực bán cho người nuôi vỗ béo.
Đồng chí Kim Luôn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Chánh cho biết: đúc kết từ những kết quả đạt được trong nuôi bò sinh sản có lựa chọn giới tính của nông dân Thạch Cươne; qua đó, đã được nhiều hội viên nông dân trong xã đến trao đổi, học tập kinh nghiệm về nuôi bò sinh sản có chọn lựa giới tính để nâng cao giá trị kinh tế. Hiện nông dân Thạch Cươne được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát huy thế mạnh về đặc điểm của vùng sản xuất ven biển, những năm qua, chị Trương Thị Cúc, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Phước Thiện, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi dê nhốt chuồng và trồng rừng kết hợp thả nuôi cua biển, tôm luân canh. Hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp 03-05 lần so với chi phí đầu tư...