04/05/2025 08:14
Mô hình “lấy ngắn nuôi dài” của CCB Nguyễn Văn Huynh
Lãnh đạo Hội CCB xã, ấp tham quan mô hình lấy ngắn nuôi dài của hội viên cựu chiến binh Nguyễn Văn Huynh.
Tuy không phải mô hình mới, nhưng đã đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho gia đình CCB Nguyễn Văn Huynh, sinh năm 1954, ấp Ô Chích A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành.
Ông Huynh cho biết: khởi nghiệp với 0,8ha đất cha mẹ cho trồng chuyên canh cây lúa kết hợp với nuôi vịt chạy đồng. Khi tích lũy được vốn, ông đầu tư mua máy suốt lúa, máy cày. Nhờ chí thú làm ăn, siêng năng lao động, khi gia đình có điều kiện, ông mua thêm đất vừa canh tác, vừa có vốn để lại cho các con. Đến nay, ông đã sở hữu 5,1ha và đã chia cho các con, hiện nay ông tập trung sản xuất 1,7ha, trong đó có 1,2ha dừa, diện tích còn lại trồng hoa kiểng (mai) và xen bắp ăn với mục tiêu “lấy ngắn nuôi dài” đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đối với cây dừa trồng theo quy trình hữu cơ nên giá bán cao hơn so với các hộ khác, hiện nay giá dừa khô tăng cao, hàng tháng gia đình thu nhập từ 10 - 25 triệu đồng. Đối với đất trồng xen canh, hàng năm ông trồng 04 vụ bắp ăn. Nhờ lấy công làm lời, từ lúc trồng cho đến thu hoạch dứt điểm hơn 02 tháng, mỗi lần bắp đến mùa thu hoạch, vợ ông thu hoạch bắp đem nấu mang ra chợ bán nên lợi nhuận cao đạt từ 14 - 16 triệu đồng/0,1ha. Gần đây, ông đầu tư trồng 1.000m2 củ lùn để chế biến thành tinh bột cung cấp thị trường. Với 1.000m2 trồng 01 đợt/năm, với khoảng 100kg tinh bột củ lùn, bán giá 250.000 đồng/kg tinh bột đem lại lợi nhuận khá cho gia đình.
Không chỉ điển hình về phát triển kinh tế, trong thời kháng chiến, vợ chồng ông Huynh đã đóng góp sức trẻ cho quê hương. Ông Huynh chia sẻ: sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, sau khi nhận được tin 02 người anh trai đã hy sinh, năm 1966 khi vừa tròn 12 tuổi tôi lên đường gia nhập du kích mật của xã. Đến năm 1970 tôi lên đường nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ du kích xã cho đến năm 1974 được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong khoảng thời gian tham gia du kích xã, ông đã gặp người bạn đời của mình bà Hồ Thị Dân, sinh năm 1954, ấp Khánh Lộc, xã Song Lộc, huyện Châu Thành tham gia làm du kích mật. Cùng chung ý tưởng cách mạng và tình yêu của ông Huynh và bà Dân đã “đơm hoa kết trái” khi cùng chung vai sát cánh với nhau trong những trận đánh địch cho đến năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà Dân về lại gia đình chăm sóc con cái để hỗ trợ ông Huynh tiếp tục công tác tại địa phương. Ban đầu ông Huynh tham gia ở Xã Đoàn với chức vụ Phó Bí thư và trải qua nhiều chức vụ khác nhau từ cơ sở đến huyện cho đến năm 1986 về với gia đình chăm lo phát triển kinh tế gia đình cho đến nay.
Đồng chí Dương Tấn Quốc, Chủ tịch Hội CCB xã Lương Hòa khẳng định: hiện xã có 186 hội viên, những năm qua, phong trào CCB gương mẫu làm kinh tế giỏi trên địa bàn đã trở thành động lực khơi dậy ý thức người dân tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Cùng với đó, Hội CCB xã phối hợp với các ngành đoàn thể khảo sát, xem xét hỗ trợ vốn vay cho 360 hộ dân và hội viên CCB trên 08 tỷ đồng, trong đó có 126 hội viên vay vốn với trên 02 tỷ đồng. Từ phong trào CCB gương mẫu làm kinh tế giỏi đã xuất hiện nhiều gương điển hình, trong đó có hội viên CCB Nguyễn Văn Huynh.
Hội viên CCB Nguyễn Văn Huynh ngoài chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông còn chia sẻ kiến thức cũng như kinh nghiệm trong quá trình sản xuất với người dân địa phương. Hàng năm, gia đình ông đóng góp trên 05 triệu đồng hỗ trợ người nghèo và phối hợp với Ban Nhân dân ấp vận động các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân xây dựng 03 cây cầu nông thôn, 02 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo và nhiều phần quà khác cho người nghèo trong dịp lễ, Tết.
CCB làm kinh tế giỏi Nguyễn Thành Trạng
CCB Nguyễn Thành Trạng với mô hình nuôi vịt trên nhà sàn kết hợp với nuôi cá trê vàng.
Phát huy phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, sau khi phục viên rời quân ngũ trở về địa phương, CCB Nguyễn Thành Trạng, ấp 4A, xã An Trường, huyện Càng Long đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên và trở thành tấm gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương.
Năm 1973 khi mới 16 tuổi người thanh niên Nguyễn Thành Trạng (sinh năm 1957) quê ở xã Nhị Long, huyện Càng Long đã cùng lực lượng thanh niên địa phương tham gia du kích xã (xã Nhị Long, huyện Càng Long), sau đó ông tham gia lực lượng vũ trang tại nhiều đơn vị. Đến năm 1979 do bị thương trong chiến trường biên giới Tây Nam tại tỉnh An Giang sau thời gian điều trị tại đơn vị ông Trạng được phục viên về lại với quê hương. Năm 1982, ông Trạng lập gia đình và chuyển về sinh sống tại Ấp 4A, xã An Trường. Tại đây, vợ chồng ông bắt đầu lập nghiệp với nghề sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Dù mang trong người thương tật với tỷ lệ 48% nhưng người lính Cụ Hồ Nguyễn Thành Trạng vẫn không ngừng nỗ lực tích cực lao động làm kinh tế cho gia đình. Năm 2020, qua tìm hiểu thông tin từ sách, báo và học hỏi các mô hình kinh tế trong và ngoài địa phương ông Trạng mạnh dạn đầu tư trên 130 triệu đồng xây dựng nhà sàn diện tích 320m2 bằng bê-tông, trải lưới làm chuồng lắp đặt đầy đủ hệ thống máng ăn và ống nước để nuôi vịt thương phẩm kết hợp với nuôi cá trê vàng. Gia đình ông Trạng liên kết với Công ty Cổ phần Greenfeed Việt Nam chi nhánh tỉnh Vĩnh Long cung cấp giống vịt Chaly và hỗ trợ kỹ thuật nuôi.
CCB Nguyễn Thành Trạng chia sẻ: mô hình nuôi vịt trên sàn kết hợp với nuôi cá trê vàng dễ thực hiện, không cần nhiều nhân công; thời gian chăm sóc vịt không quá lâu (khoảng 45 ngày), mỗi năm gia đình nuôi 04 đợt vịt, mỗi đợt nuôi từ 1.800 - 2.000 con, việc chăm sóc hàng ngày chỉ cần 01 nhân công với 20 - 30 phút cho việc phun nước vệ sinh chuồng và đổ thức ăn cho vịt vào các máng ăn.
Định kỳ hàng tuần Công ty Cổ phần Greenfeed Việt Nam chi nhánh tỉnh Vĩnh Long cử nhân viên đến hướng dẫn kỹ thuật tiêm ngừa và chăm sóc đàn vịt để phát triển tốt. Sau 45 ngày chăm sóc, vịt đạt trọng lượng từ 3,3 - 3,5kg/con là có thể xuất bán cho thương lái trong tỉnh và các tỉnh khác như: Bến Tre, Vĩnh Long với giá bán 45.000 - 55.000 đồng/kg. Mỗi đợt xuất đàn, gia đình ông Trạng lợi nhuận từ 40 - 60 triệu đồng/đợt.
Để đạt hiệu quả cao trong sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế, ông Trạng mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất bên cạnh mô hình nuôi vịt và cá trê vàng ông Trạng còn tận dụng đất quanh nhà để trồng đậu phộng. Hiện nay, với mô hình kinh tế tổng hợp mang lại thu nhập cho gia đình khoảng 200 triệu đồng/năm.
Đồng chí Nguyễn Tấn Phong, Phó Chủ tịch Hội CCB xã An Trường cho biết: với vai trò Chi hội Phó Chi hội CCB Ấp 4A, CCB Nguyễn Thành Trạng không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng và luôn gương mẫu đi đầu, nêu cao tinh thần trách nhiệm phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, với mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình CCB Nguyễn Thành Trạng đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đóng góp tích cực trong XDNTM nâng cao, kiểu mẫu của xã An Trường.
Với những đóng góp và thành tích trong phát triển kinh tế, CCB Nguyễn Thành Trạng được Hội CCB tỉnh, huyện Càng Long tặng nhiều giấy khen về thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi và nhiều lần được các cấp, các ngành, UBND xã, Hội CCB xã An Trường biểu dương, khen thưởng là tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua “CCB gương mẫu” để hội viên học tập, làm theo.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN - HỒNG NHUNG
Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ Trà Vinh nghiệm thu đề tài “Đánh giá khả năng phát triển của hàu Thái Bình Dương và xây dựng mô hình nuôi thương phẩm tại vùng cửa sông tỉnh Trà Vinh” do TS. Trần Văn Phước (Trường Đại học Nha Trang) và các thành viên tham gia nghiên và thực hiện đề tài.