26/02/2022 08:59
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.294ha dừa hữu cơ đạt tiêu chuẩn (châu Âu - EU, Mỹ - USDA); trong đó có 260ha đạt 06 tiêu chuẩn (châu Âu - EU, Mỹ - USDA, Nhật - JAS, Úc - ACO, Thụy Điển - KRAV và GlobalGAP). Những năm qua, một số doanh nghiệp (DN) đến Trà Vinh tham gia liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất với nông dân trồng dừa…
Nông dân Thạch Thanh, ấp Xóm Lớn, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè với mô hình chuyên canh dừa (diện tích 1,5ha), cho thu nhập trên 250 triệu đồng/năm.
Phát huy lợi thế từ cây dừa
Dừa được xác định là cây trồng quan trọng cung cấp nguồn nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội không ngừng tăng trưởng. Đặc biệt, trong điều kiện biến đổi khí hậu, dừa là cây trồng có sức chống chịu tốt với vùng đất bị mặn xâm nhập vào mùa khô. Dừa là cây trồng thích nghi với biến đổi khí hậu, góp phần giữ được độ cao của mực nước ngầm, kiểm soát xói mòn, làm giảm thiệt hại do bão và lốc xoáy gây ra. Ngoài ra, cây dừa làm “trẻ hóa” và sáng tạo đất vì ít sử dụng các loại phân bón hóa học và thuốc trừ sâu…
Mặc dù giá trị từ cây dừa mang lại khá cao, tuy nhiên, do chưa xây dựng được chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất, từ đó, giá trị dừa bị thị trường chi phối. Trong này, có những thời điểm giá trị dừa mang lại khá cao, từ 95.000 - 105.000 đồng/chục (12 trái) dừa khô, nhưng có lúc chỉ còn từ 35.000- 40.000 đồng/chục. Từ đó, đã tác động đến phát triển vườn dừa theo hướng thâm canh, có chăm sóc và quản lý dịch bệnh…
Nông dân Nguyễn Văn Hưng, ấp Ngã Tư 1, xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần chia sẻ: từ đầu năm đến nay, giá dừa khô trái tăng mạnh, người trồng rất phấn khởi, hiện ở mức 78.000 - 80.000 đồng/chục dừa. Vừa qua, gia đình có tham gia mô hình dừa hữu cơ, tuy giai đoạn đầu thực hiện, năng suất dừa có chựng lại; qua hơn 01 năm áp dụng, 0,8ha dừa của gia đình cho trái khá đều, do nền đất được xử lý bằng phân hữu cơ vi sinh và có chăm sóc tốt hơn; hiệu quả của mô hình là giúp người trồng dừa giảm khoảng 55% chi phí do hạn chế không sử dụng phân bón hóa học. Quy cách trồng dừa hữu cơ rất dễ áp dụng, người trồng tuân thủ khi sử dụng phân bón, thuốc; vườn dừa không gần chuồng trại chăn nuôi... mỗi vườn dừa được cấp mã số và địa chỉ cụ thể để khi bán sản phẩm, khâu kiểm tra được giám sát theo mã số. Giá trị dừa hữu cơ được các cơ sở có tham gia liên kết thu mua, tăng khoảng 10% giá trị so với dừa truyền thống.
Triển khai Quyết định số 1476/QĐ-UBND, ngày 20/7/2018 của UBND tỉnh Trà Vinh về nâng cấp chuỗi giá trị dừa, giai đoạn 2018 - 2020. Qua đó, sẽ tập trung phát triển ngành hàng dừa của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và xuất khẩu đối với các dòng sản phẩm chủ lực có lợi thế phát triển của cây dừa tại tỉnh; tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập và đời sống cho nông dân trên cơ sở nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nước, lao động và nguồn vốn.
Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh đã triển khai liên kết trong sản xuất và tiêu thụ dừa với các đơn vị: Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) đánh giá chứng nhận dừa hữu cơ với diện tích 763ha (xã Đại Phước 327ha; xã Đại Phúc 436ha), huyện Càng Long đạt tiêu chuẩn châu Âu - EU, Mỹ - USDA; Công ty cổ phần Chế biến dừa Á Châu (Bến Tre) đánh giá chứng nhận hữu cơ đạt tiêu chuẩn châu Âu - EU, Mỹ - USDA với diện tích 220,56ha (202 hộ) tại xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần. Công ty Cổ phần Trà Bắc chứng nhận vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt tiêu chuẩn châu Âu - EU, Mỹ - USDA với diện tích 310,5ha (343 hộ) tại xã Phú Cần, Hùng Hòa, Ngãi Hùng (huyện Tiểu Cần). Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre) đang triển khai xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ với diện tích 50ha tại xã Long Đức, thành phố Trà Vinh và Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong (Bến Tre) đang triển khai xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ khoảng 500ha tại xã Lương Hòa, huyện Châu Thành.
Gia tăng giá trị dừa qua chuỗi
Ông Trần Văn Quân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần cho biết: qua thực hiện nâng cao chuỗi giá trị dừa, đã giúp trái dừa của nông dân trong huyện nói riêng và người trồng dừa trong tỉnh nói chung, từng bước đưa trái dừa theo hướng tăng chế biến, giảm xuất dừa thô để nâng cao giá trị cho trái dừa. Hiện huyện Tiểu Cần có trên 500ha dừa được sản xuất theo hướng hữu cơ với chuỗi liên kết gắn với nâng cao giá trị sản xuất và phấn đấu đến năm 2025, Tiểu Cần đưa diện tích dừa sản xuất theo hữu cơ đạt 2.000ha. Đối với các diện tích dừa sản xuất theo hữu cơ, có giá thu mua cao hơn ngoài từ 05 - 10%...
Thông qua các đơn vị liên kết, huyện Tiểu Cần đang được Công ty Cổ phần Chế biến dừa Á Châu (Bến Tre); Công ty Cổ phần Trà Bắc chứng nhận dừa sản xuất hữu cơ đạt tiêu chuẩn châu Âu - EU, Mỹ - USDA với diện tích 220,56ha (202 hộ) tại xã Tân Hòa, 310,5ha (343 hộ) xã xã Phú Cần, Hùng Hòa, Ngãi Hùng (huyện Tiểu Cần). Với tổng diện tích dừa của huyện trên 5.500ha, trong này có khoảng 50% sản lượng dừa khô trái qua sơ chế tại địa phương, thông qua 135 cơ sở thu mua, sơ chế dừa và giải quyết việc làm cho hơn 6.500 lao động…
Ông Dương Văn Thọl, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất - Thương mại Dương Phát, ấp Ngã Tư 1, xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần cho biết: hiện nay, Công ty đang thực hiện liên kết thu mua dừa trong dự án dừa hữu cơ của Công ty Cổ phần Chế biến dừa Á Châu. Ưu điểm của dừa trồng hữu cơ giúp cho trái ổn định, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và người trồng dừa cũng được cơ sở thu mua cao hơn khoảng 10% giá trị.
Cũng theo ông Dương Văn Thọl, hàng tháng cơ sở thu mua và sơ chế từ dừa trái đạt khoảng 1,1 - 1,2 triệu trái dừa/tháng, trong này chủ yếu thu mua dừa của nông dân (khoảng 40% sản lượng dừa trái) ở các xã Tân Hùng, Tập Ngãi, Ngãi Hùng (huyện Tiểu Cần), Thanh Mỹ, Mỹ Chánh (huyện Châu Thành). Qua khép kín chuỗi giá trị từ dừa, cơ sở giải quyết việc làm cho lao động tại cơ sở khoảng 130 lao động với các công đoạn như lột dừa, cơm dừa, se chỉ, làm nút áo (nguyên liệu là vỏ gáo dừa)…
Theo kế hoạch phát triển về ngành dừa của tỉnh, đến năm 2025 diện tích dừa phấn đấu đạt trên 25.000ha, cho sản lượng trên 375.000 tấn/năm tập trung ở các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang và thành phố Trà Vinh.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Thời gian qua, phong trào XDNTM huyện Duyên Hải đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, huyện Duyên Hải vinh dự đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022. Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Trong đó, phải kể đến vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong huyện. Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Duyên Hải đã tổ chức nhiều hoạt động, thành lập nhiều mô hình phù hợp, thiết thực tham gia XDNTM, góp phần mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho địa phương.