13/09/2022 09:25
Nhà vườn Cao Thị Thúy thu hoạch dừa sáp.
Từ năm 2021 đến nay, giá dừa khô biến động trên thị trường theo hướng giảm. Đối với dừa sáp, giá tương đối ổn định và giữ mức cao. Hiện nay, nhiều hộ trồng dừa sáp lo lắng khi diện tích dừa sáp đang phát triển mạnh, đầu ra sản phẩm chưa được liên kết tốt, phụ thuộc nhiều vào thị trường bán lẻ, khi đó sẽ gặp khó về tiêu thụ.
Theo ông Lê Trường Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh: định hướng về phát triển dừa sáp trong thời gian tới khoảng 550ha dừa sáp đặc sản ở các huyện Cầu Kè, Châu Thành, Càng Long, Tiểu Cần.
Đồng thời, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các ngành liên quan xúc tiến đầu tư, phát triển liên kết giữa doanh nghiệp với hộ trồng dừa trong tỉnh nhằm sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các thị trường xuất khẩu. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển bền vững các chuỗi sản phẩm dừa trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ chế biến sâu, tạo các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thị trường tiêu thụ tốt (cả trong nước và xuất khẩu) xây dựng nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh và phát triển liên kết với người sản xuất, các cơ sở, hợp tác xã thực hiện thu gom và sơ chế trên địa bàn tỉnh.
Nhà vườn Cao Thị Thúy, chủ cơ sở du lịch dừa sáp Ba Thúy (ấp Chông Nô 3, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè) chia sẻ: gần 02 năm nay, nhà vườn trồng dừa sáp rất ổn định về đầu ra; qua đó cũng “gánh” một phần cho giá dừa khô trái đang giảm mạnh. Hiện gia đình có gần 02ha dừa sáp, bình quân tỷ lệ cho sáp ở dừa trồng theo cách truyền thống từ 25 - 30%, còn lại là dừa khô; giá dừa sáp giữ ở mức từ 120.000 - 140.000 đồng/trái (loại I, sáp đặc), từ 100.000 - 120.000 đồng/trái (dừa loại II, sáp lỏng). Nguồn tiêu thụ dừa sáp của nhà vườn chủ yếu qua các thương lái thu mua nhỏ, lẻ của địa phương theo thị trường tại từng thời điểm, chưa có bao tiêu hay liên kết lâu dài giữa nhà vườn với doanh nghiệp.
Ghi nhận về tình hình phát triển cây dừa sáp trên địa bàn huyện Cầu Kè, trong tổng số 4.658ha dừa các loại; trong đó có 714ha dừa sáp. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhà vườn tập trung trồng dừa sáp khá nhiều gây ảnh hưởng đến quy hoạch của địa phương.
Hiện trên địa bàn huyện Cầu Kè có Hợp tác xã Dừa sáp Hòa Tân (55 thành viên, tổng diện tích 34ha dừa sáp) đạt chứng nhận OCOP 04 sao cho sản phẩm dừa sáp. Các sản phẩm được chế biến từ trái dừa sáp có các cơ sở, doanh nghiệp tham gia như: cơ sở mứt dừa sáp Cẩm (hộ kinh doanh Nguyễn Thị Cẩm) với sản phẩm mứt dừa sáp đạt chứng nhận OCOP 03 sao; sản phẩm dừa sáp sợi (VICOSAP), dừa sáp Bảo Châu, kẹo dừa sáp nguyên chất, kẹo dừa sáp lá dứa, kẹo dừa sáp cacao (Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè)....
Bà Nguyễn Thị Cẩm, chủ cơ sở mứt dừa sáp Cẩm (thị trấn Cầu Kè) cho biết: về nguồn tiêu thụ trái dừa sáp ở Cầu Kè có thể nói thời điểm hiện tại “cung chưa vượt cầu”; nhiều thời điểm vẫn khan hiếm hàng như dịp tết Đoan ngọ, Rằm tháng 7, tết Nguyên đán. Đối với cơ sở hiện có, đã gắn bó với nhà vườn để xây dựng các vùng thu mua (theo giá thị trường, không bao tiêu) ở các xã: Hòa Tân, Tam Ngãi, Hòa Ân… Riêng cơ sở, hàng ngày thu mua của nhà vườn từ 300 - 400 trái dừa sáp để cung cấp cho người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre…
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Kha, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết: ngành nông nghiệp hiện rất khó định hướng cho nông dân trong phát triển sản xuất (dừa sáp), chỉ vận động, tuyên truyền cho nhà vườn tập trung nâng cao chất lượng các vườn dừa sáp thông qua việc chăm sóc, quản lý. Đối với các diện tích vườn dừa già cỗi hay vườn tạp kém hiệu quả sẽ vận động nông dân chuyển đổi sang trồng cây dừa sáp và chỉ tập trung quy hoạch phát triển dừa sáp trên địa bàn xã Hòa Tân.
Cũng theo ông Lê Trường Sơn, để nâng cao giá trị trái dừa sáp nói riêng và dừa trái nói chung; đòi hỏi trong thời gian tới phải thiết lập được các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp đầu chuỗi với người nông dân theo 02 dạng chính: liên kết phát triển vùng nguyên liệu theo các tiêu chuẩn (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ) và tiêu thụ sản phẩm theo hướng khép kín và lâu dài. Doanh nghiệp đầu chuỗi liên kết tiêu thụ nguyên liệu hoặc sản phẩm sơ chế, không trực tiếp tham gia phát triển và quản lý vùng nguyên liệu).
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát huy vai trò phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), thời gian qua Hội Liên hiệp phụ nữ xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực. Trong hoạt động Hội huy động sự tham gia của các tầng lớp phụ nữ và Nhân dân cùng chung tay BVMT góp phần XDNTM nâng cao, kiểu mẫu ở địa phương.