15/05/2022 08:26
Tuy nhiên hiện nay đầu ra sản phẩm đan đát của làng nghề bấp bênh, nguyên liệu đan đát chủ yếu cọng dừa nước gần đây thường xuyên bị hụt hàng do người dân chuyển đổi đất trồng dừa nước sang trồng cây ăn trái… nên làng nghề không còn hoạt động nhộn nhịp như trước, có thể không phát triển và có nguy cơ giải thể.
Làng nghề đan đát - thủ công mỹ nghệ chủ yếu sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như nhạc cụ dân tộc Khmer, đan đát, giỏ nhựa (giỏ 3D, giỏ đan nong mốt), chậu lục bình, hộp cối xe… Hàng năm làng nghề giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương, tạo thu nhập thêm từ 1,7 - 2,5 triệu đồng/tháng/lao động. Đặc trưng của làng nghề là không phát sinh nước thải sản xuất, chỉ phát sinh nước thải sinh hoạt và được các cơ sở xử lý qua hầm lắng khi thải vào hệ thống thoát nước chung của khu vực hoặc thấm trong khuôn viên hộ gia đình.
Trước đây, các làng nghề tiểu thủ công nghiệp của xã, đặc biệt là làng nghề đan đát - thủ công mỹ nghệ phát triển khá mạnh với 67 hộ tham gia sản xuất, tập trung ở các ấp Ba Se A, Ba Se B, Bình La, Sâm Bua… Trong đó, nghề đan đát tại ấp Sâm Bua, Bình La; đan mê bánh tráng ấp Ba Se B, chằm lá ấp Ba Se A… đã tạo việc làm cho khoảng 350 lao động; hộ Lâm Phene sản xuất các loại nhạc cụ dân tộc Khmer như: đàn, mũ, mão, mặt nạ tuồng cổ... được giới thiệu trưng bày trong những cuộc triển lãm trong và ngoài tỉnh.
Tổ kinh tế hợp tác đan mê ấp Ba Se B, chuyên đan mê thủ công, theo hình thức dần công mua nguyên liệu và thu gom sản phẩm (vĩ) của các tổ viên tiêu thụ ra thị trường; nghề gói bánh tét có 12 hộ với 40 lao động, sản lượng 185kg nếp/ngày. Gần đây tình hình đan đát gặp nhiều khó khăn, nhất là đầu ra sản phẩm, thiếu nguồn nguyên liệu… nên hiện nay chỉ còn một số hộ duy trì với nghề đan đát nhằm lấy công làm lời tạo thu nhập trang trải cuộc sống.
Điển hình như gia đình ông Châu Hùng Kiến, ấp Ba Se B đã gắn bó với nghề đan đát (mê bánh tráng) hơn 10 năm, nhưng 03 năm gần đây do đầu ra bấp bênh, nghề đan đát cạnh tranh với thị trường cao nên ban đêm ông làm công nhân vệ sinh đường phố của Công ty Cổ phần Công trình đô thị Trà Vinh, ban ngày ông thu mua cọng dừa nước về đan mê để tạo thêm thu nhập cho gia đình.
Ông Châu Hùng Kiến chuốc cọng dừa nước để đan mê.
Ông Châu Hùng Kiến cho biết: những năm trước trung bình vợ chồng ông đan mê bánh tráng khoảng 200 - 300 tấm mê/tháng, giá bán bỏ mối 40.000 đồng/tấm, lợi nhuận 20.000 đồng/tấm. So với trước, giảm từ 100 - 150 tấm mê/tháng, do nguyên liệu đan đát bằng cọng dừa nước gần đây khó cạnh tranh với thị trường, nhất là giá bán thấp hơn sản phẩm mê bánh tráng làm bằng nguyên liệu cây lồ ồ nên đầu ra giảm hơn so với trước.
Gia đình bà Cao Thị Anh, ngụ cùng ấp Ba Se B là gia đình sống với nghề bằng cả sự đam mê, từ nhiệt huyết của ông bà, cha mẹ truyền lại. Bà Anh cho biết: mặc dù hiện nay giá sản phẩm đan đát giảm so với trước, một số hộ dân đã từ bỏ nghề đan đát chuyển sang ngành nghề khác, nhưng gia đình bà vẫn duy trì đan đát khoảng 100 - 150 tấm mê/tháng, tùy theo nguyên liệu lớn hay nhỏ, trừ chi phí mua nguyên liệu từ 0,8 - 01 triệu đồng/1.000 cọng dừa nước, lợi nhuận từ 03 - 04 triệu đồng/tháng.
Do điều kiện gia đình không đất sản xuất, kinh tế chủ yếu dựa vào nghề đan mê bánh tráng, nên để giảm chi phí đầu tư nguyên liệu đầu vào, vợ chồng bà đi từ địa phương cho đến các xã lân cận tìm kiếm thu mua nguyên liệu cọng dừa. Khó khăn hiện nay của nghề đan đát là giá bán sản phẩm làm bằng nguyên liệu cọng dừa thấp khoảng 40.000 đồng/tấm, còn tấm mê làm bằng nguyên liệu khác (cây lồ ồ) giá bán từ 60.000 - 70.00 đồng/tấm. Trong khi đó, người dân tham gia đan mê thiếu vốn đầu tư nguyên liệu đầu vào. Mặt khác giá nguyên liệu cây lồ ồ cao hơn cọng dừa nước nên người dân trong ấp tập trung sản xuất nguyên liệu truyền thống.
Theo ông Huỳnh Kim Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Hòa, những năm qua, làng nghề đã và đang có những đóng góp quan trọng vào việc phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở vùng nông thôn, giải quyết việc làm lao động tại địa phương, tăng thu nhập hộ gia đình, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên phần lớn hộ dân sản xuất dựa vào kinh nghiệm, việc áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất còn nhiều hạn chế, đa số hộ nghèo thiếu kiến thức, thiếu vốn đầu tư sản xuất, nên hiệu quả sản xuất chưa cao.
Bên cạnh đó, cơ sở hiện nay chủ yếu là kho chứa tạm, chất lượng kém không đảm bảo dự trữ nguyên vật liệu và sản phẩm; thiếu vốn sản xuất để mua nguyên vật liệu dự trữ, đầu tư thêm trang thiết bị máy móc để phục vụ cho sản xuất; thiếu điều kiện tiếp cận thị trường, chưa đa dạng hóa các ngành hàng, chưa xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tạo uy tín với các đối tác, còn phụ thuộc vào thương lái làm giảm giá thành sản phẩm, giảm thu nhập cho lao động, nên tình hình hoạt động của làng nghề gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, xã đề nghị xin giải thể.
Với cái nghề “đã cũ lại khó hái ra nhiều tiền”, thiết nghĩ, để duy trì và phát triển làng nghề đan đát - thủ công mỹ nghệ, các ngành các cấp quan tâm nhiều hơn, tạo liên kết đầu ra, đầu vào, giúp người dân ở làng nghề không còn trăn trở về đầu ra, giá thành sản phẩm mà dốc tâm sức giúp nghề truyền thống có thể đứng vững và phát triển.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển nghiêm túc tổ chức kiểm điểm những tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra sai phạm về chống khai thác IUU tại địa phương; bố trí đủ cán bộ có năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm thực hiện công việc và có cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp.