31/03/2023 08:52
HTX bưởi da xanh Hùng Hòa và HTX quýt đường Thuận Phú trưng bày sản phẩm tại hội thảo tiêu thụ nông sản và tìm kiếm thị trường.
HTX liên kết các chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
Trong số 176 HTX, có 145 HTX nông nghiệp. Nhiều HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua việc liên kết với doanh nghiệp và hộ nông dân, tạo ra các liên kết bền vững giữa các đối tượng tham gia chuỗi. Đồng thời, đưa các tiến bộ khoa học - kỹ thuật về trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, sản xuất an toàn, tạo ra sản phẩm sạch, đạt năng suất, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ nông sản.
Điển hình như HTX Nông nghiệp Thương mại và Sản xuất dịch vụ Châu Hưng, xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành hiện đã liên kết xây dựng vùng nguyên liệu lúa hữu cơ tập trung ở các xã Long Hòa, Hòa Minh, Hòa Lợi, Hưng Mỹ với hơn 250ha và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ông La Quốc Yên, Giám đốc HTX cho biết: để có sản phẩm gạo hạt ngọc Châu Long đáp ứng nhu cầu khách hàng trong và ngoài tỉnh, hàng năm HTX liên kết với nông dân sản xuất và thu mua 900 tấn lúa, tương đương 450 tấn gạo, lợi nhuận bình quân đạt 600 - 800 triệu đồng/năm.
Hay HTX Nông nghiệp Ngọc Thạch, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang từ khi hoạt động vào năm 2019 đến nay đã góp phần đáng kể trong việc giải quyết việc làm lao động nông thôn, đặc biệt liên kết cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra cho nông dân. Theo ông Thạch Duơne, Giám đốc HTX: hàng năm, HTX ươm dưỡng hơn 01 triệu cây giống hoa màu các loại cung ứng cho nông dân. Bên cạnh đó, HTX liên kết đầu tư cho nông dân trong và ngoài xã tham gia canh tác lúa giống và lúa thương phẩm với 70ha và bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường.
Theo đồng chí Thái Phước Lộc, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, đối với lĩnh vực phi nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có 31 HTX hoạt động lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp - điện và lĩnh vực xây dựng và giao thông vận tải. Tuy các HTX này đã phát huy hiệu quả hoạt động, tạo việc làm, thu nhập cho thành viên, nhưng còn gặp khó khăn về vốn, cơ sở vật chất nên chưa chủ động sản xuất và chưa có thị trường riêng, chủ yếu gia công sản phẩm đan đát, dệt chiếu, hàng thủ công mỹ nghệ,... cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Riêng các HTX điện hoạt động ổn định, cung cấp điện sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.
Hoạt động của các HTX vận tải chủ yếu tập trung vào việc đăng ký mở tuyến, khai thác tuyến vận tải hành khách cố định, đăng ký cấp phù hiệu cho các xe ô tô kinh doanh vận tải, nộp thuế, bảo hiểm phương tiện, bảo hiểm dân sự, giải quyết các vụ việc cho thành viên, hướng dẫn thành viên đổi mới phương tiện phù hợp với quy định của Nhà nước; tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phục vụ vận tải hành khách, hàng hóa…
Các chính sách hỗ trợ phát triển HTX
Từ năm 2022 đến nay, Quỹ Hỗ trợ HTX tỉnh đã giải ngân 770 triệu đồng giúp 03 HTX vay vốn đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 11 HTX đang vay vốn, tổng dư nợ gần 4,24 tỷ đồng. Quỹ 120 (Quỹ quốc gia giải quyết việc làm Trung ương) giải ngân 01 tỷ đồng giúp 06 HTX vay. Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX - Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ 1,45 tỷ đồng giúp 02 HTX vay. Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực thu hút lao động trẻ có trình độ từ cao đẳng trở lên vào làm việc tại HTX có thời hạn theo Quyết định số 298/QĐ-UBND, ngày 09/2/2021 của UBND tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 101 HTX được hỗ trợ thu hút 166 cán bộ trẻ về làm việc tại các HTX, tổng số tiền hỗ trợ gần 06 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ quảng bá, kết nối và xúc tiến thị trường cho các sản phẩm của HTX nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử với các sàn thương mại điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh (Sen do, Tiki, Felix, Voso.vn). Hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm OCOP gạo tím của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Huyền Hội; bưởi da xanh của HTX Nông nghiệp Ninh Thới; dừa sáp của HTX Dừa sáp Hòa Tân. Hiện toàn tỉnh có 11 HTX với 17 sản phẩm đạt OCOP 3 sao và 4 sao như: gạo Rạch Lọp, gạo tím Huyền Hội, gạo sạch thượng hạng; bưởi da xanh, dừa sáp, quýt đường, gạo hạt ngọc rồng (vàng, tím, đỏ), gạo gió đồng nội, gạo gia đình, măng cụt Tân Qui; gạo hạt ngọc quê hương, gạo hữu cơ Long Hòa - Hòa Minh; gạo hạt ngọc Châu Long.
Song song đó, tỉnh chọn 05 HTX tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định Quyết định số 3141/QĐ-UBND, ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh thực hiện Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đồng chí Châu Văn Hòa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, thời gian tới, Ban Chỉ đạo huy động các tổ chức đoàn thể, chính trị từ tỉnh đến cơ sở; đảng viên, công chức tuyên truyền, vận động và hỗ trợ hoạt động THT, HTX. Xây dựng các mô hình THT, HTX tiêu biểu, kiểu mẫu áp dụng nông nghiệp thông minh. Hỗ trợ HTX xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, chuyển đổi số, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để các HTX phối hợp với doanh nghiệp, liên doanh, liên kết cung ứng dịch vụ và bao tiêu sản phẩm hàng hóa.
Đẩy mạnh việc thành lập các HTX kiểu mới tại các địa phương, chú trọng các địa phương còn ít HTX. Củng cố lại tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm. Thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ, chính sách ưu đãi cho HTX. Hướng dẫn, hỗ trợ HTX xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Tỉnh Trà Vinh đang khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển hiệu quả, bền vững. Mục tiêu đến năm 2025, ở lĩnh vực trồng trọt, diện tích sản xuất cây trồng chủ lực áp dụng cơ giới hóa đạt trên 90%.