27/08/2021 09:31
Cơ chế, chính sách quy định về hóa đơn giấy, hóa đơn điện tử
Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, ngày 14/5/2010 (Nghị định số 04/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định này) của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đã thay đổi cơ chế phát hành, quản lý hóa đơn. Đó là chuyển đổi từ cơ chế doanh nghiệp (DN) mua hóa đơn của cơ quan thuế sang cơ chế DN tự đặt in, tự in hóa đơn hoặc sử dụng HĐĐT nếu đủ điều kiện.
Trong quá trình thực hiện Nghị định số 51, Nghị định số 04, ngành thuế phát hiện một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của Luật DN trong thủ tục thành lập DN để thành lập nhiều DN hoặc mua lại DN. Thực tế, các DN này không kinh doanh nhưng được sử dụng hóa đơn, xuất hóa đơn khống, sử dụng hóa đơn lòng vòng để khấu trừ, hoàn khống thuế giá trị gia tăng hoặc rút tiền thanh toán từ ngân sách nhà nước, không kê khai nộp thuế để trốn thuế. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2015/NĐ-CP, ngày 12/2/2015 để hạn chế các trường hợp gian lận trong việc sử dụng hóa đơn. Theo đó, tại Điều 5 của Nghị định quy định: “Người nộp thuế (bao gồm cả tổ chức và cá nhân) kinh doanh thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế thì lập HĐĐT và gửi thông tin trên hóa đơn bằng phương thức điện tử cho cơ quan thuế để nhận mã xác thực hóa đơn từ cơ quan thuế”. Ngay sau đó, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1209/QĐ-BTC, ngày 23/6/2015 thí điểm sử dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế.
Nhằm cải cách thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở pháp lý để triển khai HĐĐT, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP, ngày 12/9/2018 quy định các cơ sở kinh doanh phải sử dụng HĐĐT khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; HĐĐT có 02 loại: HĐĐT có mã của cơ quan thuế và HĐĐT không có mã của cơ quan thuế; DN phải chuyển dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế nếu sử dụng HĐĐT không có mã xác thực cơ quan thuế.
Để nâng cao tính pháp lý của việc sử dụng, quản lý hóa đơn, chứng từ, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã bổ sung 01 chương (chương X từ Điều 89 đến Điều 94) quy định về áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử với nguyên tắc khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập HĐĐT (HĐĐT có mã của cơ quan thuế hoặc HĐĐT không có mã của cơ quan thuế) để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu. Theo đó, ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ theo Luật Quản lý thuế, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Kế toán, Luật Giao dịch điện tử và Luật Công nghệ thông tin.
Như vậy, cơ sở pháp lý trên, hiện nay các DN đang sử dụng hóa đơn giấy và HĐĐT. Đối với HĐĐT, có 02 loại: HĐĐT không có mã xác thực của cơ quan thuế theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC (HĐĐT mà cơ quan thuế không công bố định dạng chuẩn dữ liệu mà DN tự xây dựng định dạng; nó khác với HĐĐT theo Luật Quản lý và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP) và HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế theo Quyết định số 1209/QĐ-BTC.
Hóa đơn điện tử - nhiều lợi ích, góp phần chuyển đổi số doanh nghiệp
Việc áp dụng HĐĐT đã mang lại nhiều lợi ích, như: HĐĐT góp phần giảm thời gian, chi phí về hóa đơn cho DN, góp phần hạn chế các hành vi gian lận về hóa đơn. HĐĐT giúp DN giảm chi phí giấy, mực in, vận chuyển và đặc biệt chi phí lưu trữ hóa đơn. DN không phải lập báo cáo sử dụng hóa đơn, dữ liệu từ HĐĐT được kết nối tự động với phần mềm khai thuế giá trị gia tăng nên DN không mất thời gian lập tờ khai. HĐĐT có tính bảo mật cao vì sử dụng chữ ký số của người bán nên khả năng làm giả hóa đơn là khó. Vì vậy, việc sử dụng HĐĐT thay thế hóa đơn giấy sẽ khắc phục được gian lận phát sinh trong việc sử dụng hóa đơn.
Ngoài ra triển khai hệ thống HĐĐT góp phần giúp DN chuyển đổi số khi tiến hành số hóa, tự động hóa quy trình làm việc từ kém hiệu quả theo phương thức truyền thống thủ công sang môi trường làm việc hiện đại, hiệu quả.
Hệ thống HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP được xây dựng trên nền tảng kiến trúc ứng dụng công nghệ 4.0 theo hướng triển khai cho hệ thống dữ liệu lớn (big data), phù hợp với yêu cầu về xử lý số lượng lớn giao dịch về hóa đơn, các khối chức năng xử lý nghiệp vụ được thiết kế triển khai linh hoạt, có độ mở cao, theo mô hình xây dựng phần mềm mới là vừa xây dựng phát triển phần mềm, vừa triển khai và vận hành mà không ảnh hưởng tới hoạt động của ứng dụng. Cấu trúc hệ thống quản lý HĐĐT gồm 03 thành phần: cổng lập HĐĐT trực tiếp, cổng tiếp nhận dữ liệu HĐĐT và hệ thống xử lý dữ liệu HĐĐT.
Hiện nay, HĐĐT đang trong quá trình triển khai lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương để ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Đồng thời, ngành thuế cũng đang chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật để cung cấp dịch vụ về HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế và dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn sẵn sàng đến 01/7/2022 chính thức “khai tử” hóa đơn giấy.
KIM THÁI HẬU
Hiện Trà Vinh có 393 sản phẩm OCOP, để phát triển sản phẩm OCOP bền vững, những năm qua, tỉnh đã hỗ trợ các cơ sở, chủ thể OCOP phát triển hoàn thiện sản phẩm, chuẩn hóa hồ sơ và tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, tập trung mở rộng các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm từ cây dừa.