10/02/2021 05:00
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (trái), đại diện đoàn công tác của Văn phòng Kinh tế-Văn hóa Đài Bắc và DN Đài Loan ký kết biên bản ghi nhớ XTĐT lĩnh vực nuôi thủy sản theo chuỗi.
Một năm mời gọi đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19
Theo ông Châu Văn Hòa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện chủ trương xúc tiến đầu tư (XTĐT) năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, song tỉnh đã nỗ lực, thực hiện đa dạng, phong phú, hiệu quả; công tác phối hợp, liên kết vùng, liên kết với các cơ quan Trung ương được chủ động triển khai, tạo nhiều kênh XTĐT cho tỉnh. Đầu năm 2020, tỉnh đã tổ chức Hội nghị XTĐT, trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 05 dự án, tổng vốn đầu tư trên 5.302 tỷ đồng; ký biên bản ghi nhớ 19 dự án, tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 205.596 tỷ đồng. Nhờ đó, kết quả thu hút đầu tư đến ngày 31/10/2020, cấp mới quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 29 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký 575,22 tỷ đồng: trong khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN) có 07 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 136,88 tỷ đồng; ngoài KKT, KCN có 22 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư 438,34 tỷ đồng…
Với những kết quả đạt được của năm 2020, năm 2021, cũng như định hướng giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên nâng cấp, mở rộng, đầu tư mới các tuyến giao thông huyết mạch, hạ tầng các KCN; một số dự án trọng điểm như: tuyến đường Số 5 trong KKT Định An; đường Tỉnh 915B giai đoạn 2 (đoạn từ cầu Long Bình 3 đến Đường tỉnh 914, xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải), khi dự án này hoàn thành, sẽ hình thành tỉnh lộ mới ven sông Cổ Chiên, nối liền từ cầu Cổ Chiên đến trung tâm thị xã Duyên Hải.
Năm 2021, tin rằng sẽ có nhiều thuận lợi. Do vậy, tỉnh đã đề ra kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, ưu tiên phân bổ vốn đầu tư hạ tầng KKT, KCN. Trong đó, KKT Định An sẽ tập trung đầu tư các tuyến đường Số 3, Số 4, Số 6 và tuyến đường trục chính dọc Kênh đào Trà Vinh, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.075 tỷ đồng; đầu tư hạ tầng KCN - Dịch vụ Ngũ Lạc, quy mô khoảng 305ha, tổng mức đầu tư dự kiến 1.863 tỷ đồng. Đối với KCN Cổ Chiên, đã có nhà đầu tư ký ghi nhớ đầu tư gần 750 tỷ đồng, đang bổ sung hồ sơ để tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đang mời gọi đầu tư vào KCN Cầu Quan và 04 cụm công nghiệp (CCN).
Bên cạnh các dự án trên, khi Trung ương đầu tư cầu Đại Ngãi, tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh, các tuyến Quốc lộ 53, 53B, 54, 60 được nâng cấp, mở rộng hoàn thiện; Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu cùng với cảng Trà Vinh, cảng Trà Cú và cảng Cái Cui - Cần Thơ, thông ra Biển Đông là hệ thống giao thông thủy huyết mạch cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sẽ giúp Trà Vinh liên kết vững chắc với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước, tạo tiền đề, sức bật mới trong thu hút đầu tư, tập trung đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: (1) nuôi trồng và khai thác hải sản; (2) năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển; (3) du lịch và dịch vụ biển; (4) công nghiệp ven biển. Bên cạnh, tỉnh tập trung đẩy mạnh XTĐT vào các lĩnh vực: hạ tầng kỹ thuật Khu Đô thị - Dịch vụ - Công nghiệp, khu kho ngoại quan, công nghiệp cơ khí, đóng, sửa tàu, cảng biển, đầu tư hạ tầng các CCN, nông nghiệp công nghệ cao và phát triển du lịch,…
Nhiều giải pháp khắc phục sụt giảm ngành công nghiệp
Trong khó khăn chung, Sở Công thương đã xây dựng “kịch bản”, nhằm hỗ trợ, định hướng cho toàn ngành công nghiệp, đặc biệt giúp doanh nghiệp (DN) tìm kiếm thị trường, duy trì, ổn định sản xuất, đón đợi cơ hội “bật dậy” sau dịch bệnh Covid-19 ổn định; không điều chỉnh chỉ tiêu, nhưng phấn đấu đạt kế hoạch (KH) năm 2020. Mặc dù, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp những tháng đầu năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng từ đầu tháng 5 phục hồi và duy trì đà phát triển khá nhờ các DN chủ động nguồn nguyên liệu, khai thác thị trường nội địa. Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng vận hành thương mại, điện mặt trời Trung Nam, điện mặt trời áp mái phát triển khá đã tác động tích cực đến sản xuất toàn ngành. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 ước đạt 44.163,7 tỷ đồng, đạt 97,3% KH, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm tăng trưởng khá như: điện sản xuất tăng 29,5% (vượt KH 2,96 tỷ kilowatt giờ), điện thương phẩm tăng 12,2%, thuốc viên các loại tăng 50%, than hoạt tính tăng 7,5% so với cùng kỳ...
Nhằm bù đắp giá trị sụt giảm, tỉnh đã hoàn thiện các KCN-CCN. Đến nay, tỉnh có 01 KCN, tỷ lệ lấp đầy gần 100%; thành lập 04/14 CCN: Tân Ngại, Sa Bình, Phú Cần và Hiệp Mỹ Tây, hiện đang triển khai các thủ tục giải phóng mặt bằng và trình Thủ tướng Chính phủ chuyển đổi đất lúa. Song song đó, năm 2020, công tác khuyến công, hỗ trợ cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã triển khai thực hiện 04 đề án, tổng vốn đầu tư 1,15 tỷ đồng. Tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2020, có 67/74 sản phẩm của 53/59 cơ sở đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Công nhận 30 sản phẩm đạt hạng 03 sao và 04 sao của 23 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuộc Chương trình OCOP tỉnh Trà Vinh năm 2019.
Thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tổ chức các phiên hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn, “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 - Vietnam Grand Sale 2020”, Chương trình kích cầu tiêu dùng do Bộ Công thương phát động; hỗ trợ các DN vay vốn thực hiện bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu; công tác quản lý thị trường được quan tâm, đặc biệt chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhìn chung, thị trường hàng hóa ổn định, đảm bảo cung ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của Nhân dân.
Phát huy thế mạnh ngành thủy sản, bù đắp thiệt hại
Năm 2020, nhằm thực hiện đạt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung triển khai các giải pháp bù đắp giá trị sụt giảm trong sản xuất.
Ông Phạm Minh Truyền, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết: tổng giá trị sản xuất toàn ngành năm 2020 ước đạt hơn 29.009 tỷ đồng, đạt 100,02% KH, tăng 3,02% so với cùng kỳ. Trong đó, nông nghiệp 17.212 tỷ đồng, đạt 94,63% KH; lâm nghiệp 310 tỷ đồng, đạt 100% KH; thủy sản 11.487 tỷ đồng, đạt 109,38%. Tỷ trọng giá trị sản xuất của ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, thủy sản đóng vai trò quan trọng và phát huy lợi thế, giảm tỷ trọng nông nghiệp từ 63,8% năm 2019 xuống 59,3% và tăng tỷ trọng thủy sản từ 35,1% lên 39,6%. Đặc biệt, lĩnh vực thủy sản là thế mạnh của tỉnh và ít chịu các tác động ảnh hưởng, nên khai thác đã góp phần gia tăng bù đắp giá trị sụt giảm khoảng 768,80 tỷ đồng.
Trước khó khăn đó, tỉnh đã kịp thời chỉ đạo ổn định sản xuất, khắc phục, vận động, khuyến khích nông dân chuyển đổi sản xuất. Năm 2020, có 2.348ha đất lúa chuyển đổi sang trồng cây hàng năm và lâu năm khác hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản. Trong nuôi thủy sản, chuyển đổi từ các hình thức nuôi khác sang nuôi thâm canh, bán thâm canh và chuyển 184ha từ các hình thức nuôi khác sang nuôi thâm canh mật độ cao. Song song đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung phát triển thủy sản bù đắp cho sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của hạn, mặn. Trong nuôi trồng, khuyến khích nông dân chuyển đổi khoảng 700ha từ các hình thức nuôi khác sang nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh. Nâng tổng diện tích nuôi theo hình thức này hiện hơn 11.000ha, trong đó khoảng 440ha nuôi thâm canh mật độ cao, năng suất đạt từ 50-70 tấn/ha; duy trì 5.750ha diện tích nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng và 5.600ha lúa - thủy sản. Trong khai thác, khuyến khích ngư dân tiếp tục đầu tư nâng cấp tàu có công suất lớn, toàn tỉnh có 1.184 tàu cá được đăng ký, tổng công suất 145.475CV (266 tàu có chiều dài từ 15m trở lên), khai thác xa bờ, củng cố và phát triển các tổ, đội khai thác hải sản, bám biển dài ngày, thực hiện nghiêm các quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản. Đồng thời, điều chỉnh cơ cấu thời vụ, tập trung chuyển đổi, cải tạo các diện tích đất vườn tạp, đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao; gia tăng tỷ trọng giá trị sản xuất hàng hóa nông - thủy sản gắn với thị trường.
Tổng sản lượng thủy, hải sản năm 2020 ước đạt 246.985 tấn (nuôi trồng 155.979 tấn, vượt 6,1% KH, tương đương 8.978 tấn, tăng 13,2% so cùng kỳ, tương đương 18.193 tấn); sản lượng khai thác 91.007 tấn, vượt 6,2% KH (tương đương 5.307 tấn, tăng 12,6% so cùng kỳ.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN - HỮU HUỆ
Thời gian qua, phong trào XDNTM huyện Duyên Hải đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, huyện Duyên Hải vinh dự đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022. Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Trong đó, phải kể đến vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong huyện. Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Duyên Hải đã tổ chức nhiều hoạt động, thành lập nhiều mô hình phù hợp, thiết thực tham gia XDNTM, góp phần mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho địa phương.