16/09/2022 06:16
Ông Trần Văn Chung, giám đốc HTX nông nghiệp Phát Tài tặng giấy khen cho tập thể, cá nhân có thành tích đóng góp vào hoạt động của HTX giai đoạn 2017 - 2021.
Từ mục tiêu đó, tỉnh đã tập trung củng cố và thành lập HTX, đến nay, toàn tỉnh có 170 HTX; trong đó, có 124 HTX nông nghiệp, 30 HTX phi nông nghiêp, 16 Quỹ Tín dụng nhân dân và 01 Liên hiệp HTX lúa gạo. Nhìn chung, HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp phần lớn đạt hiệu quả.
Ngày 09/9/2022, HTX nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành) tổ chức Đại hội thành viên lần thứ II, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Qua 01 nhiệm kỳ hoạt động, từ 58 thành viên, diện tích sản xuất lúa 40ha, vốn điều lệ 334 triệu đồng, vốn hoạt động 02 tỷ đồng, nay có 74 thành viên, diện tích sản xuất lúa 50ha (có 10ha chuyên sản xuất lúa giống chất lượng cao), vốn điều lệ 424 triệu đồng, vốn hoạt động 04 tỷ đồng. Tuy chưa mạnh toàn diện, nhưng kết quả bước đầu đã khẳng định: HTX đi đúng hướng, vì lợi ích của thành viên.
Ông Trần Văn Chung, Giám đốc HTX nông nghiệp Phát Tài cho biết: khi mới thành lập HTX, số thành viên ít, hoạt động còn lúng túng. Lúc đó, nông dân chưa tin tưởng nhiều nên e ngại, nhưng nhờ sự hỗ trợ của Đảng ủy, UBND xã Thanh Mỹ, các ngành, nhất là Liên minh HTX tỉnh… hướng dẫn, hỗ trợ nên HTX dần “cứng cáp”, hiện sản xuất lúa, nhất là lúa giống có nhiều thuận lợi, ổn định và hiệu quả.
Ông Thái Phước Lộc, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh khẳng định: kinh tế tập thể có vị trí rất quan trọng đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, HTX nông nghiệp có những đặc thù riêng gắn với nông nghiệp, nông dân và cộng đồng, đây là mô hình phù hợp nhất của người dân nông thôn, là con đường để các hộ nông dân liên kết, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo. Từ đó, thúc đẩy quá trình củng cố, đổi mới HTX cả về tổ chức, quản lý và hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, tạo động lực trong từng HTX. HTX Phát Tài đã và đang hướng đến…
Ông Phan Văn Trinh, xã Thanh Mỹ là thành viên của HTX cho biết: ông có 02ha đất sản xuất lúa, ông là một trong những thành viên tham gia HTX khi mới thành lập. Khi HTX chuyển một phần diện tích sang sản xuất lúa giống, ông cũng chuyển theo. Những vụ lúa vừa qua, chỉ 02ha, nhưng nhờ tham gia HTX, sản xuất giống lúa giống, nên giá bán cao, lợi nhuận tăng gần 15% so với giá lúa bên ngoài. Không riêng ông, mà các thành viên HTX, ai cũng phấn khởi, vì vừa đạt năng suất vừa được giá cao. Nhờ tham gia HTX, dù gặp những khó khăn, nhưng gia đình vẫn sản xuất hiệu quả.
Ông Trang Văn Nhẻo, cùng xã Thành Mỹ, có 3,5ha đất sản xuất lúa; ông Nhẻo cũng là một trong những thành viên đầu tiên của HTX nông nghiệp Phát Tài. Ông Nhẻo kiến nghị: nông dân của huyện Châu Thành nói chung, xã Thanh Mỹ nói riêng, có 02 loại cây trồng được xác định là chủ lực: cây lúa và cây dừa. Giai đoạn 2017 - 2022, HTX hoạt động hiệu quả ở lĩnh vực lúa; nhưng chưa “đá động” đến lĩnh vực dừa.
Nhiệm kỳ 2022 - 2027, vốn điều lệ và lưu động tăng, thành viên cũng tăng… tôi kiến nghị với HĐQT và các thành viên nên làm quen, mở rộng hoạt động kinh doanh thêm lĩnh vực dừa. Trong thực tế, dừa cho hiệu quả kinh tế cao hơn lúa gần gấp 03 lần; giá dừa thời gian qua biến động theo hướng bất lợi cho nông dân; nếu HTX tham gia hoạt động lĩnh vực như thu mua dừa trái… sẽ giúp thành viên có thu nhập cao hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Cưng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ: HTX nông nghiệp Phát Tài đã phát huy vai trò của tổ chức kinh tế tập thể, tự nguyện và hợp tác tương trợ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, đã tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu chung và nguyện vọng của thành viên trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm; bình đẳng, hài hòa lợi ích. Đồng thời, HTX đã đóng góp tích cực vào lộ trình XDNTM, giúp xã Thanh Mỹ hoàn thành một số chỉ tiêu quan trọng về kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Đảng bộ xã đề ra. Tuy nhiên, nhiệm kỳ II 2022 - 2027, HTX cần chủ động đổi mới hoạt động; xây dựng các phương án sản xuất khả thi, phù hợp với yêu cầu thực tế của địa phương, đem lại lợi ích cho thành viên, tạo động lực cho HTX mạnh về chất.
Có thể khẳng định, nhờ tham gia vào HTX các hộ sản xuất nhỏ lẻ ở Thanh Mỹ đã giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giá bán cũng như xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm. Mặt khác, nông dân có điều kiện thuận lợi tiếp cận các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, liên kết với DN trong cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm so với sản xuất riêng lẻ.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil (MAPA) đã dỡ bỏ lệnh đình chỉ nhập khẩu cá rô phi của Việt Nam được áp dụng từ tháng 02/2024.