05/04/2022 07:41
Vườn cam sành không hạt của gia đình anh Nguyễn Văn Kha mặc dù ra bông rất nhiều, nhưng chỉ có 10% đậu trái, nên phải “bóp bụng” bỏ ra gần 80 triệu đồng chi phí đầu tư phân bón, thuốc để duy trì mô hình.
Tháng 6/2020, gia đình ông Lê Văn Tích, ấp Cái Già, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang được Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh triển khai (nguồn kinh phí Dự án Khuyến nông Trung ương) mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 02 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0, trên diện tích 0,3ha mặt nước (thời gian từ tháng 6 đến tháng 10/2020). Kết quả, về hiệu quả kinh tế của mô hình đều đạt.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, trong quá trình thực hiện mô hình, phía gia đình ông Lê Văn Tích có tham gia nguồn vốn đối ứng của gia đình với dự án để mua 01 máy đo cảm biến tự động mới 100% để theo dõi 04 chỉ số thành phần về môi trường nước phục vụ nuôi tôm 4.0 của mô hình. Máy có tổng trị giá 200 triệu đồng (gia đình đối ứng 50% là 100 triệu đồng) và sau khi kết thúc mô hình, máy sẽ bàn giao lại cho gia đình sử dụng trong nuôi tôm.
Theo phản ánh của ông Lê Văn Tích, trong quá trình đưa máy đo vào mô hình vận hành, chỉ sử dụng được khoảng 02 tháng và liên tục hư hỏng. Mặc dù được nhà cung cấp phối hợp với dự án đầu tư mô hình, cam kết với gia đình sẽ sửa chữa và đảm bảo vận hành 24/24… Nhưng qua gần 02 năm, máy “đắp chiếu” và gia đình mất trắng 100 triệu đồng. Trong khi đó, đơn vị cung cấp máy (phối hợp với dự án trong thực hiện mô hình) thì “lặng lẽ ra đi”, điện thoại không liên lạc được.
Không chỉ làm mất lòng tin của nông dân về thiết bị máy móc đầu tư kém chất lượng trong thực hiện mô hình; nông dân còn phải chịu cảnh “chặt thì tiếc, để thì đau” đối với trường hợp của 02 nông dân ở ấp Rạch Nghệ, xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè tham gia thực hiện mô hình trồng cam sành không hạt chất lượng cao (thuộc Dự án “Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình nhân giống và trồng cam sành không hạt chất lượng cao” được triển khai tại huyện Châu Thành và huyện Cầu Kè; Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh theo dõi, quản lý dự án).
Theo nông dân Nguyễn Văn Kha, ấp Rạch Nghệ, xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè: thời điểm đầu tháng 3/2022, vườn cam sành không hạt 0,6ha của gia đình đã tròn 03 năm tuổi (dự án đầu tư trong 02 năm 2019 - 2020). Đây là năm đầu tiên đưa vào khai thác trái, nhưng theo quy trình chuyển giao trong dự án thì sản lượng đậu trái của cam sành không hạt đạt rất thấp (khoảng 10%) so với diện tích trồng cam thường tại địa phương (năng suất cam sành không hạt 1,2 tấn/0,6ha). Còn về giá bán theo cam kết trong dự án là 20.000 đồng/kg và có thương lái đến thu mua; tới thu hoạch, gia đình không bán được, phải bán ra ngoài như cam sành có hạt, với giá 8.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Thùy, vợ anh Nguyễn Văn Kha bức xúc nói: gia đình nhiều lần liên hệ để nhờ hỗ trợ kỹ thuật xử lý cam cho đậu trái, nhưng không thấy phản hồi và việc hướng dẫn không hiệu quả. Mặc dù dự án đầu tư 100% cây giống, phân bón 02 năm đầu; nhưng vẫn không đủ các khoản mà gia đình duy trì cho vườn cam. Đến nay, gia đình đã đầu tư vào trong mô hình hơn 80 triệu đồng chi phí chăm sóc, phân bón cho vườn cam, nhưng thu vào chưa tới 10 triệu đồng; trong khi đó, đối với các vườn cam thường có độ tuổi và diện tích như vậy (03 năm tuổi) cho năng suất trên 10 tấn trái. Trong 0,6ha cam không hạt, vừa qua, do không có hiệu quả, gia đình đã chặt bỏ 0,2ha, còn lại 0,4ha và dự kiến sẽ phá bỏ hết để cải tạo, trồng lại cam thường. Nếu cứ bám theo vườn cam trồng trong dự án, gia đình không thể nào tiếp tục trụ lại được. Rất mong ngành quản lý khi triển khai mô hình cần có chính sách hỗ trợ cho nông dân và giải quyết các khó khăn khi mô hình không hiệu quả.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Thời gian qua, phong trào XDNTM huyện Duyên Hải đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, huyện Duyên Hải vinh dự đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022. Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Trong đó, phải kể đến vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong huyện. Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Duyên Hải đã tổ chức nhiều hoạt động, thành lập nhiều mô hình phù hợp, thiết thực tham gia XDNTM, góp phần mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho địa phương.