13/05/2022 08:57
Giai đoạn 2022-2030, tỉnh Trà Vinh thực hiện nhiều nhiệm vụ và giải pháp phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35% và đến năm 2030 đạt 40%; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% năm 2025 và 90% năm 2030.
Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ thất nghiệp ở mức dưới 02%, tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp đến năm 2025 còn 35% và đến năm 2030 còn 30%; tỷ lệ thanh niên không đi học hoặc không được đào tạo dưới 8%; 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội vào năm 2025 và 60% vào năm 2030…
Theo đó, tỉnh thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, gồm: triển khai chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển thị trường lao động; hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động; phát triển lưới an sinh và bảo hiểm; hỗ trợ kết nối thị trường lao động trong và ngoài nước, phát triển các thị trường lao động đặc thù; nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động; rà soát, điều chỉnh các quy định có liên quan về cung- cầu lao động, kết nối cung - cầu lao động để phù hợp với quy luật của thị trường lao động và phù hợp với lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động. Thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ tạo việc làm, khuyến khích tham gia thị trường lao động cho các nhóm lao động đặc thù, như: người khuyết tật; người lao động dân tộc thiểu số; lao động khu vực nông thôn; lao động nữ; học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp các trường đại học và hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho sinh viên mới tốt nghiệp, cho người lao động trước khi tham gia thị trường lao động; thực hiện các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng cho lao động trong quá trình làm việc, phù hợp với tính chất đặc thù của từng đối tượng lao động. Địa phương khuyến khích người sử dụng lao động tham gia vào quá trình giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.
Để phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan quy hoạch và phát triển mạng lưới cơ sở dịch vụ việc làm theo quy định của pháp luật và phù hợp thị trường lao động của tỉnh, khu vực, trong nước và quốc tế; đầu tư, nâng cao năng lực hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm công lập để thực hiện các giao dịch việc làm, kết nối thông tin thị trường lao động, phân tích, dự báo thị trường lao động của tỉnh, kết nối với các địa phương, khu vực và cả nước; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự làm công tác dịch vụ việc làm về kiến thức, nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học và kỹ năng thu thập, xử lý, khai thác thông tin thị trường lao động phục vụ tư vấn, giới thiệu việc làm…
Các đơn vị tăng cường tổ chức các chương trình hướng nghiệp; đa dạng các hoạt động cung cấp, phổ biến thông tin thị trường lao động đến tổ chức có nhu cầu tìm người và các cá nhân có nhu cầu tìm việc, như tổ chức phiên, hội nghị, sàn, hội chợ giao dịch việc làm; đăng tải, phổ biến, cung cấp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức hội nghị, hội thảo tuyên truyền chuyên đề liên quan đến lĩnh vực việc làm, thị trường lao động; xây dựng, phát hành các bộ tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền, tổ chức các cuộc thi tuyên truyền các thông tin liên quan đến việc làm và thị trường lao động.
Thời gian tới, Trà Vinh sẽ đẩy mạnh hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thành lập trung tâm dịch vụ việc làm tư thục để đưa lao động đi làm việc trong và ngoài tỉnh, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh cho biết, toàn tỉnh có 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó có 2 trường Cao đẳng (Trường Cao đẳng nghề và Trường Cao đẳng y tế); 6 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện; 8 cơ sở giáo dục khác có đào tạo nghề. Bình quân hàng năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh tuyển sinh, đào tạo nghề cho 19.000 người lao động. Tuy nhiên trong số này, chỉ có khoảng 700 người được đào tạo bậc cao đẳng, trên 300 người bậc trung cấp; gần 2.000 lao động trình độ sơ cấp; số lao động còn lại chủ yếu được đào tạo nghề nông thôn hoặc theo các chương trình đào tạo thường xuyên khác.
THANH HÒA
Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil (MAPA) đã dỡ bỏ lệnh đình chỉ nhập khẩu cá rô phi của Việt Nam được áp dụng từ tháng 02/2024.