29/06/2022 06:06
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, đơn vị vừa phối hợp với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) hỗ trợ 78 hộ trồng dừa tại 02 huyện Càng Long và Tiểu Cần thả trứng ong mắt đỏ để làm thiên địch tiêu diệt sâu đầu đen hại dừa, với số lượng khoảng 04 triệu trứng ong trên diện tích gần 45ha; trong đó, huyện Càng Long trên 30ha của 42 hộ, huyện Tiểu Cần trên 14 ha của 36 hộ.
Ông Đỗ Văn Khiếm, xã Huyền Hội, huyện Càng Long (giữa) và ông Phan Long Giang, viên chức kỹ thuật Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh (trái) trao đổi về các loại thuốc phòng trừ sâu đầu đen. (Ành tư liệu)
Trước đó, tháng 3/2022, Betrimex đã tổ chức tập huấn cho nhà vườn ở xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần cách nhận biết và phòng trị sâu đầu đen gây hại cây dừa. Đồng thời, hỗ trợ 500 túi trứng ong mắt đỏ, tương đương trên 800.000 trứng để thả thử nghiệm. Qua hơn 02 tháng thả, nông dân xã Tân Hòa nhận thấy cây dừa phục hồi và phát triển trở lại.
Ông Cao Thanh Tú, xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần cho biết, gia đình ông trồng 0,5 ha dừa, bình quân mỗi tháng cho thu hoạch khoảng 500 trái. Từ khi bị sâu đầu đen tấn công, vườn dừa này giảm khoảng 60% năng suất khiến gia đình ông thất thu nặng nề. Sau khi được hỗ trợ thả trứng ong ký sinh thử nghiệm, sâu đầu đen đã giảm đáng kể, vườn dừa của ông đang dần hồi phục.
Theo ông Võ Quang Cường, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần, địa phương có tổng diện tích trồng dừa trên 5.500ha; trong đó xã Tân Hòa trồng nhiều nhất. Đợt thả ong ký sinh này, Betrimex đã hỗ trợ nhà vườn ở Tân Hòa 650 túi tương đương trên 01 triệu trứng ong. Mỗi héc-ta dừa được bố trí 45 túi tương đương 75.000 trứng ong trên thân cây dừa, túi được treo cách mặt đất khoảng 1,5m để thuận tiện cho nhà vườn theo dõi.
Đặc tính quan trọng nhất của loài ong này chính là đẻ trứng ký sinh vào bên trong trứng của các loài sâu hại. Vì vậy, sau khi trứng ong mắt đỏ nở, sẽ tự phát tán trong vườn dừa và sẽ đẻ trứng vào trứng của sâu đầu đen, sống ký sinh gây chết trứng sâu đầu đen và tạo ra các thế hệ ong mới trong tự nhiên, giúp tăng mật số loại thiên địch này.
Theo kế hoạch, thời gian tới, Betrimex sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ trồng dừa ở địa phương thả thêm 04 đợt. Khi thả trứng ong mắt đỏ, nhà vườn lưu ý tuyệt đối không phun thuốc bảo vệ thực vật trên diện tích đã thả để tránh gây hại cho đàn ong.
Bà Nguyễn Thị Lùng, Phó trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Trà Vinh cho biết, sử dụng ong mắt đỏ (Trichogramma sp) để tiêu diệt sâu đầu đen hại dừa là biện pháp sinh học đảm bảo tính an toàn cho sức khỏe cộng đồng, thân thiện với môi trường và mang lại hiệu quả bền vững, ổn định.
Sâu đầu đen bắt đầu xuất hiện tại tỉnh Trà Vinh đầu tháng 9/2021, trên vườn dừa của 04 hộ dân tại ấp Cao Một, xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần với diện tích bị thiệt hại 2,7 ha, mức gây hại 60 - 70%. Đây là loại sâu gây hại cây dừa rất nguy hiểm, có thể thiệt hại khoảng 80% năng suất, thậm chí gây chết cây. Trước đó, dịch hại sâu đầu đen trên cây dừa đã lây lan nhanh chóng tại các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Tiền Giang, Kiên Giang và Cần Thơ gây thiệt hại nặng nề cho nhà vườn các địa phương này.
Để ngăn chặn sâu đầu đen lây lan, phát tán ra diện rộng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các xã tổ chức phun thuốc dập dịch, chặt và tiêu hủy các cây dừa bị sâu đầu đen gây hại nặng (thiệt hại > 70%). Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã phối hợp với cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền tập huấn, hướng dẫn nông dân cách nhận diện, phát hiện sâu đầu đen gây hại trên cây dừa và báo cáo địa phương để xử lý kịp thời.
THANH HÒA
Thời gian qua, phong trào XDNTM huyện Duyên Hải đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, huyện Duyên Hải vinh dự đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022. Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Trong đó, phải kể đến vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong huyện. Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Duyên Hải đã tổ chức nhiều hoạt động, thành lập nhiều mô hình phù hợp, thiết thực tham gia XDNTM, góp phần mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho địa phương.