31/05/2021 15:01
Ông Thạch Chanh Thi (bên phải) trao đổi cách trồng dưa lưới.
Nổi bật như Chi hội trồng màu trong nhà màng áp dụng công nghệ cao (chi hội) thuộc Chi hội Nghề nghiệp, Hội Nông dân xã, mô hình đạt năng suất cao, tăng thu nhập cho nông dân. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đầu năm 2019, Hội Nông dân xã Lương Hòa A vận động 17 hội viên trong Chi hội nghề nghiệp tham gia mô hình “Dân vận khéo” trồng màu trong nhà màng áp dụng công nghệ cao, loại cây được trồng là dưa lưới, bước đầu mang lại hiệu quả cao, hội viên ai cũng phấn khởi, chăm bón từng cây dưa lưới do mình trồng ra. Từ đó, chi hội trồng màu trong nhà màng áp dụng công nghệ cao được thành lập.
Ông Thạch Chanh Thi, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: việc vận động đăng ký mô hình “Dân vận khéo” là dựa vào điều kiện sẵn có của hội viên, 17 hội viên tham gia mô hình có sẵn đất sản xuất và có kinh nghiệm trồng màu nên tham gia mô hình sẽ tạo động lực cho anh em cần cù, chăm chỉ hơn và tích cực học hỏi, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào cách chăm sóc, xử lý sâu bệnh…
Nông dân chọn thực hiện là nhà lưới hoặc nhà màng. Kinh phí đầu tư 01 nhà lưới từ 100 - 130 triệu đồng, nhưng trồng trong nhà lưới, 01 năm nông dân chỉ trồng được 01 vụ dưa lưới vào mùa nắng, mùa mưa sẽ trồng các loại rau màu khác, thu nhập không cao như trồng dưa lưới. Đối với nhà màng có kinh phí đầu tư đắt hơn, nông dân phải có vốn từ 250 - 300 triệu đồng để thực hiện 01 nhà màng; trồng dưa lưới trong nhà màng, 01 năm nông dân có thể trồng tối đa từ 03-04 vụ. Tham gia chi hội trồng màu trong nhà màng áp dụng công nghệ cao, có 11/17 hội viên được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ vay vốn từ 50 - 100 triệu đồng, sau 03 năm hoàn trả vốn. Hiện chi hội trồng màu trong nhà màng áp dụng công nghệ cao của xã có 08 nhà lưới, 04 nhà màng, diện tích cho mỗi nhà màng hoặc nhà lưới từ 700 - 1.000m².
Nông dân Kim Ma Liss, ấp Tân Ngại chia sẻ: gia đình tôi có 04 công đất ruộng, có 02 công trồng màu, thường tôi trồng các loại rau, cải bán hàng ngày, tùy theo mùa vụ và thời tiết mà lựa chọn trồng các loại rau cho phù hợp. Năm 2019, tôi được chi hội nghề nghiệp vận động trồng dưa lưới trong nhà lưới, tôi vay 100 triệu đồng đầu tư 01 nhà lưới và hệ thống tưới nước nhỏ giọt. Dưa lưới trồng khoảng 75 ngày cho thu hoạch, chủ yếu công chăm sóc, bón phân, xịt thuốc và thụ phấn cho hoa, vụ đầu tiên tôi trồng, mỗi dây tôi chỉ để lại dưỡng 01 trái, khi thu hoạch, 01 trái trung bình từ 1,5 - 02kg, trung bình 01 vụ dưa lưới, năng suất đạt từ 1,8 - 02 tấn/công, giá bán dao động theo thị trường, trung bình từ 30.000 - 60.000 đồng/ký, lợi nhuận bình quân khoảng 30-35 triệu đồng/công/vụ. Vì trồng trong nhà lưới nên tôi trồng 01 năm được 01 vụ dưa lưới, sau 02 năm tôi cũng đã hoàn lại vốn vay.
Nông dân Kim Ngọc Hùng, ấp Hòa Lạc A cho biết: tôi trồng dưa lưới trong nhà lưới vào năm 2019 đến nay. Tôi thấy trồng dưa lưới yêu cầu kỹ thuật cao, nông dân phải biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vì đây là loại cây không ưa nước, hiện tôi áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, chi phí hơi cao nên khi trồng phải đầu tư công chăm sóc để cây cho trái to, năng suất cao. Hiện, tôi đang trồng nhiều loại dưa lưới như dưa dài, dưa tròn, nhưng thị trường ưa chuộng nhất là loại dưa lưới tròn trái có vị ngọt thanh, giòn và thơm. Khi các thành viên trong Chi hội trồng màu trong nhà màng áp dụng công nghệ cao trồng đến ngày thu hoạch, Chi hội trưởng sẽ liên hệ thương lái đến tận vườn hái nên người trồng đỡ công vận chuyển bán hoặc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Ông Thạch Chanh Thi cho biết thêm: hiện toàn xã có khoảng 1,7ha đất trồng màu trong nhà màng áp dụng công nghệ cao với loại cây trồng chủ yếu là dưa lưới, mang lại thu nhập khá cao cho nông dân. Riêng, dưa lưới trồng trong nhà lưới thì trồng được mùa nắng còn mùa mưa thì trồng các loại màu khác, nên lợi nhuận không cao như trồng dưa lưới. Tuy nhiên, đây là mô hình mới, lợi nhuận cao nhưng chi phí đầu tư cao nên nhiều nông dân tuy có đất sản xuất nhưng không có vốn để thực hiện nhà lưới, nhà màng. Đồng thời, mô hình đòi hỏi nông dân phải biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mới tăng năng suất và chất lượng dưa lưới. Vì vậy, Chi hội trồng màu trong nhà màng áp dụng công nghệ cao trên địa bàn xã hiện nay được xem như chi hội trồng màu mang tính đặc thù, đa số là các hộ nông dân có điều kiện kinh tế khá, giàu.
Song song đó, đầu ra của sản phẩm đối với dưa lưới còn gặp khó khăn, nếu cả tổ đều đồng loạt trồng 03 vụ/năm, thương lái sẽ ép giá, hoặc gặp phải dịch bệnh Covid-19, thương lái không mua với số lượng lớn gây khó khăn cho các hộ dân. Hiện nay, mô hình của chi hội trồng màu trong nhà màng áp dụng công nghệ cao góp phần xây dựng nền nông nghiệp sạch, đưa nông sản chất lượng cao đến tay người tiêu dùng. Hội Nông dân xã mong rằng, thời gian tới, các cấp, các ngành tạo điều kiện hơn nữa để chi hội trồng màu trong nhà màng áp dụng công nghệ cao có khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng các chuỗi liên kết để ổn định đầu ra cho sản phẩm nhằm giúp chi hội phát triển bền vững.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thời gian qua, phong trào XDNTM huyện Duyên Hải đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, huyện Duyên Hải vinh dự đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022. Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Trong đó, phải kể đến vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong huyện. Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Duyên Hải đã tổ chức nhiều hoạt động, thành lập nhiều mô hình phù hợp, thiết thực tham gia XDNTM, góp phần mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho địa phương.