14/04/2022 11:33
Ao nuôi tôm thâm canh mật độ cao của người dân ở ấp Khúc Ngay, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang.
Ông Nguyễn Văn Ngà, Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang cho biết: để nghề nuôi trồng thủy sản nước lợ thành ngành kinh tế mũi nhọn phát triển bền vững, tạo khối lượng sản phẩm lớn, giá trị cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường trong nước và xuất khẩu.
Phát triển ngành nuôi trồng thủy sản nước lợ trên địa bàn huyện dựa trên việc tái cơ cấu phương thức sản xuất và áp dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái. Vì thế, định hướng đến năm 2025, diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ đạt 9.150ha, trong đó, nuôi tôm 8.550ha, nuôi nghêu, sò 120ha, tôm càng xanh 330ha, cá các loại 150ha. Diện tích nuôi tôm siêu thâm canh (trên ao lót bạt, trong bể tròn) đạt 10% trên tổng diện tích nuôi tôm nước lợ. Diện tích nuôi thủy sản áp dụng theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP…) đạt từ 20% trở lên. Sản lượng nuôi trồng thủy sản nước lợ đạt 39.500 tấn.
Để đảm bảo mục tiêu phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ thành ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững, huyện tập trung quy hoạch phát triển nuôi tôm ở những vùng trọng điểm như: cánh đồng Trà Côn, đồng Năng, Tầm Vu, đồng Tây.
Nghề nuôi thủy sản những năm qua đã mang lại lợi nhuận cao cho người dân trong huyện. Đặc biệt nhờ sự đồng hành của các ngành chuyên môn cũng như những kinh nghiệm, nhiều nông dân mạnh dạn chuyển từ nuôi tôm thâm canh sang nuôi tôm thâm canh mật độ cao đem lại hiệu quả cao, tỷ lệ tôm sống đạt cao từ 80% trở lên so với nuôi thâm canh.
Nông dân Nguyễn Văn Thống, ấp Cái Già Trên, xã Hiệp Mỹ Đông là một trong những hộ dân ứng dụng thành công việc nuôi tôm thâm canh mật độ cao trong 03 năm qua. Ông Thống chia sẻ: trước khi chuyển đổi sang nuôi tôm thâm canh mật độ cao, ông có kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi tôm thâm canh trong ao đất. Sau nhiều năm nuôi tôm, ao nuôi bị nhiễm khuẩn, tôm nuôi thường dễ bệnh và thiệt hại sớm. Từ đó, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư trang thiết bị chuyển sang nuôi tôm thâm canh mật độ cao. Năm đầu ông nuôi thử nghiệm 02 ao bước đầu đạt kết quả khả quan, quan trọng tỷ lệ tôm sống cao đạt 90% so với tôm nuôi trong ao đất và mở rộng những năm tiếp theo trên 01ha mặt nước.
Tuy nhiên, nuôi tôm rủi ro khá cao do phụ thuộc vào thời tiết, môi trường nước, chất lượng con giống. Vì thế, ông thiết kế thêm ao ươm dưỡng để thuận lợi chăm sóc, quản lý môi trường nước và kiểm soát dịch bệnh. Khi mua tôm giống về thả nuôi trong ao ươm dưỡng để tôm thích nghi với môi trường nước, sau đó, chọn lọc những con tôm khỏe, chất lượng đưa vào ao nuôi. Trong quá trình nuôi, ông xây dựng hệ thống dây chuyền xử lý chặt chẽ từ ao ươm, ao lắng, ao nuôi, ao thải… đặc biệt hàng ngày thường xuyên thay đổi nguồn nước trong ao nuôi, đào thải thức ăn và phân tôm ra ao xử lý, hạn chế dịch bệnh, giúp tôm nuôi có môi trường sống sạch.
Sau nhiều năm nuôi tôm theo hướng công nghệ mới và điều chỉnh mô hình nuôi phù hợp với tình hình thực tế nên mỗi vụ thả nuôi ông thu lợi nhuận trên 01 tỷ đồng, riêng vụ nuôi năm 2021, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 giá tôm biến động thất thường nên vụ nuôi này ông thu lợi nhuận đạt 700 triệu đồng/năm. Đến vụ nuôi năm 2022, sau khi thời tiết ổn định, ông thả nuôi bình quân 500.000 - 600.000 con giống/ao hiện đang phát triển tốt.
Do điều kiện gia đình còn khó khăn, nên nông dân Nguyễn Văn Phương, ấp Long Hanh, xã Long Sơn tập trung nuôi tôm thâm canh trên diện tích 1,3ha, bình quân 02 vụ/năm chủ yếu tôm sú, tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng trong 04 ao nuôi. Theo ông Phương, nuôi tôm công nghệ mới không chỉ đòi hỏi vốn đầu tư cao để thực hiện tôm nuôi độc lập, người nuôi phải có đủ kiến thức chuyên môn trong ứng dụng kỹ thuật, công tác xây dựng ao nuôi cũng như kỹ thuật nuôi trong nhà lưới kính. Hiện tại ông áp dụng hình thức nuôi tôm thâm canh trong ao đất.
Với lợi thế đất mới, nên 03 năm chuyển đổi từ đất lúa sang nuôi tôm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy lợi nhuận không cao như nuôi theo hình thức thâm canh mật độ cao, nhưng nhờ “thiên thời địa lợi” ông đạt lợi nhuận 100 triệu đồng/năm. Với 1,3ha diện tích mặt nước, hàng năm ông thả nuôi 300.000 con tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh 02 vụ/năm. Với số lượng con giống trên, vụ nuôi vừa qua ông thu 02 tấn, tổng thu nhập 300 triệu đồng, lợi nhuận 100 triệu đồng. Hiện ông cải tạo và thả nuôi vụ mới phát triển tốt hơn 01 tháng tuổi. Ngoài nguồn thu nhập từ con tôm, ông tận dụng bờ ao nuôi tôm trồng hành, cải các loại trên diện tích xoay vòng 04 đợt/năm trên diện tích 4.000m2, lợi nhuận đạt 05 - 07 triệu đồng/đợt/1.000m2.
Theo ông Nguyễn Văn Ngà, từ thực tế cho thấy nghề nuôi thủy sản đã và đang giúp người dân trong huyện vươn lên làm giàu, trở thành ngành kinh tế chủ lực của huyện. Để nuôi trồng thủy sản nước lợ thành ngành kinh tế mũi nhọn phát triển bền vững, huyện tập trung 05 giải pháp:
(1) Phát huy tiềm năng về điều kiện tự nhiên nuôi thủy sản nước lợ của huyện, đặc biệt là lợi thế về nuôi tôm sú, thẻ chân trắng và các lợi thế về thị trường, công nghệ chế biến, kinh nghiệm của người dân để phát triển nghề nuôi tôm hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
(2) Phát triển ngành thủy sản nước lợ đặt biệt là con tôm sú, thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao với quy mô lớn phù hợp và thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao hướng tới không sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh ở tất cả các phương thức nuôi, các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm.
(3) Phát triển ngành nuôi thủy sản nước lợ gắn với thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng và xây dựng các thương hiệu sản phẩm theo vùng, phương thức nuôi.
(4) Phát triển ngành thủy sản nước lợ theo hệ thống chuỗi giá trị trên cơ sở tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác của nhóm hộ sản xuất nhỏ lẻ, để tạo vùng sản xuất nguyên liệu quy mô lớn, tạo đầu mối để liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm; trong đó doanh nghiệp đóng vai trò là trụ cột, là đầu tàu và động lực của toàn chuỗi giá trị.
(5) Giai đoạn từ năm 2021 - 2025 sẽ tiếp tục chuyển đổi một phần diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả, vùng sản xuất lúa - tôm ở những nơi bị ảnh hưởng xâm nhập mặn vào mùa khô ở các xã như: Hiệp Mỹ Đông, Thạnh Hòa Sơn, Hiệp Mỹ Tây, Long Sơn, Thuận Hòa… khoảng 3.000ha sang nuôi chuyên thủy sản nhằm thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, mặn xâm nhập như hiện nay.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Thời gian qua, phong trào XDNTM huyện Duyên Hải đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, huyện Duyên Hải vinh dự đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022. Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Trong đó, phải kể đến vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong huyện. Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Duyên Hải đã tổ chức nhiều hoạt động, thành lập nhiều mô hình phù hợp, thiết thực tham gia XDNTM, góp phần mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho địa phương.