24/05/2022 11:39
Bà Danh Thị Xí Mãi thu hoạch đậu thuê tại ruộng gia đình ông Thạch Minh.
Theo ông Nguyễn Văn Ngà, Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang, thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ Tướng Chính phủ, những năm qua, huyện tập trung chỉ đạo các ngành đoàn thể phối hợp với các địa phương đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, tạo việc làm mới, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động... qua đó giúp người dân có thu nhập ổn định, các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để thực hiện hiệu quả Đề án, huyện đã tổ chức đánh giá thực trạng, khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề của người lao động và nhu cầu nguồn lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, qua đó tư vấn, hướng dẫn người lao động tự chọn, đăng ký học nghề phù hợp với điều kiện. Trên cơ sở đó, chỉ đạo tổ chức các lớp đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi; nghề phi nông nghiệp như đan đát, máy nổ,… Từ năm 2019 đến nay, huyện tổ chức 38 lớp đào tạo nghề sơ cấp ngắn hạn cho 1.004 học viên tham gia, tổng kinh phí thực hiện gần 2,8 tỷ đồng. Ngoài ra, tạo việc làm mới và giải quyết việc làm cho 10.068 lao động đi làm việc trong và ngoài tỉnh, qua đó giúp lao động có việc làm ổn định góp phần giảm nghèo hiệu quả tại địa phương.
Song song đó, huyện xây dựng kế hoạch phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Trà Vinh, các doanh nghiệp tổ chức hội thảo tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động cho đối tượng là học sinh, sinh viên, quân nhân xuất ngũ và người lao động tại địa phương. Qua đó, tổ chức 11 cuộc, có 1.440 lao động tham gia, trong đó, có 178 lao động đã xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Sau các lớp đào tạo, người lao động được bổ sung kiến thức, kỹ năng cơ bản để tìm việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định. Đối với nghề phi nông nghiệp, nhiều học viên có việc làm ngay sau khi kết thúc khóa học. Đối với nghề nông nghiệp, người lao động tích cực áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, đưa cây giống, vật nuôi có năng suất chất lượng cao, tăng thu nhập.
Điển hình như gia đình ông Thạch Minh, ấp Sóc Giụp, xã Long Sơn có thu nhập ổn định và vươn lên trở thành hộ khá, góp phần giải quyết việc làm nhiều đối tượng lao động trong mùa vụ. Theo ông Minh, với 0,5ha đất sản xuất, hàng năm ông trồng đậu phộng, dưa hấu, mướp hương luân canh 03 vụ trên cùng diện tích đất, lợi nhuận từ 40-50 triệu đồng. Vào vụ sản xuất, nhất là vụ đậu phộng, gia đình ông góp phần giải quyết việc làm gần 100 lao động tham gia xuống giống và thu hoạch, thu nhập từ 200.000 - 400.000 đồng/ngày/lao động.
Với 0,5ha đậu phộng vừa qua, năng suất đạt gần 05 tấn, giá bán 18.000 đồng/kg, lợi nhuận 50 triệu đồng. Với điều kiện đất gò cao, chủ động xuống giống sớm, thu hoạch đầu vụ bán được giá cao. Hiện gia đình ông đang thu hoạch 0,5ha mướp hương và đậu phộng, so với cây đậu phộng, giá mướp thấp hơn, nhưng thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 1,5 - 02 tháng kết thúc, giá bán thời điểm này 18.000 đồng/kg, giá mướp hương dao động từ 3.000 - 5.000 đồng, lợi nhuận 10 triệu đồng/1.000m2.
Mỗi năm vào mùa thu hoạch rộ đậu phộng (vụ đông - xuân), vợ chồng bà Danh Thị Xí Mãi, ấp Huyền Đức, xã Long Sơn thu nhập từ 500.000 - 600.000 đồng/ngày từ nghề lặt đậu thuê. Bà Mãi cho biết: gia đình thuộc hộ nghèo, không đất sản xuất, hàng ngày đi làm thuê theo mùa vụ, nhất là mỗi khi vào mùa vụ, vợ chồng bà làm thuê, như xuống giống cây màu mới, thu hoạch đậu, ớt, dưa hấu, giặm lúa,… tuy thu nhập không nhiều nhưng có việc làm thường xuyên.
Bên cạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động, các địa phương trong huyện tập trung chỉ đạo, tuyên truyền vận động người dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động theo mùa vụ, giảm nghèo bền vững.
Theo ông Nguyễn Văn Ngà, năm 2022 huyện tiếp tục tập trung công tác tuyên truyền cho người lao động tại địa phương hiểu rõ về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề, tạo việc làm mới, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động; chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch tham mưu UBND huyện tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn có tay nghề ổn định, tìm kiếm việc làm tự vươn lên. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện xây dựng kế hoạch phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Trà Vinh và các doanh nghiệp tổ chức nhiều cuộc hội thảo tư vấn việc làm, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, giúp cho người lao động tại địa phương có công ăn việc làm ổn định, góp phần giảm nghèo hiệu quả và bền vững.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Thời gian qua, phong trào XDNTM huyện Duyên Hải đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, huyện Duyên Hải vinh dự đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022. Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Trong đó, phải kể đến vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong huyện. Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Duyên Hải đã tổ chức nhiều hoạt động, thành lập nhiều mô hình phù hợp, thiết thực tham gia XDNTM, góp phần mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho địa phương.