26/08/2024 07:51
Sản phẩm đặc sản tại quầy trưng bày của xã An Phú Tân.
Ông Trần Văn Hữu, kiều bào Mỹ, nhân chuyến về thăm gia đình ở thị trấn Cầu Kè, chia sẻ: đây là lần thứ 3 về quê, nhưng lần này đúng vào dịp địa phương tổ chức lễ hội Festival dừa sáp. Qua tham quan và thưởng thức một số sản phẩm chế biến như mứt dừa sáp, chuối táo quạ sấy khô… rất ngon và phù hợp với khẩu vị của người Việt. Tôi rất vui vì giá trị từ cây dừa sáp mang lại ngày càng được nâng lên từ đó kinh tế của người dân cũng phát triển.
Theo đồng chí Phạm Thanh Toàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè: tham gia hoạt động trưng bày, quảng bá sản phẩm trái cây và sản phẩm OCOP tại Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội, huyện có 20 gian hàng; trong đó, 11 gian hàng của 11 xã, thị trấn; 07 gian hàng chuyên về dừa sáp của Cơ sở mứt dừa sáp Cẩm Hằng; Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè; Hợp tác xã Dừa sáp Hòa Tân và 02 gian hàng của Hội LHPN huyện và Huyện Đoàn Cầu Kè).
Nhân viên gian hàng trưng bày thị trấn Cầu Kè giới thiệu với du khách sản phẩm mứt dừa sáp.
Ngoài trưng bày, các cơ sở còn dự kiến cung ứng cho khách hàng trong suốt thời gian diễn ra Festival khoảng 20 tấn trái cây; tập trung nhiều các loại trái cây đặc sản nổi tiếng của Cầu Kè như dừa sáp, sầu riêng, chôm chôm, chuối táo quạ và các sản phẩm OCOP chế biến từ dừa sáp (kẹo, mứt, nước uống dừa sáp…).
Có thể nói, vùng đất huyện Cầu Kè, quê hương của nữ anh hùng Nguyễn Thị Út (Út Tịch) được thiên nhiên ưu đãi, phù sa bồi đắp, người dân chăm chỉ vun trồng đã cho ra nhiều loại cây trái, đặc sản, trong đó đặc biệt là dừa sáp. Dừa sáp Cầu Kè có nguồn gốc cách đây 100 năm. Trước đây, cây dừa sáp chủ yếu được vài hộ dân ở địa phương trồng ăn trong gia đình hoặc làm quà biếu; đến nay, dừa sáp đã trở thành đặc sản của huyện Cầu Kè.
Hiện nay, dừa sáp có 03 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 07 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 03 sản phẩm đạt OCOP tiềm năng 5 sao (kẹo dừa sáp nguyên chất, kẹo dừa sáp lá dứa, kẹo dừa sáp Cacao) và 01 sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia (dừa sáp sợi). Đặc biệt, dừa sáp được chế biến rất nhiều món ngon, rất tốt cho sức khỏe.
Ông Đoàn Tấn Thiệt tìm hiểu về sản phẩm kẹo dừa sáp tại quầy trưng bày của cơ sở mứt dừa sáp Cẩm Hằng.
Ông Đoàn Tấn Thiệt, ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long cho biết: gia đình cũng từng tìm hiểu về cây dừa sáp ở đây. Năm 2020, gia đình đã đầu tư trồng 100 gốc dừa sáp cấy phôi mua từ Trường Đại học Trà Vinh, hiện vườn dừa đang bắt đầu cho trái chiếng. Nhân dịp Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh, tôi muốn tìm hiểu thêm về các sản phẩm chế biến từ dừa sáp cũng như mong muốn gặp các cơ sở, doanh nghiệp trong liên kết, tiêu thụ dừa sáp trái của nhà vườn...
Đồng chí Diêu Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè cho biết: trong suốt thời gian diễn ra Festival, tại gian hàng của xã An Phú Tân chuẩn bị khoảng 02 tấn trái cây đặc sản của địa phương như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, hồng nhung (trái cây được nhà vươn cù lao Tân Qui mới phát triển trồng hơn chục năm nay).
Nhân viên Hợp tác xã Dừa sáp Hòa Tân chọn dừa sáp cho khách hàng Nguyễn Thị Thanh Bình (giữa) đến đặt mua làm quà biếu.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình ở quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ chia sẻ: hôm nay, gia đình tôi đến tham quan lễ hội và cũng tìm hiểu mua vài trái dừa sáp, được biết ở Cầu Kè có trái cây đặc sản này khá nổi tiếng. Tôi tin tưởng với các gian hàng bày bán đặc sản của vùng quê Cầu Kè, giá dừa sáp khá ổn định (dừa sáp đặc loại I có giá 150.000 đồng/trái), gia đình tôi mua 04 trái tại quầy hàng Hợp tác xã Dừa sáp Hòa Tân.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Sáng nay (06/12) Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cùng lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh và Bến Tre tổ chức hội nghị tổng kết, báo cáo kết quả khảo sát khả thi Dự án “Hỗ trợ kinh tế tuần hoàn xanh thông qua cải thiện chuỗi giá trị nông nghiệp vùng ĐBSCL - Việt Nam” (Dự án).