13/02/2022 07:57
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước mặn từ biển xâm nhập, lấn sâu đến khu vực cù lao Tân Qui, làm ảnh hưởng đến diện tích vườn cây ăn trái. Đặc biệt, thời điểm năm 2016 - 2017, nước mặn gây thiệt hại khá lớn cho các nhà vườn ở Tân Qui…
Công trình cống Bằng Lươn (Tân Qui 1, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè) là một trong 04 công trình cống đầu mối ven Sông Hậu trên cù lao Tân Qui đã hoàn thành, có tác dụng ngăn mặn, trữ ngọt.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè, cù lao Tân Qui hiện có 09 tuyến kênh (khém) tiếp nhận trực tiếp nguồn nước từ Sông Hậu vào, do chưa chủ động ngăn mặn và trữ ngọt, nên mỗi khi có nước mặn từ phía biển lấn sâu vào đến khu vực tiếp giáp cù lao Mây (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) trên Sông Hậu dẫn đến mặn xâm nhập toàn bộ khu vực cù lao Tân Qui qua các khém. Để ngăn mặn, trữ ngọt ở cù lao Tân Qui, năm 2021, 04 cống ngăn mặn, triều cường phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn cù lao Tân Qui được triển khai, hiện đang trong giai đoạn hoàn thành, gồm công trình cống Bằng Xà, Bằng Lươn, C1 và C3, có tổng vốn đầu trên 40 tỷ đồng, đây là 04/09 công trình cống nằm trong dự án phục vụ ngăn mặn và triều cường do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh làm chủ đầu tư.
Ông Cao Văn Phụ, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Tân cho biết: việc xây dựng 04 cống trên cù lao Tân Qui tuy chưa khép kín 100% để ngăn mặn, nhưng đã góp phần không nhỏ trong việc trữ ngọt và chủ động nguồn nước phục vụ khoảng 100ha diện tích vườn cây ăn trái được hưởng lợi trực tiếp từ các công trình trên. Khi mặn xâm nhập và lấn sâu giáp với cù lao Mây nằm ở khu vực phía dưới đuôi cù lao Tân Qui sẽ đưa nước mặn lấn sâu vào các khém, nên thời gian tới, trước tình hình BĐKH đang diễn biến ngày càng phức tạp, mặn xâm nhập sớm… đối với 05/09 cống đầu mối còn lại ở cù lao Tân Qui, tỉnh cần sớm triển khai và hoàn thành để khép kín việc ngăn mặn, bảo vệ vườn cây ăn trái đặc sản của địa phương.
Nhà vườn Lê Văn Đèo, ngụ ấp Tân Qui 2, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè cho biết: vụ trái cây năm 2016 - 2017, gia đình có hơn 60 gốc chôm chôm (tương đương 0,2ha) phải trắng tay, do bị nhiễm nước mặn nên toàn bộ cây chôm chôm có trái non rụng hết. Do vùng đất Tân Qui là khu vực cồn, có nhiều rạch, khém nên nguồn nước từ Sông Hậu dễ dàng len vào trong các khu vườn. Nhà vườn muốn chủ động “cắt nước” từ các tuyến này rất khó, do chi phí lớn trong việc làm cống, bọng. Với việc triển khai xây dựng 04 cống, trong đó có cống Bằng Xà (ấp Tân Qui 2) ở tuyến vườn gần khu vực vườn của gia đình, giúp ngăn mặn và trữ ngọt cho các nhà vườn ở đây.
Ông Lê Văn Ngoan, Trưởng Ban Nhân dân ấp Tân Qui 2, xã An Phú Tân cho biết: ấp Tân Qui 2 có 02/04 cống đang được triển khai thi công; qua đó, có trên 50ha vườn cây ăn trái được hưởng lợi trực tiếp từ công trình trong ngăn mặn, trữ ngọt. Hiện nay, các cống trên đã hoàn thành và có tác dụng mới ngăn được mặn từ phía đầu cù lao vào; nếu nước mặn lấn sâu đến cuối cù lao thì sẽ lấn ngược lên. Do đó, nhà vườn ở Tân Qui mong sớm triển khai tiếp các cống còn lại để nhà vườn ở cù lao an tâm ứng phó với BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Thời gian qua, phong trào XDNTM huyện Duyên Hải đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, huyện Duyên Hải vinh dự đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022. Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Trong đó, phải kể đến vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong huyện. Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Duyên Hải đã tổ chức nhiều hoạt động, thành lập nhiều mô hình phù hợp, thiết thực tham gia XDNTM, góp phần mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho địa phương.