12/04/2022 13:10
Nông dân Kim Sa Ly cắt cỏ chăm sóc đàn bò nuôi.
Nhờ “trợ lực” từ các chương trình, chính sách ưu đãi của Nhà nước cùng với triển khai các chủ trương, giải pháp nên tỷ lệ hộ nghèo của xã qua từng năm giảm đáng kể. Đặc biệt, hoạt động cho vay vốn ưu đãi đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn thông qua các ngành đoàn thể gắn với hướng dẫn phương pháp sản xuất, chuyển giao khoa học - kỹ thuật.
Bên cạnh đó, để giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, xã đã tập trung triển khai nhiều mô hình sản xuất, thành lập các tổ liên kết trồng trọt, chăn nuôi; đồng thời thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân về cây, con giống nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất.
Điển hình như gia đình ông Kim Sa Ly, ấp Nê Có trước đây là hộ nghèo, kinh tế chính của gia đình chủ yếu dựa vào nghề làm phụ hồ và sản xuất 2.000m2 đất canh tác lúa. Ông Ly cho biết: khoảng 05 năm trước, được xã hỗ trợ vốn vay 10 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư mua bò sinh sản.
Cùng với đó, ông chuyển đổi 2.000m2 đất trồng lúa sang trồng 03 vụ màu/năm chủ yếu bầu, bí, ớt chỉ thiên, lợi nhuận bình quân từ 15 - 20 triệu đồng/vụ. Ngoài tiền thu nhập từ việc trồng trọt, chăn nuôi và làm thuê, 02 người con của ông đi làm công nhân hàng tháng gửi 10 triệu đồng phụ giúp gia đình trang trải cuộc sống. Đến nay, cuộc sống của gia đình ông dần ổn định và vươn lên thoát nghèo.
Hay gia đình ông Sơn Sa Mane, ngụ cùng ấp nhờ được hỗ trợ các chính sách ưu đãi về giống, vốn và chuyển giao khoa học - kỹ thuật nên nay đã vươn lên thoát nghèo. Ông Mane chia sẻ: cuộc sống ban đầu của gia đình gặp nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào nghề làm thuê. Nhờ địa phương hỗ trợ tạo điều kiện tiếp cận vốn vay và chịu khó siêng năng lao động nên khi tích lũy được vốn ông đầu tư vào chăn nuôi dần sang mua đất canh tác lúa. Nhờ chí thú làm ăn, đàn bò sinh sản của gia đình ông đến nay lên đến 13 con, trong đó có 09 con bò sinh sản, bình quân mỗi năm xuất bán khoảng 06 - 07 con bò, thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng. Gần đây, ông mạnh dạn chuyển đổi 1,2ha đất trồng lúa sang trồng dừa và trồng cỏ nuôi bò, hiện nay có 2.000m2 dừa đang cho trái, thu nhập bình quân từ 02 - 03 triệu đồng/tháng.
Bà Nguyễn Thị Thùy, Phó Chủ tịch UBND xã Song Lộc cho biết: ngoài các chính sách ưu đãi về vốn, nhà ở, việc làm, xã đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt ngày càng hoàn thiện và phát triển mạnh, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp có những bước tiến bộ mới. Bên cạnh đó, để giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, xã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế như đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế vườn, trang trại; mở rộng diện tích trồng các loại cây có giá trị đặc biệt là cây dừa. Tuy đã phát huy hiệu quả kinh tế nhưng nhìn chung hầu hết các mô hình sản xuất của người dân chưa đạt kết quả như mong muốn nên thu nhập không cao.
Song song đó, hoạt động lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả, việc nâng cao dân trí, chăm lo đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được đặc biệt quan tâm, nhất là việc nâng cao chất lượng dạy và học ở các bậc học. Đối với việc chăm lo sức khỏe cho Nhân dân, đã có kết quả bước đầu trong công tác phòng, chống trẻ suy dinh dưỡng, công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, đẩy nhanh công tác giảm nghèo và nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường.
Thông qua các chương trình, chính sách được đầu tư, cùng với thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer nêu cao ý chí tự lực vươn lên trong cuộc sống, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo của xã nói chung và trong vùng đồng bào Khmer nói riêng. Phấn đấu trong năm 2022, xã giảm thêm 32 hộ nghèo, trong đó có 17 hộ nghèo Khmer, thời gian tới, xã tiếp tục quan tâm các chính sách ưu đãi trong vùng đồng bào Khmer, nhất là các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo Khmer học nghề, vốn, giải quyết việc làm tại chỗ, khuyến khích xuất khẩu lao động đối với con em hộ nghèo Khmer. Chỉ đạo các ngành đoàn thể rà soát lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn sản xuất, nhà ở… trong quá trình thực hiện, coi trọng việc phát hiện và nhân rộng các điển hình, mô hình giảm nghèo hiệu quả để giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Thời gian qua, phong trào XDNTM huyện Duyên Hải đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, huyện Duyên Hải vinh dự đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022. Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Trong đó, phải kể đến vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong huyện. Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Duyên Hải đã tổ chức nhiều hoạt động, thành lập nhiều mô hình phù hợp, thiết thực tham gia XDNTM, góp phần mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho địa phương.