30/06/2021 13:05
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ của nông dân huyện Cầu Ngang được tỉnh khuyến khích nhân rộng.
Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia được tỉnh xác định là lúa gạo, cây ăn quả, rau, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm, cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Tỉnh định hướng phát triển các loại nông sản này theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng cơ giới hóa, khoa học công nghệ, gắn với công nghiệp chế biến nông sản theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ. Tỉnh tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành; phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh hợp tác quốc tế và xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nhằm tháo gỡ rào cản thương mại, thúc đẩy xuất khẩu.
Tỉnh dự kiến có khoảng 80.000ha đất trồng lúa, chủ yếu tại vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm ở các huyện Càng Long, Châu Thành, Cầu Ngang, Tiểu Cần, Trà Cú và Cầu Kè với sản lượng khoảng 1,15 triệu tấn/năm, góp phần cung cấp nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; trong đó, khoảng 70% diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao, 90% diện tích sử dụng giống xác nhận. Bên cạnh đó, khuyến khích nông dân trồng các loại rau có giá trị kinh tế cao, áp dụng công nghệ tiên tiến, VietGAP, hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với cơ sở sơ chế, bảo quản và chế biến để đáp ứng thị trường; phấn đấu đến năm 2025, diện tích gieo trồng đạt trên 36.000ha, sản lượng 865.000 tấn/năm.
Với các cây ăn quả có lợi thế như bưởi da xanh, cam sành, xoài, quýt đường, thanh long ruột đỏ, măng cụt... Trà Vinh phát triển tổng diện tích đạt 20.000 ha vào năm 2025, sản lượng đạt gần 300.000 tấn/năm; khuyến khích nhà vườn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP.
Đối với sản phẩm tôm, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 mở rộng diện tích gần 30.000 ha, sản lượng đạt 85.000 tấn; đồng thời, mở rộng diện tích nuôi tôm sinh thái, mô hình tôm - lúa, tôm - rừng…
02 nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm đặc sản địa phương, tỉnh đẩy mạnh sản xuất theo quy trình VietGAP và tương đương, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; tăng cường chế biến đa dạng hóa sản phẩm, phát triển sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển sản xuất các loại sản phẩm này theo quy mô lớn, tăng cường liên kết giữa các địa phương để tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng cơ giới hóa gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Thực hiện cơ chế, chính sách, giải pháp và nguồn lực để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030”; hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa. Tỉnh phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở nông thôn.
Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trước đó, tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển 20 sản phẩm chủ lực của tỉnh; trong đó, có 10 sản phẩm trồng trọt gồm lúa, ngô, lạc, cam, bưởi, xoài, nhãn, chuối, thanh long, dừa; 4 sản phẩm chăn nuôi gồm heo, bò, dê và gia cầm; 6 sản phẩm thủy sản gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cua biển, nghêu, cá lóc.
Các sản phẩm chủ lực của tỉnh từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, liên kết sản xuất theo chuỗi, đáp ứng nhu cầu thị trường. Bình quân, giá trị sản xuất 1 ha canh tác sản phẩm chủ lực tăng hơn 1,5 lần so với giá trị sản xuất bình quân đất nông nghiệp.
Bài, ảnh: THANH HÒA
Thời gian qua, phong trào XDNTM huyện Duyên Hải đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, huyện Duyên Hải vinh dự đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022. Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Trong đó, phải kể đến vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong huyện. Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Duyên Hải đã tổ chức nhiều hoạt động, thành lập nhiều mô hình phù hợp, thiết thực tham gia XDNTM, góp phần mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho địa phương.