20/05/2025 08:29
Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, cá rô phi được xác định là đối tượng nuôi tiềm năng, bên cạnh tôm và cá tra. Mục tiêu đến năm 2030, đạt sản lượng 400.000 tấn, đưa cá rô phi trở thành loài cá nước ngọt xuất khẩu lớn thứ hai sau cá tra, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và giảm phụ thuộc vào một số mặt hàng chủ lực. Từ năm 2023 đến nay, người nuôi thủy sản ở Trà Vinh đã chủ động đưa đối tượng cá rô phi vào nuôi và phát triển khá mạnh tập trung ở các vùng nuôi nước lợ xen trong vuông ao nuôi tôm.
Thu hoạch cá rô phi ở hộ anh Đào Văn Hiếu, ấp Bờ Kinh 1, xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang.
Theo thống kê từ Chi cục Thủy sản, Kiểm ngư và Biển đảo tỉnh (Sở Nông nghiệp và Môi trường Trà Vinh), diện tích nuôi cá rô phi xuất khẩu ở tỉnh hiện nay đã và đang phát triển, có 46 hộ nuôi với diện tích là 106ha, tập trung ở các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành. Ngoài ra, Công ty Thủy sản Cửu Long thả nuôi hơn 60ha, dự kiến thu hoạch trong tháng 5 khoảng 500 tấn, đồng thời đang triển khai xây dựng 01 trại giống có quy mô 10ha…
Đồng chí Lê Tân Thới, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Kiểm ngư và Biển đảo tỉnh cho biết: tiềm năng phát triển nuôi cá rô phi xuất khẩu ở Trà Vinh khá lớn và điều kiện nuôi tương đối phù hợp. Với điện tích nuôi thủy sản nước lợ, ngọt 5.570ha, phân bố ở các huyện: Châu Thành (xã Hưng Mỹ, Phước Hảo, Long Hòa, Hòa Minh); Cầu Ngang (xã Vinh Kim, Thuận Hòa, Mỹ Hòa, Long Sơn, Hiệp Hòa, Nhị Trường, Hiệp Mỹ Tây); Trà Cú (xã Đại An, Định An, Lưu Nghiệp Anh, Hàm Tân); Tiểu Cần (xã Tân Hòa, Hùng Hòa, Tập Ngãi, Tân Hùng, Ngãi Hùng); Cầu Kè (xã Hòa Tân, Ninh Thới), xã Đức Mỹ, huyện Càng Long và khu Cồn Cò, Thủy Tiên và cù lao Long Trị thuộc thành phố Trà Vinh và Châu Thành… Hiện nay, bên cạnh các đối tượng nuôi như tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh, cá tra, cá lóc, cá rô phi… những vùng này, có khả năng nuôi chuyên hoặc luân canh với đối tượng cá rô phi, do độ mặn có hơn 06 tháng từ 0 - 08‰ khá thích hợp cho con cá rô phi phát triển.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện trên địa bàn huyện Cầu Ngang có trên 32ha diện tích nuôi cá rô phi xen trong ao nuôi tôm. Bên cạnh các hộ tiên phong trong việc liên kết với doanh nghiệp đưa con cá rô phi vào nuôi xen trong ao tôm của hộ ông Nguyễn Văn Tú, Nguyễn Quốc Cường, xã Hiệp Mỹ Đông vào năm 2023 đã khá thành công. Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Cầu Ngang triển khai các mô hình nuôi thử nghiệm… đã góp phần rất lớn trong việc giúp người nuôi từng bước tiếp cận được quy trình kỹ thuật cũng như đánh giá được hiệu quả về nuôi con cá rô phi.
Đồng chí Nguyễn Trí Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Cầu Ngang cho biết: hiện nay, thị trường xuất khẩu về cá rô phi khá lớn, từ đó đã đưa giá trị con cá rô phi tăng cao. Tuy nhiên, người nông dân cần thẩn trọng trong việc lựa chọn chất lượng nguồn cá giống và chủng loại cá (hiện có nhiều giống cá rô phi của nhiều đơn vị nhập khẩu) khi nuôi. Để người nuôi đạt hiệu quả cao, đòi hỏi cần xây dựng chuỗi liên kết từ khâu cung ứng con cá giống - thức ăn và tiêu thụ sản phẩm (cá thương phẩm) và quy trình kỹ thuật nuôi cần được đặt ra chặt chẽ và theo khuyến cáo từ doanh nghiệp/đơn vị liên kết thu mua sản phẩm do cá rô phi chủ yếu là thịt phile nên trong từng loại giống sẽ có chất lượng thịt khác nhau…
Với quy trình nuôi cá rô phi hiện nay, phần lớn nông dân nuôi ở mật độ 10 con/m2 và zise cá giống từ 3.000 - 4.000 con/kg sẽ hạn chế tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi; độ mặn dao động dưới 10‰ là tốt nhất. Để đạt 01kg cá rô phi thương phẩm cần 1,2kg thức ăn và thức ăn cá rô phi không đòi hỏi độ đạm cao, từ 30 - 32% độ đạm.
Ông Nguyễn Văn Tú, ấp Rạch, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang chia sẻ: khi nuôi cá rô phi cần liên kết với doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định và tránh tình trạng giá thu mua cá thương phẩm bất lợi cho người nuôi. Cùng với đó, là việc kiểm soát dư lượng thuốc kháng sinh trong cá, để tránh tình trạng chạy theo thị trường, ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Trà Cú đã tập trung thực hiện 04 nhiệm vụ trọng tâm, 02 nhiệm vụ đột phá và các Chương trình mục tiêu quốc gia đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, nhiều lĩnh vực đạt thành tựu, dấu ấn nổi bật. Từ đó, tạo tiền đề để Trà Cú phát triển trong giai đoạn mới.