23/12/2020 19:37
Nhóm HS Nguyễn Trần Anh Thoa và Đinh Khánh Toàn cùng giáo viên hướng dẫn xem lại các mạch điện cảm ứng khi thử nghiệm giải pháp.
Theo bà Bà Lê Tuyết Hồng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh: cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Trà Vinh lần thứ 8 (năm 2020) có nhiều kết quả vượt trội so với những năm trước, số lượng và chất lượng các giải pháp tăng rõ rệt. Trong hồ sơ dự thi, HS viết thuyết minh cụ thể nguồn gốc hình thành ý tưởng, tính sáng tạo của các giải pháp, đánh giá được hiệu quả kỹ thuật cũng như khả năng áp dụng của giải pháp vào thực tế. Đó là tiền đề tạo nên thành tích chung của tỉnh khi tham gia cuộc thi toàn quốc. 03 năm gần đây, Trà Vinh đều có giải pháp đạt giải tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc.
Chúng ta có thể khẳng định, nghiên cứu khoa học kỹ thuật đóng vai trò quan trọng trong phát triển năng lực sáng tạo của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Do đó, những năm gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn luôn quan tâm, động viên, hỗ trợ HS, nghiên cứu, sáng tạo. Vinh dự có HS đạt giải Nhất cuộc thi năm nay, cô Huỳnh Ngọc Quý, giáo viên Trường THCS Tân An, huyện Càng Long phấn khởi: trước đây, giáo viên và HS vùng nông thôn như chúng tôi có phần thiếu tự tin khi tham gia các cuộc thi cấp tỉnh do không chọn được đề tài sáng tạo tiêu biểu. Năm nay, HS tôi trực tiếp giảng dạy có ý tưởng hay nên khi được phát động tham gia cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, “thầy trò” đã tập trung tạo nên sản phẩm hoàn thiện, đạt giải Nhất là thành công lớn, niềm vui, sự bất ngờ xen lẫn.
Giải pháp đạt giải Nhất cuộc thi là “hệ thống phát hiện người bị bỏ quên trên xe ô-tô bằng mạch microbit” của nhóm HS Nguyễn Trần Anh Thoa và Đinh Khánh Toàn. Chia sẻ về ý tưởng tham gia cuộc thi, Anh Thoa bày tỏ: trước thông tin có một số trường hợp trẻ mầm non, tiểu học bị bỏ quên trên xe đưa đón đến trường, gây ra hậu quả đau lòng. Với ý tưởng làm cách nào để phát hiện người trên xe khi tài xế ra ngoài, cộng với kiến thức được học từ môn Tin học, em đã nảy sinh ý tưởng nghiên cứu và lập trình “hệ thống phát hiện người bị bỏ quên trên xe ô-tô bằng mạch microbit”. Trao đổi với giáo viên dạy môn Tin học hướng dẫn, được cô thống nhất, sau đó chúng em lên mạng internet tìm mua nguyên liệu, mạch điện về lập trình và thử nghiệm thành công. Các em đã hoàn thiện dần mô hình chiếc xe khách, có hệ thống cảm ứng trên ghế ngồi và nhiều bộ phận trên xe, chỉ cần trong xe còn người, các cảm ứng sẽ được báo về thiết bị cầm tay của tài xế.
Lần đầu tham gia nghiên cứu, sáng tạo và dự thi, được đánh giá cao, tạo động lực cho giáo viên và HS của trường trong các cuộc thi ở những năm sau.
Bên cạnh, nhóm HS Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Trà Vinh đạt giải Nhì với giải pháp “Phần mềm tìm hiểu văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ trên nền tảng Android”, em Sơn Tân, lớp 11A chia sẻ: em được biết, đa số đồng bào Khmer chỉ được biết về văn hóa Khmer Nam Bộ thông qua lời kể của người lớn mà chưa tự tìm hiểu. Bên cạnh, đôi khi tìm hiểu nhưng các thông tin còn ít, chung chung và nhiều thông tin trên mạng internet chưa được kiểm chứng, chưa thống nhất với nhau và chưa có hệ thống quản lý chuyên biệt. Xuất phát từ ý tưởng đó, cộng với thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn, phát huy, giữ gìn văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, em đã ấp ủ thực hiện phần mềm này.
Quá trình thực hiện đề tài, Sơn Tân đã gặp nhiều giáo viên dạy bộ môn Khmer của một số trường dân tộc nội trú, Trường Đại học Trà Vinh, sư cả các chùa và tìm hiểu qua sách viết về văn hóa Khmer Nam Bộ. Qua đó, Sơn Tân tập hợp các thông tin dữ liệu cơ bản nhất và phối hợp với em Thạch Sang, lớp 12D, lập trình đưa dữ liệu lên nền tảng Android. Tuy 02 em không học cùng lớp nhưng có cùng đam mê nghiên cứu và mỗi người phát huy sở trường nhằm tạo nên giải pháp thiết thực, hiệu quả gắn liền với đồng bào Khmer.
Còn với HS Bùi Quốc Thắng, Trường THPT Phạm Thái Bường (thành phố Trà Vinh) thì ý tưởng của em là làm thế nào để phát huy, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trước sự bùng nổ của mạng xã hội, những “biến căng” trong lời nói hàng ngày, nhất là giới trẻ. Từ đó, em chọn nghiên cứu giải pháp “ngôn ngữ mạng xã hội và chuẩn mực giao tiếp của HS THPT hiện nay”.
Quốc Thắng chia sẻ: trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của mạng internet hiện nay, hiện tượng sử dụng ngôn ngữ “tự chế” rất phổ biến, ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt và quá trình hình thành, phát triển nhân cách HS. Là một HS đam mê học văn, trân trọng những lời hay ý đẹp từ ca dao, tục ngữ, những tác phẩm văn học đi vào lòng người trong tiếng Việt nên em chọn thực hiện giải pháp này và hoàn thiện dự thi. Hy vọng giải pháp của em sẽ đem đến cho giới trẻ, nhất là HS cái nhìn đúng đắn hơn về lựa chọn từ ngữ trong giao tiếp, học tập. Qua đó, không những giúp HS học tốt hơn mà còn giữ được sự trong sáng của tiếng Việt, phát huy tình yêu quê hương, đất nước, rèn luyện, giữ gìn đạo đức của mỗi người thông qua lời nói.
Nhiều giải pháp sáng tạo trên các lĩnh vực không chỉ thể hiện sự nỗ lực của HS trong vận dụng kiến thức đã học vào nghiên cứu, ứng dụng mà còn là tiền đề giúp các em hình thành những đam mê, ý tưởng. Qua đó, giúp các em học tập ngày càng tốt hơn, sau này sẽ phát huy nhiều khả năng nổi bật trong công việc và cuộc sống.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Chiều ngày 28/6, Sở Giáo dục và Đào tạo Trà Vinh công bố điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2025 - 2026. Theo ghi nhận, điểm chuẩn của các trường đều giảm nhiều so với kỳ thi tuyển sinh năm học 2024 - 2025, nhiều trường giảm tới khoảng 10 điểm. Nguyên nhân do cách tính điểm thi năm nay không nhân hệ số như những năm trước.