08/02/2024 16:46
Anh Trần Trí Cường, Bí thư Tỉnh Đoàn Trà Vinh trao giải cho tác giả có ý tưởng, dự án khởi nghiệp tiêu biểu tại cuộc thi cấp tỉnh năm 2023. Ảnh: H.NH
Xác định phong trào khởi nghiệp và chuyển đổi số trong thanh niên có ý nghĩa quyết định, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của gia đình và đất nước nói chung. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Trà Vinh đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tham quan học tập kinh nghiệm nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, ĐVTN và người dân. Riêng lĩnh vực khởi nghiệp, Tỉnh Đoàn phối hợp với Báo Trà Vinh, Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh thực hiện chuyên mục “Thanh niên khởi nghiệp” với trên 30 tác phẩm báo chí được đăng, phát trong năm.
Anh Nguyễn Thanh Nhã, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn cho biết, điểm nhấn về phong trào khởi nghiệp trong năm là việc tổ chức thành công Cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp năm 2023. Qua đó, có 255 bài dự thi, kết quả Ban tổ chức đã trao 02 giải Nhất, 04 giải Nhì, 06 giải Ba và 20 giải Khuyến khích cho các tác giả và nhóm tác giả. Thông qua Cuộc thi đã tập hợp những ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh thiếu nhi; đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về hoạt động khởi nghiệp của tỉnh. Trong năm, Tỉnh Đoàn đã gửi danh sách 439 ĐVTN có nhu cầu cần vốn với gần 16 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Trà Vinh thẩm định cho vay phát triển kinh tế, trong đó có việc triển khai các dự án khởi nghiệp.
Đặc biệt, thông qua phong trào khởi nghiệp do Tỉnh Đoàn phát động, ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong thanh niên và luôn được các cấp bộ Đoàn quan tâm. Hiện toàn tỉnh có 37 tổ hợp tác, 12 hợp tác xã, 04 câu lạc bộ phát triển kinh tế, 62 mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ hoạt động hiệu quả.
Tiêu biểu như mô hình “Trồng dưa lưới nhà bạt” tại thị xã Duyên Hải; mô hình “Ốc bươu gác bếp” tại huyện Tiểu Cần; mô hình “Nuôi cua lột và cua cốm trong hệ thống tuần hoàn” tại huyện Duyên Hải; “Bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP” tại huyện Càng Long... Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã do thanh niên làm chủ ngày càng hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương như: Công ty TNHH chế biến dừa sáp (VICOSAP), huyện Cầu Kè; Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm), huyện Tiểu Cần; Hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp, huyện Trà Cú…
Trên lĩnh vực chuyển đổi số với chủ đề “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn” và tinh thần “Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số”, năm 2023, Tỉnh Đoàn xác lập chỉ tiêu hỗ trợ nâng cao năng lực số cho thanh thiếu nhi để vận dụng, ứng dụng công nghệ số trong thực tiễn cuộc sống. Cụ thể như: 100% Đoàn cấp huyện có hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động Đoàn; 60% thanh thiếu nhi được tiếp cận các hoạt động nâng cao năng lực số do tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp thực hiện; 30% thanh niên sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 40% thanh niên sử dụng tài khoản thanh toán điện tử.
Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn xác định tăng cường chuyển đổi số đồng bộ trên tất cả các mặt công tác của Đoàn, đồng thời phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia tích cực công cuộc chuyển đổi số trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Tiêu biểu là việc 100% cán bộ, đoàn viên tham gia học tập, quán triệt, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII trên ứng dụng Thanh niên Việt Nam và Nghị quyết Đại hội Đoàn cấp tỉnh lần thứ XI trên web thi trực tuyến của Tỉnh Đoàn.
Việc triển khai học tập các bài học lý luận chính trị cho 100% đoàn viên mới kết nạp, kiểm tra, đánh giá và công nhận kết quả học tập trực tuyến trên Cổng học lý luận chính trị của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và ứng dụng Thanh niên Việt Nam. Chuyển đổi số các hình thức thi, tìm hiểu về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về Đảng, Đoàn và đất nước thông qua hội thi trực tuyến “Ánh sáng soi đường” với hơn 20.000 cán bộ, ĐVTN tham gia.
ĐVTN VNPT Trà Vinh hỗ trợ người dân trong chuyển đổi số từ điện thoại thông minh. Ảnh: BT
Tỉnh Đoàn thực hiện 01 công trình số hóa Di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đoàn cấp huyện thực hiện 13 công trình số hóa di tích lịch sử, bảo tàng, thư viện, phần mềm quản lý đoàn viên, chương trình nâng cao năng lực ngoại ngữ, quảng bá sản phẩm OCOP... để giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh thiếu nhi và quảng bá du lịch tỉnh nhà.
Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng tối đa ưu thế của các công cụ, phương tiện truyền thông hiện đại, mạng xã hội trong giáo dục thanh thiếu nhi. Xây dựng các bộ công cụ tuyên truyền, các sản phẩm truyền thông trên internet, các ứng dụng trên mạng xã hội và các thiết bị di động thông minh có nội dung tuyên truyền, giáo dục theo hướng trẻ trung, sinh động, phù hợp với thanh thiếu nhi.
Phát huy những kết quả đạt được, anh Nguyễn Thanh Nhã khẳng định, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ĐVTN về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp và chuyển đổi số. Tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ thanh niên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Tiếp tục tổ chức các cuộc thi, nói chuyện chuyên đề về khởi nghiệp; kết nối các ý tưởng, sản phẩm của thanh niên với nhà đầu tư để phát triển ý tưởng thành dự án khởi nghiệp.
Trên lĩnh vực chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng tối đa ưu thế số hóa trong giáo dục thanh thiếu nhi. Triển khai hiệu quả các Tổ chuyển đổi số cộng đồng để hỗ trợ người dân và tích cực, chủ động, tiên phong tham gia vào quá trình xây dựng chính phủ số, xã hội số… xem đây là nhiệm vụ thường xuyên trong công tác Đoàn, Hội, Đội từ tỉnh đến cơ sở.
BÁ THI
Chiều ngày 04/10, Tỉnh Đoàn Trà Vinh tổ chức hội nghị sơ kết công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi 09 tháng gắn tổng kết Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè năm 2024.