28/04/2023 11:59
Phong trào này đang được lan tỏa rộng khắp trên địa bàn huyện, góp phần quan trọng trong việc làm thay đổi diện mạo nông thôn, mang lại những cơ hội phát triển và lợi ích cho địa phương, mà trực tiếp người dân được thụ hưởng thành quả.
Hội viên nông dân Thạch Canl, ấp Quản Âm, xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải: hiến đất làm đường để con cháu đi lại thuận tiện
Là nông dân “chân lấm, tay bùn”, hiểu rõ được giá trị của “tấc đất, tấc vàng”. Thế nhưng, trong phong trào XDNTM ông Thạch Canl sẵn sàng hiến đất để xây dựng đường nông thôn, góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp. Không chỉ gia đình ông tự nguyện hiến hơn 600m2 làm đường; ông Thạch Canl còn vận động trong thân tộc của mình hiến gần 2.000m2 đất để thực hiện các công trình dân sinh.
Nông dân Thạch Canl (trái) trao đổi với lãnh đạo Hội Nông dân xã Đôn Xuân về mô hình vận động trong thân tộc và gia đình hiến đất làm đường nông thôn.
Ông Thạch Canl chia sẻ: đối với phong trào hiến đất làm đường nông thôn, khi mọi người vẫn còn e dè chưa nhìn ra được lợi ích chung của việc hiến đất làm đường. Gia đình đã tiên phong hiến đất; đồng thời cùng với chính quyền địa phương tổ chức vận động, tuyên truyền cho người dân nơi có công trình đi qua, biết rõ việc hiến đất về lâu dài cho con cháu của mình như đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản…
Đồng chí Trần Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải cho biết: tuyến đường nông thôn trong ấp Quản Âm dài gần 02km và có trên 100 hộ được hưởng lợi trực tiếp từ tuyến đường này. Trước đây, khi chưa có tuyến đường, vào mùa mưa thì sình lầy, các cháu nhỏ và người dân đi lại khó khăn, chủ yếu men theo các đường đất trong vuông giồng đi ra trung tâm xã. Hiện tuyến đường này đang được đầu tư đường nhựa (mặt 3,5m) tạo kết nối từ ấp Chợ - Quản Âm - Tà Rom, thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, vận chuyển hàng hóa nông sản.
Nông dân Kim Ra, ấp Sóc Ruộng, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải: cho đất làm đường, làm cầu và bà con có đường đi rất vui
Với suy nghĩ mộc mạc, chân thành của mình; ông Kim Ra chia sẻ: đi chùa, làm phước và làm đường, làm cầu là điều mà đồng bào Phật tử luôn hướng đến. Bây giờ có được cây cầu này, các hộ xung quanh rất vui nhưng chưa có đường dẫn vào cầu để nối với đường nhựa qua ấp Trà Khúp (cặp kênh Bàu Ha) và Sóc Ruộng, dài khoảng 300m. Vì vậy, gia đình tự nguyện hiến gần 800m2/3.000m2 đất ruộng để cho địa phương làm đường (mặt 03m) dẫn vào cầu.
Nông dân Kim Ra hiến gần 800m2 đất trồng lúa của gia đình để làm đường dẫn vào cầu.
Ông Thạch Bé, người dân sinh sống ở khu vực nội đồng của ấp Sóc Ruộng, xã Ngũ Lạc cho biết: trước năm 2023, gần 20 hộ dân có đất sản xuất ở ngoài đồng của ấp Sóc Ruộng đi lại rất khó khăn, do khu vực này có 01 tuyến kênh (kênh Bàu Ha) và người dân qua lại bằng “cầu khỉ”. Vì vậy, sau khi thu hoạch lúa hay cắt cỏ muốn vận chuyển về nhà phải vác qua cầu khỉ. Sau khi được mạnh thường quân hỗ trợ 200 triệu đồng xây cầu bê tông bắc qua kênh Bàu Ha (dài 21m, ngang 2,5m), người dân xung quanh ở đây tham gia đối ứng bằng cách đóng góp ngày công lao động để xây cầu. Riêng đường dẫn vào cầu được Nhân dân hiến gần 2.000m2 đất làm đường vào cầu; trong đó, hộ ông Kim Ra hiến đất nhiều nhất, còn tham gia ngày công để làm cầu.
Những tấm gương như ông Thạch Canl, Kim Ra… vẫn đang ngày ngày hăng say lao động, tích cực tham gia vào các công việc chung ở địa phương. Những hành động đẹp, những việc làm ý nghĩa của những nông dân Khmer này đã tạo lan tỏa trong cộng đồng, từ đó thay đổi nhận thức cũng như nâng cao trách nhiệm của nông dân trong thời đại mới, góp phần xây dựng và phát triển quê hương huyện Duyên Hải ngày càng giàu mạnh và thực hiện thắng lợi Đại hội Hội Nông dân huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Bài, ảnh: HỮU HuỆ
Thông tin từ Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Trà Vinh, từ ngày 06 - 07/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội nghị biểu dương phụ nữ cao tuổi tiêu biểu toàn quốc trong xây dựng gia đình văn hóa, ấm no, hạnh phúc với sự tham gia của 256 đại biểu của 63 tỉnh, thành trong cả nước.