30/08/2022 07:10
Công nhân Nguyễn Ngọc Thuyền, Công ty TNHH may mặc Leioula Việt Nam (Khu Công nghiệp Long Đức) phát biểu ý kiến tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với công nhân lao động năm 2022 do UBND tỉnh phối hợp với LĐLĐ tỉnh tổ chức vào ngày 19/6/2022.
Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với CNLĐ năm 2022 do UBND tỉnh phối hợp với LĐLĐ tỉnh tổ chức vào tháng 6, có nhiều ý kiến của CNLĐ phản ánh về vấn đề này.
Công nhân Nguyễn Ngọc Thuyền, Công ty TNHH may mặc Leioula Việt Nam (Khu Công nghiệp Long Đức, thành phố Trà Vinh) cho biết: thời gian qua, các nhóm đối tượng “tín dụng đen” mời gọi bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, nhắn tin qua điện thoại… nhiều CNLĐ thiếu hiểu biết đã trở thành nạn nhân, gia đình và bản thân liên tục bị điện thoại, nhắn tin hăm dọa khi chậm trả. Xin hỏi thời gian tới, lãnh đạo tỉnh, ngành chức năng có giải pháp gì để khắc phục, ngăn chặn hoạt động này?
Công nhân Nguyễn Thúy An, Công ty Cổ phần Thủy sản Long Toàn (thị xã Duyên Hải) gửi gắm tâm tư: mong Nhà nước có chính sách tín dụng để hỗ trợ, đầu tư vốn cho người lao động được vay để gia đình tăng gia sản xuất, ổn định thu nhập, đây cũng là cách để hạn chế hoạt động “tín dụng đen” hiện nay.
Tại hội nghị đối thoại, đại diện cơ quan Công an tỉnh, Thiếu tá Lê Minh Trung, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Trà Vinh cho biết: cuối năm 2018, tình hình hoạt động tín dụng đen phức tạp, rầm rộ nhiều nơi trên địa bàn với các hình thức phổ biến như: rải tờ rơi quảng cáo trên một số tuyến đường hoặc dán trên các trụ điện, cây xanh, tường nhà dân với nội dung “cho vay không cần thế chấp”, “cho mượn trả góp”, “cho vay tài chính”…, hình thức cho vay đơn giản chỉ cần giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu, cà vẹt xe… để chiêu dụ, lôi kéo người dân tham gia vay “tín dụng đen”.
Trước tình hình trên, Công an tỉnh báo cáo, tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai, thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường phòng, chống loại tội phạm này. Cụ thể, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, đồng thời, ban hành kế hoạch chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp tổ chức ra quân tháo dỡ, thu gom tờ rơi, tờ gấp, áp-phích, quảng cáo... liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” với mục đích hạn chế việc người dân tiếp cận với hoạt động này.
Tăng cường tuần tra kiểm soát ban đêm, mở nhiều cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Đồng thời, chỉ đạo rà soát các công ty tư vấn, cho thuê tài chính, các đối tượng cho vay lãi nặng để áp dụng đối sách nắm tình hình, xử lý nghiêm vi phạm.
Qua tổ chức phòng ngừa, đấu tranh, từ năm 2021 đến tháng 6/2022, Công an tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương thu gom, tháo gỡ, tiêu hủy hơn 25.870 biển quảng cáo, tờ rơi liên quan đến “tín dụng đen”, xử lý 16 trường hợp vi phạm với số tiền 44 triệu đồng, tổ chức tuyên truyền 572 cuộc, mời giáo dục 183 lượt đối tượng có hoạt động liên quan “tín dụng đen”.
Đáng chú ý, lần đầu tiên Công an tỉnh khởi tố, xử lý 01 vụ, 04 đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự trên địa bàn tỉnh có liên quan đến “tín dụng đen”. Qua đó cho thấy, tình hình hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn cơ bản ổn định, các nhóm, đối tượng hoạt động lén lút, không còn công khai, rầm rộ như trước.
Tuy nhiên gần đây, nhất là thời gian áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, một số nơi nổi lên tình trạng nhóm, đối tượng lợi dụng không gian mạng để chào mời người vay vay tín chấp.
Để vay tiền, người vay phải đồng ý cho phép đối tượng được quyền sử dụng, truy cập danh bạ điện thoại cá nhân hoặc danh sách bạn bè trên các ứng dụng mạng xã hội. Khi người vay không trả tiền đúng hạn hay mất liên lạc thì đối tượng sẽ sử dụng dữ liệu danh bạ này để nhắn tin, gọi điện hăm dọa để khủng bố, đòi nợ người thân, bạn bè người vay cho dù họ không liên quan đến các khoản nợ đó. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, uy tín, danh dự và gây lo lắng cho những người không có nghĩa vụ trả nợ.
Hiện nay, việc điều tra làm rõ các đối tượng này gặp nhiều khó khăn do các đối tượng sử dụng sim không chính chủ, cư trú nhiều nơi, phần lớn là các tỉnh miền Bắc, hoạt động có cơ cấu, tổ chức chặt chẽ, tinh vi khó đấu tranh.
Thiếu tá Lê Minh Trung cho biết, thời gian tới, để phòng, chống hiệu quả hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn, Công an tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai, chuẩn bị tốt các điều kiện để thành lập Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tổ chức hiệu quả các giải pháp phòng, chống đối tượng lợi dụng không gian mạng để hoạt động “tín dụng đen”, phối hợp với các sở ngành liên quan xử lý nghiêm đối tượng vi phạm theo quy định. Tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là trên các trang Zalo của Công an tỉnh, đơn vị, địa phương về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của việc vay vốn dưới hình thức “tín dụng đen”, nhất là vay qua app điện tử… để chủ động phòng ngừa, đấu tranh loại tội phạm này.
Công an tỉnh khuyến cáo hộ gia đình, công nhân, người lao động khi có nhu cầu về vốn nên tìm đến những tổ chức tín dụng chính thống để vay tiền, đảm bảo an toàn; ngoài ra chủ động tuyên truyền, giải thích cho người thân, bạn bè không nên tham gia vay qua các app điện tử, vay hình thức “tín dụng đen”.
Trường hợp gặp tình huống như đã phản ánh thì mọi người cần bình tĩnh xử lý, không để đối tượng thúc giục gây hoảng sợ, chia sẻ vụ việc với những người có uy tín, am hiểu pháp luật để được tư vấn cách giải quyết, đồng thời nhanh chóng thông báo với cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn xử lý, điều cần lưu ý là mọi người không nên chuyển tiền hoặc làm theo các yêu cầu của đối tượng.
Cùng với đó, chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra, mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm gắn với xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn có cơ chế, giải pháp để người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi; có những chính sách, quy định theo hướng mở rộng điều kiện, đối tượng vay, đảm bảo quy trình, thủ tục nhanh, gọn để khuyến khích người dân, hộ gia đình, công nhân, người lao động thuận tiện tham gia, hạn chế huy động vốn thông qua hình thức vay “tín dụng đen”.
Bài, ảnh: KIM LOAN
Trong tháng 4, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Đã tổ chức 312 cuộc tuyên truyền, có hơn 25.000 lượt người nghe, dự. Nội dung tuyên truyền về các quy định của pháp luật trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), những lỗi vi phạm thường gặp, nguyên nhân và hậu quả tai nạn, các quy tắc đảm bảo giao thông an toàn, tác hại của việc điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có nồng độ cồn... Nhìn chung, lực lượng CSGT có thường xuyên đổi mới phương pháp, chọn lọc nội dung phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền.