02/04/2024 13:22
Tiến sĩ Tăng Văn Thòn trong một buổi giảng dạy ngôn ngữ Khmer tại Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn (Trường Đại học Trà Vinh).
Hành trình “gieo” tiếng mẹ đẻ của người thầy Khmer
Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn (thuộc Trường Đại học Trà Vinh) được Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia đào tạo nhân lực về Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ.
Tiến sĩ Tăng Văn Thòn, giảng viên Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn (thuộc Trường Đại học Trà Vinh); Sinh năm 1982, thầy Thòn xuất thân trong một gia đình trung nông ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh - địa phương có đồng bào Khmer chiếm trên 60% dân số huyện. Cha mẹ cùng là người Khmer nên từ nhỏ, thầy thường xuyên được nghe tiếng nói của dân tộc mình.
Tuy nhiên, niềm đam mê với ngôn ngữ này chính thức bắt đầu khi cậu bé Tăng Văn Thòn học hết THCS, vào chùa Mé Láng, thị trấn Định An (huyện Trà Cú) để tu học theo phong tục của đồng bào Khmer. Tại đây, được các vị sư trong chùa truyền dạy học tiếng nói, chữ viết Khmer, dần say mê rồi ấp ủ ước mơ trở thành thầy giáo để “gieo” tiếng mẹ đẻ cho thế hệ sau. Từ đó ông bắt đầu kiên trì với hành trình đi tìm tri thức.
Sau khi hoàn thành Chương trình Trung cấp Pali Khmer (thuộc hệ thống Giáo dục của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh), ông hoàn tục, trở về học tiếp THPT, cao đẳng, đại học. Năm 2013, với thành tích học tập tốt, sau khi tốt nghiệp Đại học ngành Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Trường Đại học Trà Vinh, ông được nhà trường giữ lại làm chuyên viên Ban Giới và Dân tộc. Chính môi trường này đã giúp cậu thiếu niên Khmer ngày nào có cơ hội học tiếp và cập bến bờ tri thức, hiện thực hóa ước mơ sau hành trình dài kiên trì, bền bỉ đi tìm con chữ.
Đến tháng 7/2023, ông Thòn đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Vương quốc Campuchia theo chương trình học bổng diện Hiệp định giữa hai quốc gia Việt Nam và Campuchia, hoàn thành trước 4 tháng so với kế hoạch và trở về Trường tiếp tục sự nghiệp gieo niềm đam mê ngôn ngữ Khmer.
Tiến sĩ Tăng Văn Thòn chia sẻ, tính đến nay, ông đã tham gia 9 khóa đào tạo bộ môn ngôn ngữ Khmer, với khoảng 200 sinh viên chính quy và 300 sinh viên vừa học vừa làm. Nhiều em đã tốt nghiệp và công tác tại cơ quan các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều em đã tiếp nối hành trình “gieo” chữ mẹ đẻ cho thế hệ sau, có em trở thành phiên dịch viên cho các Công ty ở nước ngoài… Từ năm 2020, Tiến sĩ Tăng Văn Thòn đảm nhiệm thêm chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số - tiếng Khmer.
Tích cực bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer
Tại Trà Vinh hiện nay, việc dạy ngôn ngữ mẹ đẻ cho đồng bào Khmer rất phổ biến. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh Nguyễn Thị Bạch Vân cho biết, ngành giáo dục và đào tạo địa phương đã đưa chương trình dạy chữ Khmer vào các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Bình quân mỗi năm học, toàn tỉnh có trên 100 cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức dạy chữ Khmer với hơn 800 lớp và 19.000 học sinh học. Riêng năm học 2023 - 2024, tỉnh có 125 trường học dạy tiếng Khmer cho gần 36.000 học sinh; trong đó, cấp tiểu học có 80 trường, trung học cơ sở 41 trường và trung học phổ thông 4 trường.
Bên cạnh đó, địa phương còn tổ chức các lớp bổ túc văn hóa tiếng Khmer tại các điểm chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Các lớp học này do các vị sư và Achar (người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số) thông thạo tiếng Khmer đảm nhiệm công tác giảng dạy. Hơn 10 năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho trên 2.000 vị Sư và Achar để phục vụ tốt công tác giảng dạy. Những người dạy học tiếng Khmer tại các điểm chùa Phật giáo Nam tông Khmer trong tỉnh hiện nay được hỗ trợ 35.000 đồng/tiết học.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình cho biết: Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; trong đó có ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Là địa phương có đông đồng bào Khmer, Trà Vinh luôn chú trọng vấn đề này. Tỉnh thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, Nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với việc dạy học tiếng Khmer; quyền lợi và trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị tiếng nói, chữ viết của dân tộc Khmer.
Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy tiếng Khmer; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tiếng Khmer.
Tỉnh Trà Vinh hiện có 160 trường Tiểu học, 101 trường Trung học cơ sở, 35 trường Trung học phổ thông, 09 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, 01 trường Trung cấp Pali Khmer, 01 trường Thực hành sư phạm (trực thuộc Trường Đại học Trà Vinh). Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ sở giáo dục phổ thông cấp tiểu học đủ điều kiện tổ chức dạy tiếng Khmer; 45% giáo viên dạy tiếng Khmer đạt chuẩn đào tạo theo quy định. Đến năm 2030, tổ chức dạy học tiếng Khmer tại 100% cơ sở, giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở đủ điều kiện; 100% giáo viên dạy tiếng Khmer đạt chuẩn đào tạo theo quy định.
Không chỉ góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị ngôn ngữ dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh còn giúp tình đoàn kết của hai dân tộc Kinh - Khmer ngày càng được thắt chặt, là tiền đề để địa phương phát huy sức mạnh nội lực xây dựng quê hương Trà Vinh ngày càng giàu đẹp.
Bài, ảnh: THANH HÒA
Cầu nông thôn ấp Cái Già Bến dài 25m, rộng 03m, tổng kinh phí 200 triệu đồng; trong đó, đơn vị tài trợ 180 triệu đồng, địa phương vận động Nhân dân đối ứng 20 triệu đồng.