23/08/2024 08:54
Ông Trương Văn Điều và nhà nghiên cứu Trần Phong Quang trước di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Minh Đức Cung.
Theo nhà nghiên cứu Trần Phong Quang (tác giả sách Vu Lan Thắng Hội và hoạt động SHAMAN giáo ở chùa ông Bổn Cầu Kè - Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh): các cung thờ ông Bổn đều sở hữu những kiến trúc đa dạng và đặc sắc với những lối thiết kế đậm chất nghệ thuật phương Đông mà không nơi nào có được. Các hoạt tiết trong chạm khắc trang trí ở các bức phù điêu, câu đối, tượng… là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật rất cao, đó là sự kết hợp hài hòa với hội họa và chạm khắc mang sắc thái văn hóa của Trung Hoa.
Đặc biệt, Minh Đức Cung là công trình kiến trúc đặc sắc duy nhất của người Hoa còn lại trong tỉnh Trà Vinh, các chi tiết nội thất được đánh giá là một kiệt tác nghệ thuật bằng gỗ được chạm khắc mà hình thái nghệ thuật đạt đến đỉnh cao.
Có thể nói vai trò của cộng đồng người Hoa Cầu Kè cũng như cộng đồng các dân tộc anh em (Kinh - Khmer) chung tay phát huy truyền thống cộng đồng làng xã gắn bó, thân thương thông qua các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Từ đó, làm đa dạng, phong phú cho tinh thần đoàn kết trong hoạt động tín ngưỡng tôn giáo điển hình như tín ngưỡng thờ ông Bổn trong cộng đồng người Hoa cùng chung sống trên vùng đất Cầu Kè.
Nói về hoạt động tín ngưỡng của người Hoa thông qua Lễ hội Vu lan Thắng hội hàng năm, đồng chí Thạch Buôl Nát, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Cầu Kè cho biết: hoạt động lễ hội đã góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, duy trì và phát triển các phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào người Hoa trên địa bàn theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với sự phát triển của xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn, từng bước đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của các tầng lớp Nhân dân. Qua Lễ hội, giúp huyện Cầu Kè quảng bá hình ảnh, con người, phong tục tập quán, các giá trị văn hóa của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là tiền đề thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương.
Hoạt động tín ngưỡng trong chuỗi sự kiện Vu lan Thắng hội năm 2023 tại Vạn Niên Phong Cung.
Ngày 29/01/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 410/QĐ-BVHTTDL công nhận Minh Đức Cung là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Minh Đức Cung được xây dựng cách nay hơn 200 năm. Lúc mới xây dựng ngôi chùa đơn sơ, đến năm 1885 thì tiến hành tu bổ quy mô, kiên cố và có kiểu dáng kiến trúc được giữ nguyên đến nay.
Ông Trương Văn Điều, Trưởng Ban quản trị Minh Đức Cung (xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè) cho biết: cá nhân được cộng đồng người Hoa tín nhiệm giao quản lý Minh Đức Cung từ năm 1981 đến nay. Theo lời kể của các cụ lớn tuổi cũng như các vật kiến trúc còn bảo tồn tại đây cho thấy, Minh Đức Cung có tuổi đời hơn 270 năm và qua nhiều lần trùng tu; lần trùng tu gần nhất là năm 2013, gồm tiền điện và trung điện.
Cũng theo ông Trương Văn Điều, tại Minh Đức Cung vẫn còn lưu giữ bức hoành phi đại tự chạm bốn chữ “Cộng Đăng Nhân Thọ” (cùng chung hưởng sự ban nhận nhân đức, sống lâu) và 02 bảng câu đối phía tiền điện: “Phước lộc thiện khánh truyền thiên cổ - Đức kiến các lập bố vạn phương” có tuổi đời hàng trăm năm cùng với bao thăng trầm.
Qua các lần trùng tu, Minh Đức Cung ngày nay, vẫn giữ những nét nguyên bản ban đầu; với 03 phần không gian (tiền điện, trung điện và chánh điện). Hệ thống thờ tự ở Minh Đức Cung không thay đổi, gồm các vị thần thánh như: Bổn Đầu Công (ông Bổn), Néak-ta, Thần Nông Đại Đế, Quan Âm Bồ Tát, Bổn Cung Cố Viên Chi Vị, Tiền Hiền - Hậu Hiền, Thanh Long, Bạch Hổ, Thiên Công (ông Thiên), Thụ Thần (thần Cây).
Thông qua các nguồn quỹ đóng góp và sự chung tay từ các mạnh thường quân, nhà hảo tâm luôn đồng hành cùng với Ban quản trị chùa trong thực hiện duy tu, bảo quản việc thờ tự ở Minh Đức Cung khá tốt, có sự phối hợp chặt với chính quyền địa phương...
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2024, cùng với những hoạt động nổi bật về chuyên môn, công tác chăm lo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVCLĐ) của Công đoàn cơ sở (CĐCS) Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã để lại dấu ấn với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.