11/06/2024 08:08
Bên cạnh đặt bả chuột, nông dân ở ấp Đại Trường, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần còn bảo vệ lúa bằng cách bao lưới không cho chuột vào.
Nông dân chật vật diệt chuột…
Ông Kim Nguôl, ngụ ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần cho biết: gia đình có 0,2ha lúa, khi trời tối (khoảng 19 giờ), chuột từ trong ruộng của gia đình từ 10 - 20 con/đêm. Mặc dù đã đặt bẫy, bả thuốc diệt chuột… nhưng không hiệu quả. Sau khi diệt khoảng vài con chuột là không còn chuột vào ăn bả nữa; số chuột cắn phá trên ruộng cũng nhiều hơn. Riêng trong hơn 20 ngày từ khi xuống giống đến ngày 31/5, gia đình có hơn 200m2 lúa non bị chuột cắn phá; diện tích lúa bị chuột cắn phá tập trung nhiều nhất là những điểm đất gò, khô nước.
Hiện trên địa bàn huyện Tiểu Cần có 9.600/10.170ha lúa hè - thu đã xuống giống; chủ yếu lúa trong giai đoạn mạ. Theo đồng chí Võ Quang Cường, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần: đối với diện tích lúa hè - thu đang có ngoài đồng đều bị chuột cắn phá, với các mức độ khác nhau. Trước tình hình trên, huyện cũng đang triển khai xây dựng kế hoạch “diệt chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt” theo Quyết định số 870/QĐ-UBND, ngày 22/5/2024 của UBND tỉnh Trà Vinh.
Nói về tình hình chuột cắn phá lúa của gia đình và các hộ xung quanh, ông Nguyễn Văn Thu, Ấp 1, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè cho biết: gia đình có 0,45ha đất trồng lúa; hiện trà lúa hè - thu được gần 30 ngày. Do chuột ngày càng nhiều, thường xuất hiện ngoài ruộng để cắn phá lúa vào thời gian sau 19 giờ và từ 02 - 03 giờ. Trong vụ lúa hè - thu, gia đình đã sử dụng các hình thức như đặt bẫy, dùng thuốc diệt chuột, đào hang và giăng lưới… từ đầu vụ lúa hè - thu đến nay đã diệt gần 300 con chuột.
Ông Trần Văn Chung, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài (ấp Ô Tre Lớn, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành) cho biết: hiện nay, các hình thức diệt chuột chỉ có hiệu quả ở những ngày đầu. Do tập quán chuột khá “thông minh”, nên sau đó, nông dân đặt bẫy hay đánh bả chuột đạt hiệu quả rất thấp. Trước nạn chuột cắn phá, nhiều hộ phải giăng lưới mùng, bạt ni-lông xung quanh ruộng lúa để không cho chuột vào ruộng cắn lúa…
Vườn, ruộng đan xen - nơi trú ẩn “lý tưởng” của chuột
Ông Sơn Sa Rết, ấp Đại Trường, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần cho biết: hiện nay, xung quanh các ruộng lúa thường có các khu vườn dừa, vườn cây ăn trái nằm đan xen. Nên việc xử lý, bắt chuột rất khó do ban ngày, chuột trú ẩn trong các khu vườn; ban đêm ra đồng cắn phá lúa. Đây là nơi trú ẩn “lý tưởng” của chuột và thường làm ổ, hang trong các khu vườn, bờ bao. Người trồng lúa rất sợ chuột, do khả năng sinh đẻ ở chuột rất nhanh và tính tinh khôn của chuột.
Bà Thạch Huyền, Ấp 1, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè cho biết: gia đình có hơn 1,2ha lúa nhưng do nằm sát với khu vườn cam già cỗi, chủ vườn cam không chăm sóc, bỏ cây dại mọc um tùm đã tạo điều kiện cho chuột trú ẩn. Để hạn chế chuột từ vườn xuống ruộng cắn lúa, gia đình phải dùng lưới bao bọc xung quanh chân vườn, với chiều dài gần 150m.
Cũng theo ông Kim Nguôl, trước đây chuột rất sợ người do nhà nào ở nông thôn cũng nuôi vài con chó và vài con mèo; đây là đối tượng mà chuột rất sợ. Riêng gia đình cũng có tới 03 con chó và 02 con mèo; hễ thấy chuột ở trên cây hay chạng vạn ló đầu ra là bị chó, mèo rượt bắt. Nhưng từ khi có tình trạng trộm chó, mèo… gia đình bị bắt mất không còn chó, mèo nào hết; từ đó chuột cũng xuất hiện nhiều hơn.
Triển khai đồng bộ các giải pháp diệt chuột
Để bảo vệ sản xuất nông nghiệp trước tình hình chuột xuất hiện ngày càng nhiều gây hại trong sản xuất nông nghiệp; việc triển khai các biện pháp diệt chuột đơn lẻ ở từng hộ nông dân mang lại hiệu quả cao.
Tiến sĩ Hồ Văn Chiến, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam cho biết: chuột tăng đàn rất nhanh và chỉ trong thời gian ngắn, phạm vi hoạt động của chuột rất rộng. Ngoài ra, do chuột là loài gặm nhấm và tinh khôn, thường chỉ sử dụng bả diệt chuột trong một thời gian ngắn, sau đó tính hiệu quả của bả không còn, do chuột nhát bả (ngừng ăn). Do khả năng chuột di chuyển rất xa; cần tổ chức làm bẫy chuột cộng đồng hay bẫy cây trồng; phải thực hiện phòng, chống chuột gây hại ngay từ đầu ở giai đoạn chuẩn bị vào vụ sản xuất.
Cách làm: Chuẩn bị khoảng 1.000m2 đất nằm giữa khu vực sản xuất, sẽ có khả năng bảo vệ cho khoảng 50ha; thời gian làm bẫy chuột cộng đồng là trước lúc gieo sạ đồng loạt của cánh đồng khoảng 15 ngày.
Xung quanh khu đất 1.000m2 cho đào 01 con mương chạy quanh khu đất và đắp các đường vào phía trong khu đất đi qua mương (khoảng 04 đường vào ở 04 hướng); phía ngoài khu đất giáp với mương nước cho dựng hàng rào bằng ni-lông, có độ cao khoảng 01m. Những bờ đắp qua mương sẽ làm đường dẫn dụ chuột vào, phía cuối đường cho đặt bẫy là 02 cái hom. Lúc này, lúa ở phía trong khu ruộng chọn làm bẫy chuột đã nẩy mầm và kích thích dẫn đường cho chuột đến tìm thức ăn. Hàng ngày, các hộ dân trong khu vực sẽ đi thăm bẫy và bắt chuột, mô hình bẫy chuột cộng đồng đòi hỏi nhiều hộ sản xuất cùng tham gia mới phát huy hiệu quả.
Ngày 22/5/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Hoàng ký Quyết định số 870/QĐ-UBND về việc phê duyêt Kế hoạch diệt chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết: trong Kế hoạch, xác định công tác diệt chuột là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Tổ chức các đợt diệt chuột tập trung trên địa bản các huyện, thị xã, thành phố đúng thời điểm chuột chưa vào mùa sinh sản và giai đoạn chuyển tiếp giữa các mùa vụ sản xuất trong năm.
Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức, phát động phong trào diệt chuột, tổ chức các tổ, nhóm diệt chuột cộng đồng theo các đợt “diệt chuột tập trung” vào thời gian chuột chưa sinh sản, trước và sau các vụ sản xuất.
Triển khai 02 đợt diệt chuột tập trung/vụ, diệt được ít nhất 03 triệu con chuột/năm. Từng bước xây dựng và nhân rộng mô hình diệt chuột bằng các loại bẫy chuột tại các địa phương có nhiều diện tích sản xuất xen canh, chuyển đổi sang sản xuất đa canh...
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Qua 100 năm kể từ khi cây dừa sáp đầu tiên của Việt Nam bén rễ ở vùng đất Cầu Kè, loại dừa độc đáo này đã khẳng định được vị thế, trở thành “ông hoàng” đặc sản của tỉnh, cho giá trị kinh tế rất cao so với các loại cây trồng khác. Nhờ đặc tính kén thổ nhưỡng và hiếm quả, rất khó cho quả sáp ở những vùng đất khác, nên Trà Vinh được mệnh danh là “thủ phủ dừa sáp”. Với tiềm năng, thế mạnh đó, tỉnh đang tập trung nâng cấp chuỗi giá trị dừa sáp để ngành hàng này phát triển bền vững.