19/02/2023 11:27
Công nhân Công ty Cổ phần Thủy sản Thông Thuận Trà Vinh (Phường 2, thị xã Duyên Hải) trong giờ lao động.
Năm 2022, tỉnh phát triển 518 DN; môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng và thân thiện; thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong hoạt động DN ngày càng hiệu quả và được cộng đồng DN đón nhận; DN thực hiện giao dịch qua mạng đạt 68%; đăng ký qua mạng tiếp tục được các DN lựa chọn, đạt trên 70,64%, tăng 16,87% so với cùng kỳ. Tỷ trọng vốn bình quân đạt 11 tỷ đồng/DN. Thời gian xử lý trung bình đối với đăng ký mới 0,74 ngày, đăng ký thay đổi 0,58 ngày, nhanh hơn 0,09 so với cùng kỳ. Hiện toàn tỉnh có 3.748 DN đang hoạt động (có 43 DN FDI), số vốn gần 57 ngàn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 84.000 lao động. Cũng trong năm 2022, cấp đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh, vốn và các thay đổi khác 1.103 DN và đơn vị trực thuộc, vốn bổ sung 4.611 tỷ đồng.
Với đội ngũ DN hiện có, năm 2022 tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 29.725 tỷ đồng, đạt 106,79% kế hoạch. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo phục hồi nhanh, tăng 18,28%, hầu hết các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo đều đạt kế hoạch và tăng khá so với cùng kỳ, như: sản xuất túi xách các loại tăng gấp 03 lần; giày da gấp 2,4 lần; may mặc tăng 38,97%; đường kết tăng 37,7%; thuốc viên các loại tăng 25,12%; thảm dệt các loại tăng 22,05%; bộ truyền dẫn điện dùng trong ô-tô tăng 23,5%...). Đối với công nghiệp khai khoáng, tăng 27,11%; công nghiệp cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,2%.
Nhằm tạo điều kiện để DN hoạt động hiệu quả, năm 2022, công tác khuyến công, hỗ trợ cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm, được DN đón nhận; đã nghiệm thu 09 đề án hỗ trợ ứng dụng thiết bị trong sản xuất, tổng vốn đầu tư 3,06 tỷ đồng. Tư vấn đăng ký gia hạn nhãn hiệu độc quyền, cập nhật thông tin mã vạch cho 03 cơ sở sản xuất địa bàn huyện Cầu Ngang và thành phố Trà Vinh (cơ sở bánh tét Cô Vui, ấp Giữa, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang; sản phẩm đông trùng hạ thảo của Trung tâm Nghiên cứu khoa học và sản xuất, dịch vụ (CSP), số 105, đường Kiên Thị Nhẫn, Khóm 1, Phường 7; hộ kinh doanh Giang Minh Quang, sản xuất mì sợi, số 727, Trần Phú, Khóm 4, Phường 7, cùng thành phố Trà Vinh).
Riêng lĩnh vực thương mại - dịch vụ, cộng đồng DN trong tỉnh đã có nhiều đóng góp tích cực; các hoạt động dịch vụ, giao thương, lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí... phục hồi nhanh. Năm 2022, tỉnh chỉ đạo hướng dẫn, hỗ trợ các DN, siêu thị, cửa hàng tiện lợi hưởng ứng nhiều sự kiện: tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022 - Vietnam Grand Sale 2022; ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2022; tuần lễ thương hiệu quốc gia chào mừng ngày Thương hiệu Việt Nam… tổ chức nhiều hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản: tổ chức hội chợ triển lãm thương mại sản phẩm công nghiệp nông thôn - OCOP Trà Vinh năm 2022; hội chợ Xúc tiến thương mại và công nghiệp nông thôn gắn với Lễ hội Ok-Om-Bok tỉnh Trà Vinh năm 2022, đưa nhiều phiên chợ hàng Việt về nông thôn.
Đồng thời, thực hiện hỗ trợ kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm cho 120 cơ sở, DN tham gia hội chợ tại tỉnh Ninh Thuận, Gia Lai và lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX tại thành phố Cần Thơ; hỗ trợ 24 đơn vị tham gia xây dựng, cập nhật gian hàng trực tuyến trên các Sàn thương mại điện tử... Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 ước đạt 48.129 tỷ đồng, đạt 130,95% kế hoạch, tăng 53,15% so với cùng kỳ.
Tại họp mặt DN đầu năm 2023, đồng chí Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: DN hoạt động hiệu quả cần có sự hợp tác từ các cấp, các ngành, địa phương; trong đó, tiếp tục thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ, thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất để các DN mạnh dạn đầu tư và hoạt động hiệu quả. Tổ chức triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách, các nhóm giải pháp và hành động hỗ trợ DN nhỏ phục hồi, phát triển; giải quyết những khó khăn của DN thỏa đáng, nhất là những kiến nghị, đề xuất, để DN hoạt động ngày càng ổn định. Song song đó, tỉnh sẽ quan tâm phục hồi các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, tổ chức kết nối và hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh; chú ý hỗ trợ DN đầu tư có hàm lượng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao phù hợp với quy hoạch, tiềm năng và có sức lan tỏa cao cho phát triển kinh tế của tỉnh. |
Năm 2023, năm giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2021 - 2025); tỉnh sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức tập trung chỉ đạo toàn diện, nỗ lực thực hiện đạt 23 chỉ tiêu mà nghị quyết đề ra; trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,75% (có nhiệt điện) và 7,5% (không nhiệt điện); GRDP bình quân đạt 75,96 triệu đồng/người/năm (có nhiệt điện) và 62,04 triệu đồng/người/năm (không nhiệt điện); tỉ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong GRDP đạt 70,58% (có nhiệt điện), 63,98% (không nhiệt điện); phát triển mới 520 DN; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 32.000 tỉ đồng; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 69,3%; tỉ lệ hộ nghèo giảm 0,5%; huyện Trà Cú đạt chuẩn nông thôn mới…
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Qua đánh giá cho thấy, chi phí sản xuất vụ lúa thu - đông 2024 giảm 13% (tương đương giảm 3,2 triệu đồng/ha); năng suất trong mô hình đạt 7,3 tấn/ha; lợi nhuận của mô hình tăng thêm 16% so với ngoài mô hình. Giảm lượng khí phát thải từ 20 - 30% so bên ngoài mô hình.