18/09/2024 09:29
Bà Nguyễn Thị Hồng (bên trái) bó rau hẹ cung cấp thương lái.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Hiệp Mỹ Tây cho biết: trên cơ sở đánh giá toàn diện thực trạng, tiềm năng nguồn lực kinh tế đặc biệt việc xây dựng quy hoạch, đề án phù hợp với tình hình thực tế của xã và tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, bộ mặt nông thôn thay đổi, đời sống Nhân dân được cải thiện.
Tuy nhiên, hiện xã đang gặp khó về củng cố và nâng chất các tiêu chí như: y tế, thu nhập, môi trường. Nguyên nhân do một số hộ đi làm ăn xa và mức lương cơ sở tăng từ ngày 01/7/2024 kéo theo mức mua bảo hiểm y tế (BHYT) tăng nên địa phương khó vận động người dân tham gia BHYT. Mặt khác, kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nguồn thu nhập chính của Nhân dân chủ yếu tập trung từ nuôi thủy sản, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng màu, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình.
Thời gian gần đây, giá nông sản, thủy sản, chăn nuôi giảm mạnh, trong khi chi phí đầu vào tăng cao làm giảm lợi nhuận, vừa ảnh hưởng đến tiêu chí thu nhập, vừa ảnh hưởng đến việc vận động người dân tham gia BHYT. Do đó, xã tập trung tăng cường rà soát những hộ có mức thu nhập trung bình theo Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND, ngày 09/11/2020 của HĐND tỉnh Trà Vinh quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025 để hướng hỗ trợ giúp người dân tích cực tham gia BHYT.
Đối với tiêu chí thu nhập, xã luôn quan tâm chăm lo việc phát triển kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật nuôi bò sinh sản, trồng màu, nuôi lươn không bùn, nuôi cua giúp người dân nâng cao quy trình sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả cao, hạn chế rủi ro, tăng thu nhập, nhưng do ảnh hưởng thị trường, giá mặt hàng nông sản, thủy sản, chăn nuôi giảm nên đời sống của người dân gặp khó khăn. Mặc dù sản phẩm cua thịt và rau hẹ trên địa bàn xã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, tuy nhiên thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá bán không ổn định, nên chưa mở rộng diện tích, nhất là sản phẩm rau hẹ.
Đến thăm gia đình bà Huỳnh Thị Thúy Vân, ấp Mỹ Quí, xã Hiệp Mỹ Tây là một trong những hộ có thâm niên trồng rau hẹ gần 04 năm nay và sản phẩm đã được công nhận OCOP 3 sao. Do đầu ra bấp bênh, chưa liên kết đầu ra ổn định nên còn khó khăn về khâu tiêu thụ, phần lớn cung cấp cho thương lái nhỏ lẻ. Với diện tích 0,3ha rau hẹ trồng hiện nay đang cho thu hoạch trung bình từ 50 - 150kg/ngày, giá bán 15.000 đồng/kg, tiền thuê nhân công lặt hẹ 3.000 đồng/kg và trừ chi phí phân thuốc bảo vệ thực vật lợi nhuận đạt 10.000 đồng/kg.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng (mẹ của Huỳnh Thị Thúy Vân), rau hẹ từ khi trồng cho đến thu hoạch khoảng 2,5 tháng. Thời gian thu hoạch mỗi ngày liên tiếp khoảng 04 - 05 tháng rau hẹ cho năng suất thấp. Sau đó, người trồng sẽ cải tạo đất trồng lại giống hẹ mới. Trồng rau hẹ, thời gian chăm sóc dài, nếu được liên kết đầu ra ổn định và có giá bán từ 20.000 đồng/kg trở lên người dân đạt lợi nhuận cao và có hướng mở rộng diện tích.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Sơn, đối với tiêu chí thu nhập, thời gian tới, xã tiếp tục hỗ trợ vốn theo chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, giảm nghèo bền vững cho 104 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đầu tư vào nuôi bò sinh sản với trên 1,7 tỷ đồng, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập của người dân. Đồng thời, xã khảo sát tổ chức tập huấn và phát động người dân nuôi thủy sản theo hướng tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao chất lượng con tôm để nâng giá trị đầu ra cho người dân. Qua khảo sát, từ đầu năm 2024 đến nay trên địa bàn xã có 11 hộ đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Về tiêu chí môi trường, mặc dù định kỳ hàng tuần xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp với các ấp ra quân thu dọn vệ sinh rác thải, phát quang bụi rậm, khai thông cống rãnh trên các tuyến kênh, đảm bảo thông thoáng, sạch đẹp. Đến nay, xã có 1.360/2.142 hộ cải tạo vườn, chỉnh trang cắt tỉa lại hàng rào cây xanh không gây cản trở giao thông, không có hiện tượng xả nước thải, chất thải rắn không đúng quy định, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường; hệ thống điện thắp sáng hiện có 11 tuyến đường; 13 tuyến đường hoa,… đảm bảo môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp.
Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn xã qua hệ thống cấp nước tập trung 1.201/2.142 hộ, đạt 56,07%. Hiện xã còn một tuyến đường nông thôn của ấp Giồng Dài, người dân nơi đây chưa có nước sạch sử dụng, thời gian tới, xã tập trung chỉ đạo các ngành đoàn thể phối hợp với các ấp vận động người dân tham gia ra quân thực hiện vệ sinh môi trường.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Bình Phú là 01 trong 03 xã của huyện Càng Long có đông đồng bào Khmer; có 10 ấp, với 3.884 hộ, dân số 14.645 người; trong đó, hộ dân tộc Khmer 1.037 hộ, chiếm 26,71% dân số, tập trung ở 03 ấp Nguyệt Lãng A, Nguyệt Lãng B và Nguyệt Lãng C. Phần lớn hộ dân tộc Khmer sồng bằng nghề sản xuất nông nghiệp.