04/10/2024 03:58
Hương lộ 16, đoạn thuộc ấp Bàu Sơn, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành được xây dựng thông thoáng, sạch, đẹp.
Đa Lộc là xã có đông đồng bào Khmer, chiếm 73,59% so tổng số hộ. Xã có 08/08 ấp văn hóa - nông thôn mới (VH-NTM), có 3.356/3.590 hộ đạt chuẩn gia đình VH-NTM, đạt 93,48%, có tổng số 14.981 nhân khẩu. Diện tích tự nhiên 3.621,62ha, trong đó, đất nông nghiệp là 3.245,62ha, chiếm 89,6%; người dân địa phương chủ yếu sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp.
Với sự đồng thuận, thống nhất của toàn Đảng bộ và Nhân dân trong xã, cấp ủy Đảng, chính quyền xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp là trọng tâm. Với quyết tâm cao, chủ động triển khai chương trình theo đúng hướng và lồng ghép nhiều chương trình, dự án để thực hiện, góp phần nâng cao các tiêu chí NTM. Những năm qua, kết cấu hạ tầng được trên quan tâm đầu tư xây dựng phục vụ sản xuất ngày càng tốt hơn, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc; kinh tế - xã hội không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện.
Đồng chí Đồng Ngọc Tú, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xã Đa Lộc cho biết: các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. Với sự đồng thuận đóng góp các nguồn lực từ Nhân dân trong xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo cảnh quan, môi trường, tập trung phát triển kinh tế, Nhân dân tích cực tham gia XDNTM, đời sống Nhân dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn không ngừng khởi sắc.
Đảng ủy, UBND xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vận động Nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với kinh tế hợp tác. Thực hiện đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn. Duy trì hoạt động Hợp tác xã nông nghiệp Đa Lộc với mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đảm bảo bền vững. Xã được cấp giấy xác nhận cấp mã số vùng trồng nguyên liệu lúa chất lượng cao, diện tích 57,75ha, của 41 hộ, ấp Thanh Trì A.
Đồng chí Thạch Thành, Bí thư Chi bộ ấp Thanh Trì A cho biết: từ hiệu quả trên, hiện nay, xã đang chỉ đạo ấp thực hiện sản xuất 150ha lúa chất lượng cao của Đề án “Phát triển bền vững 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2024; hiện ấp vận động nông dân tham gia thực hiện mô hình.
Được biết, huyện Châu Thành tham gia mô hình với 1.288ha, thực hiện tại 07 xã. Trong đó, xã Đa Lộc thực hiện với diện tích lớn nhất là 300ha (ấp Thanh Trì A 150ha; ấp Thanh Trì B 150ha).
Đến ấp Hương Phụ B, chúng tôi đến thăm gia đình nông dân Thái Khemera, là thành viên tổ hợp tác trồng 1,5ha dừa Mã Lai, với vườn dừa 05 năm, gia đình Khemera có thu nhập từ dừa được 2,5 năm nay. Ông Thái Khemera phấn khởi cho biết, trồng dừa nhẹ công chăm sóc, nhưng thu nhập cao hơn trồng sen, trồng lúa rất nhiều. Trong năm, từ tháng 01 đến tháng 6, vườn dừa của gia đình cho thu nhập mỗi ngày khoảng 01 triệu đồng. Những tháng còn lại thì thu nhập ích hơn. Bên cạnh, gia đình cũng thu nhập thêm từ các loại rau đồng (bông súng, lá dứa, cá, ốc...) trong vườn mỗi ngày khoảng 01 triệu đồng (những tháng thu nhập thấp trên 500.000 đồng/ngày).
Xã thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP dừa Mã Lai tại ấp Hương Phụ B. Có 02 sản phẩm đạt OCOP 3 sao (bánh tét Cô Hường và bánh tết Cô Hường 2), có thực hiện truy xuất nguồn gốc. Tổ khuyến nông cộng đồng 17 thành viên hoạt động hiệu quả.
Đồng chí Huỳnh Sa Rươne, Trưởng ban Nhân dân ấp Hương Phụ B cho biết, ấp xây dựng đưa vào hoat động Tổ kinh tế hợp tác trồng dừa Mã Lai, với 05 thành viên, diện tích 4,8ha đạt chuẩn VietGAP. Mô hình phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho thành viên.
Đảng bộ, chính quyền luôn quan tâm chăm lo phát triển kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đào tạo nghề, mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, giúp người dân nắm vững quy trình đưa vào sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả cao, hạn chế rủi ro, tăng thu nhập cho gia đình. Các ngành, đoàn thể phát triển xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế, như: nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo; tiết kiệm, tín dụng của Hội Liên hiệp phụ nữ... góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho người dân. UBND xã phối hợp các tổ chức đoàn thể triển khai và nhân rộng mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm đáng kể. Hiện, toàn xã còn 85 hộ nghèo, chiếm 2,37% và 113 hộ cận nghèo, chiếm 3,15% so tổng số hộ (trong này, có 78 hộ nghèo, cận nghèo không có khả năng lao động); thu nhập bình quân đầu người năm 2023, đạt 58,16 triệu đồng/năm.
Hàng năm, địa phương phối hơp với ngành chuyên môn thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Tiêm vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm trên đàn gia súc, gia cầm. Bên cạnh, địa phương phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn. Hiện, xã có 128 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và 399 cơ sở thương mại - dịch vụ, giải quyết việc làm ổn định cho lao động tại địa phương.
Đồng chí Đồng Ngọc Tú cho biết thêm: để giữ vững danh hiệu xã NTM, xã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân thấy được mục đích, ý nghĩa, quyền và trách nhiệm của mình cùng với Đảng, chính quyền chung tay XDNTM, nâng cao các tiêu chí xã NTM.
Từng bước chuyển lao động nông nghiệp có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 95% lao động trong độ tuổi. Quan tâm công tác đào tạo nghề; thát triển các mô hình kinh tế gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững; tập trung các giải pháp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, đặc biệt là nguồn nguyên liệu, lao động, ngành nghề nông thôn, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn gắn với XDNTM bền vững. Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đến cuối năm 2024 xuống còn dưới 03%.
Bài, ảnh: HUỲNH NỔI
Mục tiêu XDNTM hướng đến là nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Với ý nghĩa đó, hơn 13 năm triển khai XDNTM, tỉnh Trà Vinh luôn nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp Nhân dân, trong đó có đồng bào Khmer. Thông qua các nguồn vốn đầu tư của Trung ương và địa phương đã góp phần thay áo mới ở địa phương có hơn 31,5% đồng bào Khmer sinh sống. Những ngày này, hòa chung niềm vui khi Trà Vinh là tỉnh đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, khắp phum sóc, đồng bào Khmer cũng đang hân hoan nhìn lại những đổi thay tích cực từ Chương trình mục tiêu quốc gia mang lại.