16/09/2024 07:12
Bà Kim Thị Sa Yên (bên trái) phân loại rác thải nhựa.
Tại xã Long Đức, thành phố Trà Vinh tình hình thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn xã khoảng 12,5 tấn/ngày. Số hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt để xử lý với 4.490 hộ, với 12,2 tấn/ngày, được thu gom theo Hợp đồng số 1002/2022/DVCI, ngày 30/12/2022 giữa Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Trà Vinh và Công ty Cổ phần Công trình đô thị Trà Vinh. Chất thải rắn sinh hoạt được vận chuyển về Nhà máy xử lý rác sinh hoạt Trà Vinh tại ấp Sâm Bua, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành để xử lý (bằng công nghệ đốt) theo Hợp đồng số 310/HĐKT, ngày 27/4/2023 giữa Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Trà Vinh với Công ty Kỹ thuật công nghiệp năng lượng môi trường Việt Nam.
Đối với các hộ ở các khu vực xa tuyến đường chính chưa bố trí thùng rác và chưa có xe thu gom rác đến thu gom, có 964 hộ tập trung ở ấp Long Trị, Sa Bình, Công Thiện Hùng, lượng rác khoảng 0,3 tấn/ngày, người dân thực hiện xử lý chất thải sinh hoạt theo hướng dẫn của các đoàn thể xã và ban nhân dân các ấp bằng cách phân loại rác tại nguồn, phân loại, ủ phân hữu cơ trong khuôn viên đất tại gia đình. Không đốt rác ngoài trời gây ô nhiễm môi trường, không để xảy ra tình trạng vứt, thải bừa bãi ra môi trường sông, hồ, kênh, rạch,…
Theo đồng chí Tạ Văn Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Long Đức: đối với mô hình phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, việc tổ chức triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phát sinh từ hộ gia đình được người dân trong xã bố trí 02 thùng rác tại hộ gia đình để phân loại rác thải vô cơ và hữu cơ, có 2.836/5.454 hộ thực hiện. Đồng thời, Đoàn thanh niên xã có mô hình “phân loại rác thải tại nguồn” tại ấp Long Đại có 34 hộ tham gia; Hội Cựu chiến binh xã có mô hình “Câu lạc bộ môi trường” tại 12 ấp, có 625 thành viên; Hội Liên hiệp phụ nữ với mô hình “Câu lạc bộ phụ nữ tự phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình”, mô hình “Câu lạc bộ phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần”, “câu lạc bộ biến rác thải nhựa thành tiền” với 225 thành viên tham gia.
Đối với mô hình tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp: xã có 01 mô hình tái chế chất thải hưu cơ ủ phân composit với 258 hộ tham gia, lượng phân được xử lý khoảng 25 tấn/năm và 01 mô hình tái chế phụ phẩm nông nghiệp từ tơ xơ dừa tại ấp Công Thiện Hùng với 07 thành viên tham gia.
Tại địa bàn xã Bình Phú, để triển khai hiệu quả thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, xã huy động sự vào cuộc của các ngành đoàn thể hướng dẫn hội viên, đoàn viên và người dân cách phân loại và xử lý chất thải rắn tại hộ gia đình. Đồng thời, phân công cụ thể đối từng cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên có trách nhiệm, nghĩa vụ trong phân loại chất thải rắn tại nguồn. Nhờ đó, đến nay người dân trong xã từng bước nâng cao nhận thức và bước đầu thay đổi hành động trong giữ gìn vệ sinh môi trường, từ đó góp phần tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, thúc đẩy quá trình XDNTM nâng cao.
Bà Sơn Thị Sa Mít, ấp Nguyệt Lãng A, xã Bình Phú cho biết: trước đây người dân trong xã có thói quen bỏ rác lẫn lộn, sau đó được địa phương tuyên truyền vận động cách thức phân loại rác và ủ phân hữu cơ tại nhà nên góp phần bảo vệ môi trường sống, cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Hàng ngày, bà phân loại rác thành 02 hoặc 03 loại. Đối với rác như vỏ chai nhựa bà thu và bán cho cơ sở thu mua phế liệu; loại rác như rau, củ, quả ủ vào thùng nhựa lớn thành phân hữu cơ bón cây ăn trái như nhãn, xoài; các loại rác khó phân hủy như túi ni-lông gia đình có hố rác đốt tự hủy. Nhờ học hỏi được phương pháp ủ phân hữu cơ nên những năm gần đây giảm chi phí đầu tư phân bón vào cây ăn trái, lợi nhuận tăng thêm.
Bà Kim Thị Sa Yên, ngụ cùng ấp cho biết thêm: được cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ tập huấn, hướng dẫn phương pháp phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình và duy trì thường xuyên nên hàng năm gia đình giảm 30 - 50% chi phí đầu tư phân bón cho cây trồng, nhất là cách phân loại rác hữu cơ ủ thành phân dùng tưới cây và bón phân cho cây dừa, cây sơ ri, còn giải quyết vấn đề môi trường tại địa phương.
Đồng chí Nguyễn Thị Kiều Trang, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bình Phú cho biết: từ năm 2022 đến nay, Hội đã thành lập 04 mô hình phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình với 100 thành viên tham gia tập trung ở ấp Nguyệt Lãng A, Nguyệt Lãng B, Nguyệt Lãng C và Phú Đức.
Sau khi thành lập, Hội tổ chức tập huấn và phân công cán bộ chi, tổ hội phụ trách và chịu trách nhiệm hướng dẫn người dân cách phân loại và xử lý rác thải vô cơ và hữu cơ. Đồng thời, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện hỗ trợ gần 200 thùng, sọt đựng rác cho các hộ để thuận lợi phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh. Hàng năm xã hỗ trợ 03 sọt rác cho 02 ấp thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thực hiện tốt công tác phân loại chất thải rác sinh hoạt tại nguồn và thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đúng theo quy định;
Xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại, mô hình thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với tình hình thực tế của địa phương đảm bảo công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Trong 09 tháng năm 2024, huyện Cầu Kè tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân và đã thực hiện hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết năm 2024.