03/09/2024 10:19
Mô hình trồng sen lấy ngó của nông dân Lý Thị Ngọc Minh, Khóm 3, Phường 9, TPTV.
Thực hiện các nghị quyết của Trung ương, chương trình hành động của Tỉnh ủy, Thành ủy về nông nghiệp - nông dân - nông thôn, trong đó có Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW, ngày 05/8/2019 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về đẩy mạnh xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, Hội Nông dân Phường 9 đã tích cực xây dựng, phát động và triển khai thực hiện nhiều phong trào, mô hình trong hội viên, nông dân. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, XDNTM.
Cùng đồng chí Nguyễn Phạm Hoàng Vũ, Chủ tịch Hội Nông dân Phường 9, TPTV và đồng chí Nguyễn Huy Vũ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Phường 9, TPTV đến thăm mô hình trồng sen lấy ngó của chị Lý Thị Ngọc Minh, Khóm 3, Phường 9. Đồng chí Nguyễn Huy Vũ nói với tôi: mô hình này hiện đang phát huy hiệu quả tích cực, ít vốn đầu tư, ít công chăm sóc mà lại có thu nhập gần như quanh năm (trừ 02, 03 tháng, từ khoảng tháng 3 đến tháng 5 hằng năm, khi có nước mặn xâm nhập, độ mặn cao, thì sen mới ngưng cho ngó). Giá bán ngó sen nhiều năm qua cũng khá ổn định. Do vậy, nhiều nông dân Phường 9 đã mạnh dạn chuyển từ ruộng lúa canh tác kém hiệu quả sang trồng sen lấy ngó, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong đó có gia đình chị Lý Thị Ngọc Minh.
Với 10 công đất trồng sen lấy ngó, chị Ngọc Minh chia sẻ: thấy có hiệu quả nên gia đình tôi dần mở rộng diện tích. Hiện nay, tôi có tới 10 công đất chuyên trồng sen. Thường thì 01 ngày thu hoạch, 01 ngày nghỉ, mỗi lần thu hoạch khoảng từ 40 - 50kg ngó, giá bán bình quân hiện nay khoảng 40.000 đồng/kg. Vì được số lượng tương đối nhiều nên thương lái đến tại nhà thu mua, tôi không phải ngồi chợ bán lẻ như trước đây. Cuộc sống gia đình tôi bây giờ “khỏe lắm”.
Đó mới thấy mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác đã dần phát huy hiệu quả. 05 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 04 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, với tiêu chí “5 cùng” (cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi), đồng chí Nguyễn Phạm Hoàng Vũ cho biết: Hội Nông dân Phường 9 đã vận động xây dựng mới 06 chi hội nghề nghiệp, nâng tổng số đến nay toàn phường 13 chi hội nghề nghiệp. Riêng mô hình trồng sen lấy ngó, Phường 9 hiện có 11 hộ với hơn 05ha đất trồng sen.
Với tiêu chí “5 cùng”, Phường 9 còn có nhiều mô hình chi hội nông dân nghề nghiệp cũng đang hoạt động hiệu quả như: mô hình “Trồng màu an toàn kết hợp chăn nuôi bò sinh sản tạo phân vi sinh”, “Trồng sen lấy ngó gắn với nuôi trồng thủy sản và phát triển dịch vụ kinh doanh tham quan ăn uống” tại Khóm 3; mô hình “Nuôi bò sinh sản”, “Nuôi ếch thịt - ếch sinh sản” tại Khóm 5; mô hình “Trồng táo hồng trong nhà lưới” tại Khóm 9... Các tổ hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả như Tổ Hội nông dân trồng lúa, Tổ Hội nông dân trồng dừa, Tổ Hội nông dân nuôi gà thịt...
Thông qua các mô hình chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội Nông dân nghề nghiệp, Hội Nông dân Phường 9 đã tranh thủ với Hội cấp trên và phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, chuyển giao khoa học - kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho các chi hội trưởng, tổ trưởng tổ hội nông dân nghề nghiệp, cho hội viên, nông dân để áp dụng vào thực tế sản xuất, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân Phường 9 đã phối hợp tổ chức 08 cuộc tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật (có 156 lượt hội viên, nông dân tham dự). Các lớp tập huấn chủ yếu về trồng rau an toàn, trồng rau an toàn theo hướng hữu cơ, quản lý dịch hại trên cây trồng, vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp...
Cùng với đó là các hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, đã phối hợp triển khai mô hình trồng rau an toàn kết hợp với tiêu thụ sản phẩm, liên kết đầu vào, đầu ra cho 22 hộ nông dân (trồng 07ha các loại rau an toàn). Bình quân, thu hoạch khoảng 1,5 tấn rau/ngày. Giá bán hiện tại dao động từ 6.000 - 8.000 đồng/kg. Nông dân rất an tâm canh tác và có thu nhập ổn định.
Hiện nay, Hội Nông dân Phường 9 tiếp tục vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Đã thành lập 01 tổ kinh tế hợp tác “Trồng màu kết hợp nuôi bò sinh sản, tạo phân hữu cơ vi sinh” tại Khóm 9, được Hội Nông dân TPTV đầu tư vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân với số tiền 200 triệu đồng cho 07 hộ thành viên vay. Vận động nông dân tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường, đóng góp quỹ đất, hoa màu, cây ăn trái thực hiện các công trình xây dựng trên địa bàn, như: bờ bao liên Khóm 3 và Khóm 4 cập sông Long Bình; thu gom rác tại các khóm và cập các bờ kênh, bờ sông Long Bình; ra quân vệ sinh đồng ruộng, kênh mương, thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, phát quang bụi rậm... góp phần nâng cao ý thức của hội viên, nông dân - sản xuất hiệu quả và cũng phải đảm bảo vệ sinh môi trường.
Bài, ảnh: HÀ THANH
Huyện Trà Cú hiện có 64 trường từ bậc mầm non đến THPT, 01 Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp dạy nghề. Từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, cơ sở vật chất đầu tư cho giáo dục được quan tâm, quy mô trường, lớp được sắp xếp theo hướng tinh gọn, chất lượng giáo dục trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện được củng cố và nâng lên, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.