• Tiếng Việt
  • ភាសាខ្មែរ
Thứ Hai, ngày 07/07/2025
Báo Trà Vinh
Báo Trà Vinh
  • Thời sự
  • Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao
  • An ninh - Quốc phòng
  • Pháp luật - Bạn đọc
  • Quốc tế
  • Thông Tin - Dịch Vụ - Việc Làm

Kinh tế Xây dựng nông thôn mới

Bài 3: Trà Cú tập trung chuyển đổi cây trồng “ứng phó” xâm nhập mặn

Trà Cú tập trung chuyển đổi cây trồng “ứng phó” xâm nhập mặn

05/02/2020 08:46

Do điều kiện phụ thuộc vào nguồn nước tiếp ngọt từ các kênh như Trà Ngoa (huyện Cầu Kè), kênh Thống Nhất (huyện Tiểu Cần), do đó, trong sản xuất nông nghiệp ở Trà Cú luôn bị đọng khi vào mùa khô (từ tháng 01 đến tháng 5 hàng năm). Những năm thuận lợi (mặn ít xâm nhập sâu lên phía Sông Hậu) thì nguồn tiếp ngọt phục vụ trong sản xuất cơ bản đáp ứng, tuy nhiên, trước tình hình diễn biến xâm nhập mặn trong tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020 đã gây nhiều khó khăn trong tiếp ngọt, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn nước trên các tuyến kênh trục do đóng cống…

Nông dân Trầm Lan. Ảnh: HH

Từ khó khăn trên, huyện Trà Cú đã triển khai nhiều giải pháp trong sản xuất. Trong đó, tập trung chuyển đổi hoặc ngừng canh tác những diện tích lúa vụ đông-xuân do nằm xa kênh trục, không chủ động nguồn nước bơm tát, chuyển sang trồng các cây màu phù hợp với biến đổi khí hậu. Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Văn Đồng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Trà Cú cho biết: Hiện nay, huyện gặp khó khăn khi giảm diện tích lúa đông-xuân trước tình hình khô hạn, xâm nhập mặn. Do nông dân có tập quán sản xuất vụ đông-xuân cũng như liên tiếp 03 năm qua không xuất hiện mặn, thiếu nước. Việc chuyển đổi diện tích lúa sang màu hay cắt vụ lúa đông - xuân tại một số địa phương rất khó khăn. Cùng với đó, khi có diện tích chuyển sang trồng màu khá lớn sẽ gặp khó đầu ra; cộng với đó là một số vùng chưa có điện, nông dân không thể sử dụng giếng khoan để trồng màu… Dự kiến diện tích màu năm nay sẽ tăng cao hơn so với cùng kỳ 2019, từ chuyển đổi sản xuất.
Hàng năm, diện tích trồng màu của huyện Trà Cú ước trên 6.000ha, trong này vụ màu mùa khô khoảng 4.000ha, tập trung nhiều ở các xã: Tân Sơn, thế mạnh về cây dưa leo; Hàm Giang, cây bí đỏ; Đại An, mô hình trồng môn; Ngọc Biên với các loại màu như đậu phộng, ớt… Thu nhập từ trồng màu tương đối cao, từ 120 - 150 triệu đồng/ha/năm. Tại xã Hàm Giang, địa phương có truyền thống trồng màu mùa khô khá lớn, diện tích xuống giống hàng năm khoảng 750-800ha (diện tích màu năm 2019 trên 1.124ha). Theo ông Lâm Qui, Chủ tịch UBND xã Hàm Giang, thực hiện chỉ đạo của huyện về giảm diện tích sản xuất vụ lúa đông-xuân để chuyển sang màu hay các cây trồng khác, xã có khoảng 340ha. Hiện nay, các ấp đang vận động, tuyên truyền cho nông dân biết tình hình xâm nhập mặn, thiếu nước trong sản xuất lúa để chủ động chuyển đổi hoặc cắt vụ. 

Ông Lý Thành Dân với sản phẩm bí non được trồng liên kết trong nông dân ở  vụ màu mùa khô 2019-2020. Ảnh: HH

Nhằm đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất diện tích 9.000ha sản xuất lúa vụ đông-xuân năm 2019 - 2020 và đầu vụ hè - thu năm 2020 khoảng 14.700ha, huyện Trà Cú triển khai các nhiệm vụ và giải pháp như đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình thủy lợi để đưa vào khai thác, sử dụng nhằm tăng cường khả năng ứng phó diễn biến hạn hán và xâm nhập mặn, tăng khả năng trữ nước ngọt phục vụ sản xuất. Tiến hành đóng triệt các cống đầu mối khi độ mặn từ 01‰ trở lên tại vàm Bắc Trang; vận hành hợp lý các cống đầu mối đến nội đồng theo hướng tích trữ nước ngọt, đảm bảo mực nước ngọt đệm trong nội đồng phải đạt cao trình ≥ +0.5m (tại cống Trà Cú), để đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất tiết kiệm theo yêu cầu thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực, từng cánh đồng. Trong trường hợp mực nước ngọt đệm trong nội đồng dưới cao trình <+0.5m (tại cống Trà Cú) khi không còn nguồn nước để tiếp, việc lấy nước ngọt tưới cho sản xuất gặp nhiều khó khăn; nhất là tại các địa phương có địa hình cao, kênh cấp III không còn nước để tưới cho lúa- màu. Theo đó, Trà Cú có khoảng 575ha, cần bơm tát chuyền từ kênh cấp II sang kênh cấp III để tạo nguồn nước cho dân tự bơm tát lên ruộng lúa, không để cho lúa bị chết khô.
Để “bắt tay” cùng nông dân hưởng ứng việc cắt giảm sản xuất vụ lúa, chuyển sang trồng màu nhằm tránh các thiệt hại do xâm nhập mặn; Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hàm Giang đã liên kết với nhiều hộ trồng màu và thực hiện thu mua sản phẩm cho nông dân. Ông Lý Thành Dân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Hàm Giang cho biết: Hiện HTX có 50 thành viên, với diện tích 40ha đang liên kết trồng và thu mua sản phẩm các loại màu (trừ rau muống và cải xà lách). Nhìn chung, khi thông qua HTX, các hộ trồng màu an tâm vì đầu ra tương đối ổn định, như mô hình trồng bí siêu bông và bí non…cho thu nhập trên 259 triệu đồng/vụ/ha.
Với diện tích được HTX triển khai trong vụ màu mùa khô là 03ha, giống bí non (thu hoạch bông và trái), thời gian từ lúc trồng đến thu hoạch bông khoảng 30 ngày; thời gian thu bông bí kéo dài 20-25 ngày. Sau khi bông bí giảm năng suất, người trồng chuyển sang để trái. Nông dân Sơn Ngọc Thái, ấp Nhuệ Tứ A, xã Hàm Giang, cho biết: Gia đình mới trồng vụ đầu tiên trên diện tích 0,2ha; đã thu hoạch 07 tấn trái với giá 6.000 - 7.000 đồng/kg và 1,2 tấn bông bí, giá 10.000 đồng/kg. Tổng thu nhập trên 70 triệu đồng, trong đó chi phí khoảng 15 triệu đồng. Trồng bí lấy bông và trái non cho thu nhập rất cao và phù hợp với những diện tích chuyển từ lúa sang.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang trồng màu mặc dù có thu nhập cao, nhưng diện tích để liên kết bao tiêu còn quá ít so với diện tích trồng màu chung của xã Hàm Giang. Nông dân Trầm Lan, ấp Trà Tro chia sẻ: Gia đình có 1,1ha đất trồng lúa, vụ thu-đông đạt năng suất trên 5,5 tấn. Ở vụ đông-xuân 2019-2020, gia đình được địa phương khuyến cáo không sản xuất lúa vì khó khăn về nguồn nước ngọt và xâm nhập mặn. Do diện tích đất nằm xa nhà, không có điện để bơm tưới và thiếu lao động nên khó chuyển sang trồng màu; buộc phải cắt bỏ vụ và chờ xuống giống vụ hè-thu 2020.

HỮU HUỆ

TIN CÙNG MỤC

Phụ nữ huyện Duyên Hải tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới

Duy trì, nhân rộng mô hình kinh tế hay, hiệu quả

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh và kế hoạch của Huyện ủy Cầu Ngang về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW và chuyên đề hàng năm, nhiều cán bộ, đảng viên đã phát huy vai trò nêu gương, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, thực hiện “nói đi đôi với làm”... góp phần đạt kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh...

  • Xã Hòa Minh nâng cao ý thức bảo vệ môi trường
  • Xã Đại An đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục
  • Công bố Quyết định công nhận xã Long Vĩnh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục năm 2024
  • Xã Tân Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Tin Nổi Bật

Lời chia tay!

Trao quyết định về sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất đơn vị hành chính xã, phường

TRÀ VINH - Hào khí lịch sử, khát vọng vươn xa

Thành phố Trà Vinh - những hình ảnh từ góc nhìn trên cao

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long mới gồm 83 đồng chí

Đồng chí Ngô Chí Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long

Long trọng Lễ công bố Nghị quyết, Quyết định về sáp nhập tỉnh Vĩnh Long

Trực tiếp lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập tỉnh, thành phố

  • Thời sự
  • Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao
  • An ninh - Quốc phòng
  • Pháp luật - Bạn đọc
  • Quốc tế
  • Thông Tin - Dịch Vụ - Việc Làm
  • Cơ quan chủ quản: TỈNH ỦY TRÀ VINH
  • Tổng Biên tập: TRẦN VĂN PHƯƠNG,
  • Phó Tổng biên tập: SƠN HÙNG
  • Tòa soạn: Số 17 Lê Lợi, Phường 1, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
  • Điện thoại: 02943.852549;  Fax: 02943.852638
  • Email: phongbandocbtv@gmail.com
  • © 2020 Bản quyền thuộc về Báo Trà Vinh
  • Liên hệ quảng cáo: 02943.852549;  Fax: 02943.852638
  • Giấy phép số 454/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông, cấp ngày 20/7/2021.
  • Chỉ được sao chép, phát hành lại thông tin từ website này khi có sự đồng ý bằng văn bản của Báo.