• Tiếng Việt
  • ភាសាខ្មែរ
Chủ Nhật, ngày 11/05/2025
Báo Trà Vinh
Báo Trà Vinh
Báo Trà Vinh
  • Thời sự
  • Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao
  • An ninh - Quốc phòng
  • Pháp luật - Bạn đọc
  • Quốc tế
  • Thông Tin - Dịch Vụ - Việc Làm

Trang chủ Xã hội

Rộn ràng đón Tết

26/01/2022 09:59

Như vậy là chúng ta đang bước vào những ngày cuối của năm Tân Sửu 2021. Trong không khí người người, nhà nhà đang nô nức chuẩn bị đón chào năm mới - Xuân Nhâm Dần 2022, nhiều hoạt động cũng đang tất bật, rộn ràng phục vụ cho “ba ngày Tết”.

 

Bài 1: Làng nghề dệt chiếu xã Hàm Tân những ngày giáp Tết

Trước thềm năm mới 2022 âm lịch, chúng tôi về làng nghề dệt chiếu xã Hàm Tân, huyện Trà Cú tìm lại sản phẩm truyền thống của làng nghề, một trong những sản phẩm luôn có mặt trên thị trường những ngày Tết đến, Xuân về.

Dệt chiếu là công việc hàng ngày được bà Trần Thị Mét (bên phải) thực hiện.

 

Nghề dệt chiếu xã Hàm Tân, huyện Trà Cú trải qua hàng trăm năm với hình thức cha truyền con nối. Cuối năm 2014, nghề dệt chiếu ở Hàm Tân được UBND tỉnh Trà Vinh công nhận làng nghề. Tuy được công nhận làng nghề nhưng sản phẩm làm ra chủ yếu cung ứng tiêu dùng trong tỉnh thông qua mối lái bán lẻ. Đến nay làng nghề này vẫn chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, nên người làm nghề gặp không ít khó khăn. Trang thiết bị, công cụ sản xuất hạn chế, số hộ dệt chiếu có xu hướng giảm, hầu hết người dân làng nghề dệt chiếu thủ công, chỉ có 04 hộ dệt máy với 07 chiếc. Hiện nay, người dân Hàm Tân còn dệt chiếu tập trung ở ấp Chợ, Cà Hom và Bến Bạ với 95 hộ (giảm khoảng 50% so với trước đây), trong đó, 58 hộ dệt thường xuyên và 37 hộ dệt theo thời vụ.

Người dân làng nghề sản xuất các sản phẩm chiếu trắng, chiếu hoa, chiếu nhấn chữ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của gia đình, lễ hội và sản xuất các mặt hàng chiếu dùng trong bệnh viện, chiếu trải ghế dài, thảm lót sàn, thảm ốp tường… với đa dạng về nguyên liệu và kích thước sản phẩm (0,5m, 01m, 1,2m, 1,4m và 1,6m…).

Tuy số hộ dân còn duy trì nghề dệt chiếu không nhiều, nhưng những ngày cận tết Nguyên đán, người dân làng nghề cũng gấp rút, hối hả hơn. Từng đôi tay khéo léo dệt những chiếc chiếu mới phục vụ thị trường những ngày Tết đến gần như cũng nhanh nhẹn hơn ngày thường. Đặc biệt, khoảng 02 tháng trước tết Nguyên đán là thời điểm làng nghề dệt chiếu Hàm Tân nhộn nhịp nhất trong năm. Bên cạnh, sản phẩm chiếu trắng được dệt hàng ngày, nhiều hộ tập trung làm nhiều sản phẩm chiếu hoa phục vụ thị trường Tết.

Bà Trần Thị Mét, ấp Bến Bạ cho biết: khu vực này, nhiều hộ theo nghề dệt chiếu từ mấy chục năm trước, chị em tôi biết đi cắt lác, dệt chiếu khi chỉ khoảng 10 tuổi, hàng ngày, tôi phụ dệt chiếu với mẹ, đến nay, tôi gần 60 tuổi rồi, mẹ 80 tuổi vẫn ngồi dệt chiếu cùng tôi. Cứ sáng sớm là những người làm nghề trong ấp đem lác ra dệt đến khoảng 10 giờ là xong một đôi chiếu. Do đầu ra không nhiều nên mỗi ngày chỉ dệt một đôi, những ngày gần Tết như thời điểm này mới làm nhiều hơn.

Những sợi lác được cắt, chẻ, phơi khô, nhuộm màu, kết thành chiếc chiếu hoa với họa tiết tinh xảo, bắt mắt, nhiều nhà đều cần mỗi dịp Tết đến. Hiện nay, giá mỗi đôi chiếu hoa đặt hàng từ 220.000 - 260.000 đồng, loại “bình dân” hơn có giá khoảng 160.000 đồng/đôi. Bình quân mỗi ngày gia đình có 02 người dệt được một đôi chiếu hoa khổ 1,6 x 02m, trừ chi phí lợi nhuận được khoảng 120.000 đồng.

Sản phẩm chiếu hoa Hàm Tân được nhiều người tiêu dùng biết đến và có mặt ở nhiều nơi. Tuy thị trường tiêu thụ không nhiều nhưng người theo nghề dệt chiếu truyền thống tại làng nghề vẫn duy trì và giúp người dân có cuộc sống ổn định, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giàu từ nghề dệt chiếu.

Ông Tăng Duy Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Tân cho biết: làng nghề dệt chiếu xã Hàm Tân tuy không phát triển nổi bật nhưng vẫn duy trì hoạt động, giúp người dân có thu nhập ổn định hàng ngày, nhất là những hộ có đầu ra nhiều và hộ tự trồng lác để dệt. Nhờ đó, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã, nhất là mỗi dịp tết Nguyên đán và lễ, Tết của đồng bào Khmer. Một vài hộ mở rộng đầu ra, nâng cao quy mô sản xuất, đầu tư máy dệt chiếu, mua nguyên liệu lác từ nơi khác về phục vụ dệt chiếu, đạt mức thu nhập cao.

Tết là thời điểm mà khách hàng đặt mua chiếu với số lượng lớn nên không khí Tết như đã bắt đầu sớm hơn tại vùng nông thôn Hàm Tân. Người dân làng nghề phải chuẩn bị từ tháng 11 để tìm mua nguyên liệu, chẻ lác, phơi, nhuộm lác và dệt chiếu, mọi người tranh thủ làm nhiều hơn để kịp giao sản phẩm cho khách, phục vụ thị trường Tết. Đến Hàm Tân những ngày tháng Chạp, nhà nhà phơi lác tươi, lác nhuộm màu xanh, đỏ, vàng trước sân, công việc của các thợ dệt nơi đây đang diễn ra hối hả, gấp rút để kịp đưa sản phẩm của địa phương phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.

Dưới cái nắng chói chang, bà Lâm Thị Hoa Ri, ấp Cà Hom mang từng bó lác vừa chẻ đem phơi, trên sân nhà, lác tươi, lác khô đều có. Bà Hoa Ri chia sẻ: tôi trồng lác, cắt bán hàng ngày cho những hộ dệt chiếu, thu nhập khoảng 03 triệu đồng/tháng kết hợp làm ruộng thêm để đảm bảo cuộc sống gia đình. Trong ấp, hộ nào có khung thì dệt chiếu, không có thì làm lác, tuy thu nhập không cao nhưng vẫn đảm bảo trang trải sinh hoạt gia đình.

Năm 2021, làng nghề dệt chiếu Hàm Tân sản xuất đạt 49.600 chiếc chiếu các loại, trong đó, dệt máy đạt 16.800 chiếc, dệt thủ công 32.800 chiếc, tổng giá trị từ làng nghề đạt 5,46 tỷ đồng, lợi nhuận gần 2,5 tỷ đồng. Cho thấy sản phẩm chiếu dệt thủ công nhiều hơn gần 02 lần so với dệt máy. Nguồn thu nhập này đã góp phần tạo ra nguồn thu cho người dân nông thôn lúc nông nhàn. Mùa xuân mới đang về, những chiếc chiếu dệt ra từ những đôi bàn tay khéo léo của người thợ dệt lành nghề ở Hàm Tân được thương lái thu gom, đưa đi tiêu thụ các nơi, góp phần mang mùa xuân đến với mọi nhà và góp sức đưa làng nghề truyền thống ngày càng vươn xa.

Bài, ảnh: NGỌC XOÀN

Tin liên quan

Rộn ràng đón Tết - Bài cuối: Niềm vui của người lao động

28/01/2022 10:27

Mừng xuân Nhâm Dần 2022, các cấp công đoàn trên địa bàn huyện Càng Long đã có nhiều hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên và NLĐ, trong đó tập trung ưu tiên những đối tượng hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Rộn ràng đón Tết - Bài 2: Niềm vui từ việc trồng hoa Tết

27/01/2022 10:13

Trồng và chăm sóc hoa kiểng dịp Tết được xem là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều gia đình Việt. Đây cũng là thú vui tao nhã, vừa giúp trang trí nhà cửa, vừa dùng hoa dâng cúng ông bà, tổ tiên trong “03 ngày Tết”.

TIN CÙNG MỤC

30 học sinh đạt giải cao Hội thi viết bài giới thiệu sách

6 nhiệm vụ trọng tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025

Năm 2025, Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước sẽ tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, quyết tâm đến hết ngày 31/10/2025 cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

  • Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Trà Vinh tổ chức Đại lễ Phật đản, Phật lịch 2569
  • Công an Trà Vinh triển khai thu nhận mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính
  • Hội thi Rung chuông vàng tại Trường Dân tộc nội trú THCS huyện Càng Long
  • Trao 22 giải cuộc thi “Hùng biện và kể chuyện bằng tiếng Anh” cấp tiểu học
Tin Nổi Bật

Phát huy hiệu quả mô hình “Tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức phòng ngừa và tố giác tội phạm”

LĐLĐ tỉnh tổ chức Gameshow “Tan ca vui - khỏe” thứ 2

Phòng An ninh chính trị nội bộ phát huy truyền thống, thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

Tuyên truyền những điểm mới về Luật BHXH, Luật BHYT năm 2024 cho ĐVCĐ, CNLĐ

Thông qua ứng dụng VNeID người dân cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013

Khởi sắc xã nông thôn mới kiểu mẫu Phú Cần

30 học sinh đạt giải cao Hội thi viết bài giới thiệu sách

Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Trà Vinh tổ chức Đại lễ Phật đản, Phật lịch 2569

  • Thời sự
  • Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao
  • An ninh - Quốc phòng
  • Pháp luật - Bạn đọc
  • Quốc tế
  • Thông Tin - Dịch Vụ - Việc Làm
  • Cơ quan chủ quản: TỈNH ỦY TRÀ VINH
  • Tổng Biên tập: TRẦN VĂN PHƯƠNG,
  • Phó Tổng biên tập: SƠN HÙNG
  • Tòa soạn: Số 17 Lê Lợi, Phường 1, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
  • Điện thoại: 02943.852549;  Fax: 02943.852638
  • Email: phongbandocbtv@gmail.com
  • © 2020 Bản quyền thuộc về Báo Trà Vinh
  • Liên hệ quảng cáo: 02943.852549;  Fax: 02943.852638
  • Giấy phép số 454/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông, cấp ngày 20/7/2021.
  • Chỉ được sao chép, phát hành lại thông tin từ website này khi có sự đồng ý bằng văn bản của Báo.