• Tiếng Việt
  • ភាសាខ្មែរ
Thứ Sáu, ngày 09/05/2025
Báo Trà Vinh
Báo Trà Vinh
Báo Trà Vinh
  • Thời sự
  • Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao
  • An ninh - Quốc phòng
  • Pháp luật - Bạn đọc
  • Quốc tế
  • Thông Tin - Dịch Vụ - Việc Làm

Trang chủ Văn hóa - Thể thao

Xông đất ngày Tết cổ truyền: Phong tục, ý nghĩa và những lưu ý

30/01/2025 08:17

Trong văn hóa của người Việt, sau thời điểm giao thừa, “xông đất” đầu năm là tục lệ không thể thiếu, trở thành một nét văn hóa đẹp, với mong ước một năm may mắn, thịnh vượng và phúc lộc thọ toàn.

 

Con cháu đến chúc Tết bố mẹ, ông bà.

 

Xông đất (hay còn gọi là đạp đất) là phong tục đã có từ lâu đời của người Việt. Người xưa quan niệm rằng sau thời khắc giao thừa, người đầu tiên đến chúc Tết nếu hợp tuổi với gia chủ thì cả năm đó gia chủ sẽ gặp nhiều điều may mắn, thịnh vượng.

Ngược lại, nếu người đến xông đất khắc tuổi, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống thì cả năm gia chủ sẽ gặp xui rủi. Vì vậy, vào quãng thời gian đầu tiên của năm mới, nhiều gia đình người Việt rất coi trọng phong tục xông đất.

Ý nghĩa của tập tục xông đất

Theo tín ngưỡng của người Việt, Tết Nguyên đán là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, các vị thần linh, ông bà tổ tiên cũng về ăn Tết, phù hộ cho con cháu. Sau thời khắc giao thừa, người đầu tiên đến xông đất kèm theo những lời chúc tốt đẹp có yếu tố quyết định đến sự may mắn trong cả năm đó của gia chủ.

Việc xông đất về bản chất là mang một năng lượng sinh học mới không chỉ cho con người mà còn cho cả đất đai nơi đó. Nguồn năng lượng này đến vào thời khắc giao thừa thì sự hô ứng, tiếp nhận diễn ra càng trọn vẹn, hiệu quả hơn.

Phong tục xông đất đầu năm mới ở mỗi nơi có thể khác nhau về kiểu cách, hình thức nhưng về bản chất giống nhau. Thời gian xông đất được tính từ khi đồng hồ điểm sang ngày mới. Tùy mỗi gia đình, quá trình xông đất có thể diễn ra tự nhiên hoặc có sự chuẩn bị. Đối với trường hợp người đi xông đất được sắp đặt, họ là vị khách đến đầu tiên vào sáng mồng Một Tết, phải có tuổi hợp với chủ nhà và con vật đại diện của năm đó.

Gia chủ sẽ đón tiếp họ vui vẻ, nhiệt tình và nhận những lời chúc tốt đẹp đến với gia đình mình. Thuở trước, những người đi xông đất thường mang theo các món quà ý nghĩa dành cho gia chủ, mang tính chất của sự may mắn như kẹo, bánh, câu đối... Tuy nhiên, thích ứng với sự phát triển của xã hội nên hiện nay người tới xông đất sẽ mang theo những phong bao lì xì màu đỏ mừng tuổi cho gia chủ và những thành viên trong gia đình.

Hiện nay người tới xông đất sẽ mang theo những phong bao lì xì màu đỏ mừng tuổi cho gia chủ và những thành viên trong gia đình.

 

Giá trị của phong bao lì xì không cần cao. Khi lì xì mừng tuổi, vị khách sẽ kèm theo những lời chúc tốt đẹp nhất. Nếu nhà có cha mẹ già, chúc “bách niên giai lão,” “tăng phúc tăng thọ.” Nếu gia chủ là người buôn bán, chúc “buôn may bán đắt,” “làm ăn phát đạt."

Gặp trẻ em, mừng các bé “hay ăn chóng lớn,” “học hành đỗ đạt”... Sau đó, gia chủ cũng lì xì, chúc cho người xông đất những điều may mắn, rồi mời khách thưởng trà, nâng ly rượu đầu Xuân và trò chuyện về những điều tốt đẹp vào năm mới.

Người được gia chủ nhờ đến xông đất thường là người xởi lởi, vô tư, thật thà, ngoại hình dễ nhìn, đặc biệt là gia đình người này không có tang và con cái đông đủ cả trai lẫn gái. Khi đến xông nhà cho gia chủ chỉ nên nói đến những câu chuyện vui vẻ, những điều may mắn. Tránh những câu chuyện buồn của năm cũ và không nhắc đến chuyện đã qua.

Nếu xét trên tổng thể, số gia đình chủ động nhờ người đến xông đất chiếm tỷ lệ thấp hơn so với các gia đình để phong tục này diễn ra một cách tự nhiên. Trường hợp xông đất tự nhiên, gia chủ sẽ không quá khắt khe, người nào vô tình đến xông đất đầu năm cũng đều được đón tiếp nồng hậu và chúc những lời may mắn, an lành. Tuy nhiên trong thực tế, cả năm “thuận buồm xuôi gió” thì không sao, nếu gia chủ làm ăn thất bát, gặp nhiều xui rủi, không thuận lợi trong cuộc sống, công việc thì một số gia đình sẽ đổ lỗi do người xông đất đầu năm mang lại.

Những kiêng kỵ cần lưu ý khi xông đất

Nhiều bậc cao niên cho hay xông đất là phong tục cầu mong may mắn, phúc khí đến cho gia đạo. Do đó, việc xông đất sẽ phải lưu ý một số kiêng kỵ để ý nghĩa xông đất được trọn vẹn.

- Khi đến xông đất không mặc đồ đen, đồ tối màu mà nên mặc các trang phục có các màu sắc tươi tắn như đỏ, hồng, vàng, xanh... với ngụ ý khởi đầu một Năm mới tươi sáng, rực rỡ về mọi phương diện.

- Nhà có tang hoặc năm vừa qua có ốm đau, hoạn nạn nên tránh đến nhà người khác xông đất sớm, sẽ khiến gia chủ không vui. Người xung khắc, kỵ tuổi gia chủ không nên đến xông đất. Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, nhiều phong tục có sự thay đổi cho phù hợp.

- Khi đến xông đất không kể lể chuyện cũ, chuyện buồn.

- Nữ giới, trẻ em nếu không phải gia chủ trực tiếp mời, không nên đến nhà người khác xông đất. Khi đến chúc Tết nên theo thứ tự người nam bước vào nhà trước, người nữ và trẻ em sẽ vào sau.

- Các tuổi kỵ nhau, gia chủ và khách xông nhà cần lưu ý để tránh:

Các tuổi tránh lục xung gồm Dần-Thân, Tý-Ngọ, Thìn-Tuất, Mão-Dậu, Sửu-Mùi, Tỵ-Hợi.

Tránh tam hình, gồm nhất hình: Dần-Tỵ-Thân; nhị hình: Sửu-Tuất -Mùi; tam hình: Mão- Tý.

Tục xông đất tại nhiều miền quê cũng đã nhẹ nhàng hơn, không còn coi nặng về tuổi tác, giới tính của người xông đất như trước. Hiện nay, các gia đình xem việc xông đất là lộc trời cho nên cứ thuận theo tự nhiên, không chuẩn bị người xông đất. Bất kỳ ai đến nhà xông đất đầu năm đều được xem là người mang đến may mắn cho gia chủ và mọi người đều vui vẻ. Trên thực tế, gia chủ hoặc người trong nhà hoàn toàn có thể tự xông đất cho nhà mình.

Để có một Năm mới may mắn và thành công còn phụ thuộc rất lớn vào ý chí, niềm tin cá nhân và sự nỗ lực của chính gia chủ cùng các thành viên trong gia đình trong việc thực hiện các kế hoạch, mục tiêu của mình. Một sự khởi đầu hanh thông sẽ mang lại kết quả tốt đẹp, chỉ cần chúng ta không ngừng cố gắng và không bao giờ bỏ cuộc.

TL (tổng hợp)

 

https://www.vietnamplus.vn/xong-dat-ngay-tet-co-truyen-phong-tuc-y-nghia-va-nhung-luu-y-post1007150.vnp#lg=1&slide=0
  • Tết Nguyên đán Ất Tỵ
TIN CÙNG MỤC

Lễ hội Làng Sen năm 2025 được tổ chức với quy mô quốc gia

Lễ hội Cúng biển Mỹ Long năm 2025 được tổ chức quy mô cấp tỉnh

Chiều ngày 08/5, tại UBND huyện Cầu Ngang, Ban Tổ chức Lễ hội Cúng biển Mỹ Long (Ban Tổ chức) tổ chức cuộc họp đóng góp dự thảo kế hoạch tổ chức Lễ hội Cúng biển Mỹ Long năm 2025.

  • 04 tuyển thủ Việt Nam góp mặt trong đội hình Đông Nam Á đấu Manchester United
  • Khởi tranh Giải Futsal HDbank vô địch quốc gia 2025 giai đoạn hai
  • Đội tuyển futsal nữ Việt Nam thắng kịch tính trận mở màn Vòng chung kết châu Á 2025
  • Việt Nam xếp thứ 07 thế giới về mức tăng trưởng điểm đến
Tin Nổi Bật

Ban CHQS huyện Trà Cú giải Nhất toàn đoàn Hội thi tổ dân quân bắn mục tiêu bay thấp

Đoàn kết, nghĩa tình từ mô hình góp quỹ hỗ trợ đảng viên tại xã Long Toàn

Trà Vinh nỗ lực phát triển kinh tế số

Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ cấp xã tại Đảng bộ huyện Châu Thành

Tiện ích từ ô-tô thư viện lưu động

Liên đoàn Lao động tỉnh tặng 550 phần quà cho công nhân lao động khó khăn tại huyện Trà Cú

Kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm tại huyện Duyên Hải

Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2025: Góp phần chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho ĐVCĐ, CNLĐ

  • Thời sự
  • Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao
  • An ninh - Quốc phòng
  • Pháp luật - Bạn đọc
  • Quốc tế
  • Thông Tin - Dịch Vụ - Việc Làm
  • Cơ quan chủ quản: TỈNH ỦY TRÀ VINH
  • Tổng Biên tập: TRẦN VĂN PHƯƠNG,
  • Phó Tổng biên tập: SƠN HÙNG
  • Tòa soạn: Số 17 Lê Lợi, Phường 1, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
  • Điện thoại: 02943.852549;  Fax: 02943.852638
  • Email: phongbandocbtv@gmail.com
  • © 2020 Bản quyền thuộc về Báo Trà Vinh
  • Liên hệ quảng cáo: 02943.852549;  Fax: 02943.852638
  • Giấy phép số 454/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông, cấp ngày 20/7/2021.
  • Chỉ được sao chép, phát hành lại thông tin từ website này khi có sự đồng ý bằng văn bản của Báo.