13/11/2024 07:34
Nhà báo Sơn Hùng, Phó Tổng biên tập Báo Trà Vinh (bên trái) và Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Trà Vinh Lê Văn Bài (bên phải) tặng hoa chúc mừng NSƯT Thạch Chân nhân buổi giới thiệu tập kịch bản Dù kê “Mối tình Bô Pha - Rạng Xây”. Ảnh: BÁ THI
NSƯT Thạch Chân, sinh năm 1941 tại ấp Thốt Lốt, xã Ngũ Lạc, huyện Cầu Ngang (nay là huyện Duyên Hải), tỉnh Trà Vinh trong một gia đình nông dân Khmer có truyền thống kiên cường, bền bỉ nuôi chứa cán bộ, chiến sĩ cách mạng(1).
Phát huy truyền thống gia đình, Thạch Chân tham gia các hoạt động cách mạng khi vừa 13 tuổi, với vai trò giao liên công khai cho tổ chức Đảng bí mật tại địa phương. Năm 17 tuổi, theo phong tục của đồng bào Khmer, Thạch Chân vào chùa Thốt Lốt (Chùa Lớn) tu học trong hơn 03 năm. Thời gian này, ông được tiếp cận, học tập và trau dồi chữ viết, ngôn ngữ, phong tục, tập quán cũng như các kiến thức khác về văn hóa, văn học nghệ thuật Khmer Nam Bộ. Từ đó, hình thành trong chàng trai trẻ này một hoài bão nghiên cứu ngày một sâu hơn và đưa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình vào thực tiễn đời sống tại địa phương.
Sau thắng lợi cuộc Đồng khởi 14/9/1960, Thạch Chân hoàn tục và chính thức thoát ly gia đình, hoạt động cách mạng, phụ trách công tác thanh niên tại xã Ngũ Lạc (nơi có hơn 65% dân số đồng bào Khmer). Môi trường công tác này đã giúp ông có điều kiện vận dụng những kiến thức về văn hóa dân tộc vào thực tiễn vận động thanh niên và các tầng lớp quần chúng khác cũng như bổ sung những kinh nghiệm thực tiễn cho việc nghiên cứu sâu hơn về văn hóa dân tộc.
Chính vì vậy, đầu năm 1968, khi Ban Tuyên huấn khu Tây Nam Bộ có yêu cầu thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh đã giới thiệu để Khu ủy điều người cán bộ có kiến thức sâu sắc về văn hóa, văn nghệ dân tộc Thạch Chân (lúc này đang là cán bộ Huyện Đoàn Cầu Ngang) về xây dựng và trực tiếp làm Trưởng đoàn Văn công Khmer khu Tây Nam Bộ. Thời gian này, Thạch Chân cùng Đoàn Văn công Khmer Tây Nam Bộ dàn dựng nhiều chương trình, tiết mục, tổ chức lưu diễn khắp các tỉnh phía Nam Sông Hậu, cổ vũ động viên cán bộ, chiến sĩ và đông đảo đồng bào Khmer tích cực tham gia cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Năm 1971, chính quyền và quân đội Sài Gòn đẩy mạnh các hoạt động lấn chiếm, bình định gay gắt làm cho vùng giải phóng trên địa bàn khu Tây Nam Bộ bị thu hẹp. Để phù hợp với thực tế tình hình và cũng để tránh tổn thất lớn có thể xảy ra, Ban Tuyên huấn khu Tây Nam Bộ quyết định giải thể Đoàn Văn công Khmer khu. Từ Ban Tuyên huấn khu, Thạch Chân và một số cán bộ, diễn viên quê Trà Vinh được phân công trở về công tác tại Ban Tuyên huấn và Đoàn Văn công Khmer Ánh Bình Minh, tỉnh Trà Vinh.
Năm 1974, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Trà Vinh phân công Thạch Chân về trực tiếp làm Trưởng Đoàn Văn công Khmer Ánh Bình Minh với nhiệm vụ củng cố, phát triển Đoàn đáp ứng nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Đến năm 1986, Thạch Chân được điều về làm Trưởng phòng Nghiệp vụ, rồi năm 1988 là Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Cửu Long, phụ trách mảng công tác văn hóa dân tộc Khmer, mà trực tiếp là Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh.
Từ khi tỉnh Trà Vinh được tái lập (5/1992) cho đến khi nghỉ hưu (5/2004), Thạch Chân là Phó Giám đốc (giai đoạn 1993 - 1996, là quyền Giám đốc) Sở Văn hóa Thông tin, sau là Sở Văn hóa - Thông tin và Thể thao tỉnh Trà Vinh, phụ trách mảng công tác văn hóa dân tộc, trực tiếp chỉ đạo hoạt động đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh.
Ngay cả sau khi nghỉ hưu cho đến lúc từ giã cõi đời (tháng 10/2024), NSƯT Thạch Chân vẫn được các thế hệ lãnh đạo, diễn viên, nhạc công Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh xem như người anh cả, người cố vấn cao nhất mà họ đặt hết niềm tin yêu để tranh thủ sự tư vấn cũng như học hỏi từ ông những kiến thức uyên thâm về văn hóa, nghệ thuật sân khấu dân tộc và kinh nghiệm lãnh đạo, xây dựng, phát triển Đoàn.
Có thể nói, gần như trọn cuộc đời mình, NSƯT Thạch Chân đã gắn bó, cống hiến cho nghệ thuật sân khấu dân tộc, mà đặc biệt là Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, tỉnh Trà Vinh.
Đúng 30 năm (1974 - 2004), dưới sự lãnh đạo và sự chỉ đạo trực tiếp của Trưởng đoàn, rồi Phó Giám đốc và quyền Giám đốc Sở Thạch Chân, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh không ngừng trưởng thành, thực hiện tốt các chức năng: biểu diễn doanh thu phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của quần chúng; bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật sân khấu Khmer Nam Bộ; đào tạo các thế hệ diễn viên, nhạc công người dân tộc. Trong đó, xem việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc là trọng tâm, là nhiệm vụ chính trị số một. Giải thưởng Hoàng Mai Lưu là phần thưởng ghi nhận sự đóng góp của đoàn trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật dân tộc. Năm 1979, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; năm 1998 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2000 được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đây là đơn vị nghệ thuật duy nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhận được danh hiệu cao quý này. Cá nhân Thạch Chân được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2007.
Năm 1995, quyền Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin và Thể thao Thạch Chân là một trong những nhân vật chủ yếu thiết kế chương trình, chỉ đạo tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa, Thể thao dân tộc Khmer Nam Bộ lần đầu tiên, do Bộ Văn hóa Thông tin giao tỉnh Trà Vinh đăng cai. Sau đó, định kỳ 05 năm, ngày hội đặc biệt này được các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long luân phiên đăng cai như một hoạt động văn hóa quy mô lớn, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy, quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ cả nước và thế giới.
Cũng trong dịp này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin kiêm Chủ tịch Hội Văn hóa dân tộc thiểu số (nay là Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) các dân tộc thiểu số) Việt Nam về Trà Vinh đã phối hợp với quyền Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin và Thể thao kiêm Phó Chủ tịch Hội VHNT Trà Vinh chỉ đạo thành lập Chi hội Văn hóa dân tộc thiểu số (nay là Chi hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam) tại Trà Vinh.
Trong vai trò Phó Chủ tịch kiêm nhiệm của Hội VHNT (nhiệm kỳ 1994 - 2006), ông đã tận tâm chăm lo cho từng bước trưởng thành của Chi hội Văn nghệ Khmer thuộc Hội VHNT Trà Vinh và Chi hội VHNT các dân tộc thiểu số tại Trà Vinh. Với uy tín và những đóng góp quan trọng của mình trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật Khmer Nam Bộ, Thạch Chân được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành (khóa I) và Ban Thường vụ (khóa II) Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ông còn là Ủy viên Ban Chấp hành Liên chi hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tập kịch bản Dù kê “Mối tình Bô Pha - Rạng Xây” của NSƯT Thạch Chân. Ảnh: BÁ THI
Với vai trò người lãnh đạo, NSƯT Thạch Chân dành nhiều thời gian cho công tác quản lý đoàn, chỉ đạo nội dung, chỉ đạo nghệ thuật, chỉnh lý, biên tập, nâng cấp các chương trình tiết mục của Đoàn nên việc sáng tác của ông không nhiều. Tựu trung, ông có 02 vở ca kịch dù kê là “Giữ đền Cô hia” và “Mối tình Bô pha - Rạng xây” nhưng cả hai đều là những dấu ấn quan trọng trong chặng đường phát triển của Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, tỉnh Trà Vinh và cũng là những bước ngoặt làm thay đổi sân khấu dù kê Nam Bộ.
“Giữ đền Cô hia” (được ông sáng tác năm 1974, khi dự trại sáng tác khu Tây Nam Bộ ở Cà Mau) tái hiện sự kiện lịch sử về cuộc đấu tranh “Tản cư Phật” nổi tiếng ở chùa Ô Mịch (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) ghi nhận lần đầu tiên sân khấu dù kê bước ra khỏi thế giới của truyện cổ tích dân gian mà nhân vật là chằn tinh, là thần tiên, công chúa, hoàng tử… để chuyển tải thành công đề tài hiện thực nóng bỏng đấu tranh cách mạng mà nhân vật là những nhà sư, những bà mẹ quê, những chiến sĩ kiên cường… Thành công của Soạn giả Thạch Chân với “Giữ đền Cô hia” khác chi thành công của Soạn giả Viễn Châu trong việc sáng tạo ra bài Tân cổ giao duyên đình đám một thời.
Sau khi đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, NSƯT Thạch Chân nhiều lần dẫn Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh sang nước bạn biểu diễn phục vụ, tận mắt chứng kiến sự hồi sinh và tình cảm của người dân nơi đây dành cho bộ đội tình nguyện Việt Nam. Điều này thôi thúc ông sáng tác vở dù kê “Mối tình Bô pha - Rạng xây”, xoay quanh chuyện tình của cô gái Campuchia và anh bộ đội Việt Nam gốc người Khmer Nam Bộ, từ đó khái quát sự giúp đỡ chí tình của bộ đội Việt Nam với người dân Campuchia. Và, hơn thế, là tình đoàn kết gắn bó giữa hai dân tộc, hai đất nước.
NSƯT Thạch Chân chia sẻ với đại biểu về hoàn cảnh ra đời tác phẩm “Mối tình Bô Pha - Rạng Xây”. Ảnh: BÁ THI
Nếu “Giữ đền Cô hia” giới hạn sự đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn Trà Vinh thì “Mối tình Bô pha - Rạng xây” đã phát triển thành tình đoàn kết mang tính quốc tế, mà đến nay chưa kịch bản sân khấu nào thể hiện được. Chính vì vậy, tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc lần thứ I - 1985 tại Qui Nhơn, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, tỉnh Trà Vinh và “Mối tình Bô pha - Rạng xây” đã mang đến một luồng gió mới, thu hút sự chú ý đến kinh ngạc của ban tổ chức, hội đồng giám khảo, các đoàn bạn và khán giả miền Nam Trung Bộ với nhiều Huy chương Vàng dành cho tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên chính. Tại buổi lễ tổng kết hội diễn vào ngày 15/7/1985, lãnh đạo Bộ Văn hóa Thông tin chính thức công nhận: “Nghệ thuật sân khấu dù kê là một loại hình kịch hát dân tộc nằm trong hệ thống sân khấu truyền thống Việt Nam”(2).
Với những cống hiến xuất sắc của mình, Nhà nghiên cứu Văn hóa Khmer Nam Bộ, NSƯT, Soạn giả Thạch Chân được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
TRẦN DŨNG
(1) Người dì của NSƯT Thạch Chân - bà Thạch Thị Phinh - bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt quả tang khi nuôi chứa các cán bộ quan trọng của Huyện ủy Cầu Ngang, dù bị tra tấn dã man nhưng bà một mực không khai báo. Cuối cùng, chúng đốt nhà và quăng bà vào lửa thiêu sống. Sau ngày hòa bình, bà Thạch Thị Phinh được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
(2) Tư liệu của Nhà nghiên cứu Thạch Mu Ni.
Chiều nay (07/12), lớp tập huấn truyền dạy, bảo tồn nghề thủ công truyền thống các dân tộc thiểu số vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Trà Vinh diễn ra lễ bế mạc, trao giấy chứng nhận cho học viên.