02/09/2024 17:33
Các phi công trình diễn dù lượn ngày 01/9.
Đến với Festival dù lượn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những màn bay dù lượn, biểu diễn độc đáo của 20 phi công dù lượn gắn động cơ bay phối hợp trên không, tạo hình trên không với khói sáng nghệ thuật và hàng trăm phi công (dù lượn không động cơ) cất cánh từ đỉnh đèo Khau Phạ, bay dọc thung lũng Lìm Mông.
Đặc biệt ấn tượng là màn bay kéo cờ Tổ quốc chào mừng Quốc khánh 2/9; màn thi đấu hạ cánh chính xác của các phi công; thi đấu bay cao, bay xa với điểm số dựa trên hệ thống tính điểm quốc tế…
Ngoài ra, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những màn trình diễn dù lượn độc đáo mà còn được trải nghiệm cảm giác ngắm trọn thung lũng Lìm Mông tuyệt đẹp mùa lúa chín bằng cách bay đôi cùng các phi công chuyên nghiệp, có nhiều giờ bay nhất Việt Nam, với cả dù lượn có động cơ và không động cơ.
Điểm xuất phát dù lượn là đỉnh đèo Khau Phạ - đỉnh núi cao nhất trong "tứ đại đỉnh đèo" Tây Bắc, nằm ở độ cao khoảng 1.200m so với mực nước biển. Sự kiện năm nay quy tụ rất nhiều phi công giỏi với những màn trình diễn ấn tượng chắc chắn sẽ là điểm nhấn đặc sắc trong hành trình của du khách đến với Mù Cang Chải.
Festival "Bay trên miền danh thắng - mùa vàng 2024" sẽ kéo dài từ đầu tháng 9 đến hết tháng 10/2024.
Đây là thời điểm Mù Cang Chải vào mùa lúa chín, đẹp nhất trong năm. Những dải lúa óng ánh, rực rỡ sắc vàng trải dài khắp thung lũng. Cảm giác lơ lửng giữa không gian đại ngàn hùng vĩ để thu vào tầm mắt vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang óng vàng tầng tầng, lớp lớp như bắc đến trời cao là những trải nghiệm tuyệt vời đối với mỗi du khách.
Qua nhiều năm tổ chức, Festival "Bay trên miền danh thắng - mùa vàng" năm nay tiếp tục được đầu tư quy mô lớn, dự tính thu hút, chào đón hơn 2.000 lượt khách tới tham dự.
Festival "Bay trên miền danh thắng - mùa vàng 2024" sẽ kéo dài từ đầu tháng 9 đến hết tháng 10/2024.
Trước đó, tối 31/8, huyện Mù Cang Chải cũng đã tổ chức Hội thi nghệ thuật quần chúng chào mừng Tết Độc lập và các hoạt động văn hóa, thể thao chào mừng Lễ hội mùa vàng và Lễ hội Sơn tra huyện Mù Cang Chải lần thứ nhất năm 2024.
Bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: Tết Độc lập không chỉ là dịp để tưởng nhớ và tri ân những anh hùng liệt sĩ, những người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc mà còn là thời điểm để chúng ta nhìn lại những thành tựu đã đạt được cũng như hướng về tương lai với quyết tâm xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Trong những năm qua, huyện Mù Cang Chải đã tạo nên sức mạnh tổng hợp tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng "điện, đường, trường, trạm" được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, giao thông đi lại thuận tiện cả 4 mùa. Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo. Du lịch của huyện có bước phát triển đột phá, hướng tới mục tiêu xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Thị Xuyến thông tin thêm, đến với Mù Cang Chải vào dịp này, du khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa dân tộc bản sắc với chuỗi các sự kiện được tổ chức như: Hội thi Nghệ thuật quần chúng các đội văn nghệ bản sắc; Hội thi đan lát các sản phẩm từ tre, trúc; thi đấu các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian (kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, đánh quay, ném pao, bịt mắt đánh trống, đi cà kheo, nhảy bao bố...); Chợ phiên vùng cao; Triển lãm ảnh " Sắc màu Mù Cang Chải" và Festival Dù lượn "Bay trên miền danh thắng" mùa vàng 2024.
Sự kiện năm nay quy tụ rất nhiều phi công giỏi với những màn trình diễn ấn tượng.
Chương trình biểu diễn đường phố khai mạc Lễ hội mùa vàng và Lễ hội Sơn tra lần thứ nhất sẽ diễn ra vào ngày 06/9 với các hoạt động: Hội thảo du lịch Mù Cang Chải điểm đến "Bản sắc, an toàn, thân thiện"; Hội thi "Hương sắc sơn tra", thi tạo hoa văn bằng sáp ong trên vải, thi đấu các môn thể thao dân tộc với sự tham gia của các địa phương như thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai), huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) các huyện Mường La, Bắc Yên (tỉnh Sơn La), thành phố Yên Bái, huyện Văn Chấn, Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái).
Cùng đó là một số hoạt động phụ trợ khác như: Lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Mông; thi gặt lúa nhanh, cày bừa giỏi; thi chọi dê; Triển lãm ảnh nghệ thuật; gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm; các hoạt động văn nghệ bản sắc vào các tối thứ Bảy hàng tuần.
Đặc biệt, dịp này sẽ diễn ra Giải Marathon quốc tế với trên 1.350 vận động viên tham gia ở 04 cự ly (100 km, 50 km, 25 km và 12 km) cùng các tour du lịch trải nghiệm chinh phục cảnh quan thiên nhiên, khám phá vẻ đẹp siêu thực nhất Việt Nam; nổi tiếng bởi những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp qua những đôi bàn tay khéo léo cùng sự sáng tạo, miệt mài của những người nông dân tạo nên một bức tranh đầy sống động, biến đổi theo thời gian, thể hiện sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên.
Theo baotintuc.vn
Sáng ngày 09/11, tại sân bóng chuyền Khu danh thắng ao Bà Om (Khóm 6, Phường 8, thành phố Trà Vinh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh bế mạc Giải bóng chuyền nam thanh niên dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh năm 2024. Đến dự có đồng chí Cao Quốc Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh.