01/11/2022 13:01
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Trà Vinh.
Tại điểm cầu Tỉnh ủy Trà Vinh, đồng chí Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
Cùng tham dự hội nghị có đồng chí Đặng Quốc Khởi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Ban Nội chính Tỉnh ủy; đồng chí Lê Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Công an, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh; lãnh đạo các tổ chức hội, đoàn thể tỉnh.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 09/09 điểm cầu huyện, thị xã, thành phố và 106/106 điểm cầu xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, có hơn 1.330 đại biểu tham dự.
Pháp luật quy định, góp hụi là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của những người tham gia được quy định trong Bộ luật Dân sự. Việc góp hụi nhằm mục đích tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, thể hiện tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, tạo điều kiện cho nhiều người vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, góp phần phục vụ sản xuất kinh doanh và ổn định cuộc sống.
Trên địa bàn tỉnh, hoạt động hụi diễn ra rất phổ biến, có hầu hết tại các địa phương, số lượng người và số tiền tham gia ngày càng quy mô. Theo số liệu từ cơ quan chức năng, hiện tại trên địa bàn tỉnh có khoảng 4.000 dây hụi, với khoảng 1.334 chủ hụi, tổng số tiền góp hụi khoảng 845 tỷ đồng. Hình thức góp hụi phổ biến là hụi tuần, hụi tháng, hụi mùa, những người tham gia hụi thường mang tính tự phát, trên cơ sở thỏa thuận giữa tất cả các thành viên, đa số các dây hụi đều không được thông báo đến chính quyền địa phương trước khi mở hụi.
Để việc góp hụi bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật, hạn chế tình trạng vỡ hụi có chiều hướng gia tăng, ngày 22/6/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh ban hành Công văn số 133-CV/TU “về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động góp hụi trên địa bàn tỉnh”; các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có liên quan đến các quy định của pháp luật về góp hụi bằng nhiều hình thức, đa dạng về nội dung nhằm thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân trong việc tham gia góp hụi và giải quyết các tranh chấp tuân thủ đúng quy định của pháp luật, giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Đồng chí Đặng Quốc Khởi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.
Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động hụi trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, việc góp hụi bị biến tướng, trở thành vấn nạn xã hội và đã xảy ra nhiều vụ vỡ hụi gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng đến đời sống một bộ phận người dân, gây áp lực trong công tác quản lý Nhà nước, nhất là khi chủ hụi có ý định lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người tham gia, nhiều vụ vỡ hụi gây hậu quả rất nghiêm trọng, số vụ vỡ hụi, giật hụi lên đến hàng tỷ đồng tại một số địa phương. Theo tổng hợp, đánh giá của cơ quan chức năng, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 11 chủ hụi và 21 dây hụi có nguy cơ vỡ hụi; 02 chủ hụi nghi vấn lợi dụng việc góp hụi để phạm tội.
Tại hội nghị, có 11 ý kiến thảo luận của đại biểu xung quanh thực trạng, nguyên nhân, giải pháp các vụ, việc về hụi trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Huỳnh Thị Sô Phia, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho biết: thời gian qua, trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố số lượng người tham gia góp hụi rất nhiều, đa phần là phụ nữ; một chủ hụi mở nhiều dây hụi, số lượng hội viên tham gia rất đông và theo nhận định chung, nhận thấy đối với người dân nói chung, hội viên phụ nữ nói riêng, những ai có thu nhập tự chủ hàng ngày ổn định thì đa số đều có ý muốn tham gia vào góp hụi với các lý do:
Thứ nhất, đa số cho rằng, tham gia góp hụi có lời, tạo thêm nguồn thu nhập, tiết kiệm để tích lũy, phát triển kinh tế gia đình, hoặc nếu khi gia đình cần một khoản tiền lớn để phát triển kinh tế thì có thể không cần vay vốn từ ngân hàng hoặc vay vốn bên ngoài.
Đồng chí Huỳnh Thị Sô Phia, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Thứ hai, việc tổ chức hụi, góp hụi cũng là hình thức huy động vốn nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau, thực tế việc góp hụi đã tồn tại rất lâu trong người dân và phần nhiều do phụ nữ thực hiện, tham gia. Chủ yếu dựa vào uy tín và sự thân quen, tin tưởng lẫn nhau nên chỉ giao kết bằng miệng hoặc ghi chép đơn giản.
Tuy nhiên, các chủ hụi mở nhiều dây hụi không thực hiện việc thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú, không lập thỏa thuận về dây hụi nên hình thức góp hụi này rủi ro rất cao, khi không thực hiện đúng cam kết, thỏa thuận theo quy định của luật, dẫn đến phát sinh tranh chấp, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản. Việc vỡ hụi xảy ra nhiều nơi, khiến cho không ít gia đình rơi vào cảnh lao đao, trong đó có gia đình chị em hội viên phụ nữ.
Thiếu tướng Kiên Rịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: từ năm 2021 đến nay, Công an tỉnh tiếp nhận 16 vụ vỡ hụi có dấu hiệu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của hàng trăm bị hại, với tổng giá trị tài sản chiếm đoạt trên 60 tỷ đồng, qua đó, khởi tố 07 vụ, 07 bị can.
Thiếu tướng Kiên Rịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Nguyên nhân của thực trạng trên chủ yếu là do các cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức việc chỉ đạo triển khai, thực hiện công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về hụi trên địa bàn nên nhận thức pháp luật của người dân về tham gia góp hụi còn hạn chế. Chế tài xử lý đối với các trường hợp chủ hụi không khai báo đến chính quyền cấp xã trong thời gian dài chưa có quy định cụ thể nên việc xử lý còn khó khăn.
Một số người dân có vốn nhàn rỗi, không có nhu cầu kinh doanh, không muốn gửi ngân hàng nhưng muốn tiền sinh lãi suất cao. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong tiếp nhận, giải quyết các vụ việc có liên quan đến hụi từng lúc, từng nơi chưa chặt chẽ, chưa thống nhất còn gây phiền hà và bức xúc cho người dân. Công tác nắm tình hình tại một số địa phương chưa kịp thời, còn nhiều vụ việc vỡ hụi do người dân tự thương lượng, thỏa thuận, không trình báo cơ quan chức năng…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Kim Ngọc Thái đề nghị các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tiếp tục tăng cường quán triệt, triển khai lại các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy có liên quan đến hụi nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật khi tham gia góp hụi của người dân. Quán triệt đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên gương mẫu chấp hành và vận động người thân chấp hành đúng quy định của pháp luật trong hoạt động góp hụi. Nghiêm túc kiểm điểm, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm quy định pháp luật về góp hụi hoặc để người thân trong gia đình lợi dụng góp hụi để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Đồng chí Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo hội nghị.
UBND tỉnh chỉ đạo Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật phối hợp với các cơ quan chức năng và các tổ chức, đoàn thể có liên quan thường xuyên tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan đến việc góp hụi bằng các hình thức thiết thực, hiệu quả. Trong đó, cần chú ý công tác tuyên truyền phải tiến hành thường xuyên, liên tục, tập trung chủ yếu vào các đối tượng thường xuyên tham gia góp hụi như phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, thanh niên, tiểu thương. Xác định mục đích của việc góp hụi là giúp nhau phát triển kinh tế gia đình và thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, đạo lý tốt đẹp của dân tộc.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã triển khai thực hiện tốt Nghị định số 19/2019/NĐ-CP, ngày 19/02/2019 của Chính phủ, quy định về “họ, hụi, biêu, phường” tại địa phương mình. Đảm bảo các chủ hụi thực hiện đúng quy định về thông báo cho UBND cấp xã nơi cư trú, nếu không chấp hành thì xử lý theo thẩm quyền.
Kết hợp chặt chẽ các giải pháp quản lý, phòng ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng việc tổ chức và tham gia góp hụi để cho vay nặng lãi, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác; tiếp tục nắm tình hình, thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm để chủ động giải quyết ngay tại cơ sở.
Các cơ quan tư pháp phối hợp điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án liên quan đến hụi cần thống nhất việc áp dụng pháp luật, đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa ra xét xử, cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc để răn đe và phòng ngừa chung cho xã hội.
Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Thường trực Tỉnh ủy theo dõi thực hiện ý kiến chỉ đạo và kịp thời báo cáo đề xuất chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi giải quyết các vụ việc liên quan đến góp hụi.
Tin, ảnh: KIM LOAN
Chiều ngày 08/5, nhân dịp Đại lễ Phật đản 2025, Phật lịch 2569, đồng chí Dương Thị Ngọc Thơ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các thành viên thăm, tặng quà Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam tỉnh Trà Vinh (chùa Lưỡng Xuyên, Phường 1, thành phố Trà Vinh).