14/10/2023 22:42
Đại biểu tham dự hội nghị.
Tham dự hội nghị có trên 300 đại biểu, gồm lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện các vụ, cục thuộc bộ, ngành Trung ương tham dự cùng đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ đến làm việc tại Trà Vinh; đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh: Bến Tre, Vĩnh Long, Bạc Liêu và thành phố Cần Thơ; các doamh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh…
Đại biểu tham dự hội nghị.
Về phía tỉnh Trà Vinh, có các đồng chí: Ngô Chí Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Trà Vinh; Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lâm Minh Đằng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy; nguyên Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Thường trực HĐND tỉnh; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; lãnh đạo các địa phương trong tỉnh...
Đồng chí Nguyễn Quỳnh Thiện, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (phải), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính cho Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Trà Vinh hôm nay là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh, huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Trà Vinh trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Trà Vinh đã cùng các cơ quan liên quan, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị chu đáo cho sự kiện quan trọng ngày hôm nay. Hội nghị hôm nay là sự tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng.
Hội nghị là cơ hội tốt để tìm hiểu, nắm bắt tư duy, tầm nhìn không gian phát triển mới những tiềm năng, thế mạnh, cơ hội cụ thể của Trà Vinh, đồng thời lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương có ý kiến gợi mở để định hướng phát triển, các giải pháp thúc đẩy hợp tác, tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao khi mới tái lập tỉnh năm 1992, Trà Vinh là tỉnh khó khăn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hơn 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, cùng với ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, thống nhất, sáng tạo, thế hệ sau đã học tập và kế thừa kết quả, hướng đi của thế hệ trước, đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Trà Vinh đã tập trung thực hiện tốt các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung toàn lực để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh, cũng như triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Trà Vinh trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh Trà Vinh cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, Trà Vinh sớm ban hành kế hoạch cụ thể hóa thực hiện quy hoạch. Thực hiện điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, hiệu quả và thống nhất giữa quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch cấp cao hơn để phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trà Vinh sớm ban hành kế hoạch cụ thể hóa thực hiện quy hoạch.
Thứ hai, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh hợp tác công tư, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển; tập trung phát triển hệ thống đô thị, đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng Khu Kinh tế Định An, Khu Công nghiệp Cổ Chiên, Khu Công nghiệp Cầu Quan; tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, trọng tâm là Đường hành lang ven biển, các tuyến Quốc lộ qua địa bàn tỉnh.
Nâng cao hiệu quả các cảng biển, xây dựng hạ tầng để phát triển logistics. Hình thành 03 trục động lực phát triển trong thời gian sớm nhất, gồm: (1) Trục phát triển theo tuyến đường bộ ven biển; (2) Trục phát triển theo tuyến Quốc lộ 60; (3) Trục phát triển theo tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh. Đây là 03 trục động lực không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn tạo động lực phát triển bứt phá cho vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Thứ ba, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, tăng năng suất cạnh tranh các ngành lĩnh vực có thế mạnh, tiềm năng trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị hàm lượng tri thức, khai thác hiệu quả lợi thế so sánh, phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thứ tư, tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường công khai, minh bạch, lắng nghe, đối thoại, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Thứ năm, tiếp tục tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có chất lượng, được đào tạo bài bản; đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, phát huy tốt tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ sáu, ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, nhất là trong những ngành quan trọng như nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo và các ngành năng lượng mới, du lịch, dịch vụ logistics, quan tâm đầu tư phát triển Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Lê Văn Hẳn nghiêm túc tiếp thu và chân thành cảm ơn Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương đã quan tâm chỉ đạo tỉnh Trà Vinh trên nhiều lĩnh vực trong thời gian qua, trong đó có công tác lập và hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Trà Vinh hứa sẽ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, thống nhất, không ngừng đổi mới sáng tạo để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, triển khai thật tốt Quy hoạch tỉnh Trà Vinh trong thời gian sắp tới để đưa Quy hoạch thiết thực đi vào cuộc sống.
Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường (phải) tặng hoa cảm ơn Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi các đồng chí cán bộ hưu trí tỉnh Trà Vinh.
* Trước đó, ngày 02/10/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1142/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
BẢN ĐỒ HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH TRÀ VINH (Xem tại đây)
Quyết định nêu rõ, phạm vi ranh giới quy hoạch tỉnh Trà Vinh bao gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền tỉnh Trà Vinh và phần không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Tài nguyên, môi trường biển và Hải đảo năm 2015, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP, ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và Hải đảo.
Trà Vinh nằm trong nhóm đầu của vùng đồng bằng sông Cửu Long
Mục tiêu tổng quát là đến 2030 Trà Vinh là tỉnh phát triển ở mức trung bình cao, nằm trong nhóm đầu của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; có kinh tế biển phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Cụ thể, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt khoảng 11,5%/năm; trong đó ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 3,32%/năm, ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 15,49%/năm, ngành thương mại - dịch vụ tăng bình quân 10,81%/năm. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 148 triệu đồng vào năm 2030. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân từ 12% đến 15%/năm. Tỷ trọng trong GRDP nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 17,98%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 46,14%; dịch vụ chiếm khoảng 33,00%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 2,88%. Giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1.700 đến 1.800 triệu USD vào năm 2030. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt từ 350 nghìn tỷ đến 400 nghìn tỷ đồng.
BẢN ĐỒ HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG XÃ HỘI TỈNH TRÀ VINH (Xem tại đây)
Về xã hội, đến 2030, Trà Vinh có tốc độ tăng dân số bình quân 0,75%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có cấp bằng, chứng chỉ đạt 40% vào năm 2030. Năng suất lao động tăng bình quân 11,65%/năm. Giải quyết việc làm mới hàng năm cho 30.000 lao động. Phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 73% trường mầm non, 89% trường tiểu học, 70% trường trung học cơ sở và 91% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Phấn đấu đạt 35 giường bệnh/vạn dân; 14 - 16 bác sĩ/vạn dân. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% vào năm 2030. Tỷ lệ hộ nghèo đạt chuẩn đa chiều giảm bình quân mỗi năm 1 - 1,5%/năm. Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt 0,75 trở lên.
Về bảo vệ môi trường, tỷ lệ sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt của dân cư ở khu vực đô thị đạt 99% trở lên; ở khu vực nông thôn đạt khoảng 85%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 4,5%.
Đến năm 2050, Trà Vinh là tỉnh phát triển cao của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có trung tâm kinh tế biển hiện đại và trung tâm năng lượng sạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối hiệu quả với vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Xã hội văn minh, hiện đại; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng
SƠ ĐỒ VỊ TRÍ CÁC DỰ ÁN VÀ THỨ TỰ ƯU TIÊN THỰC HIỆN TỈNH TRÀ VINH (Xem tại đây)
Theo Quy hoạch, về công nghiệp: Phát triển nhanh, bền vững theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường gắn với lợi thế kinh tế biển.
Trà Vinh sẽ phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu sau: Công nghiệp năng lượng: Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới thành trung tâm năng lượng sạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long; khai thác tối đa công suất các nhà máy nhiệt điện hiện có, từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Nam.
Công nghiệp chế biến nông, thủy sản: Mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, nâng cao công suất các nhà máy hiện có; xây dựng các nhà máy chế biến mới có công nghệ hiện đại gắn với vùng nguyên liệu; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, nâng tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu để nâng cao giá trị các sản phẩm xuất khẩu; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào chế biến, bảo quản nông sản.
Về dịch vụ: Phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ theo hướng hiện đại, chất lượng cao. Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, đẩy mạnh tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu ngành.
Trong đó: Về thương mại: Phát triển dịch vụ thương mại, nâng cao khả năng tham gia điều tiết, cân đối cung cầu, lưu thông hàng hóa bảo đảm thông suốt, đáp ứng đầy đủ các mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống người dân; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Về du lịch: Trà Vinh trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng đồng bằng sông Cửu Long; phát triển du lịch xanh, bền vững, có sức cạnh tranh cao; phát triển đồng thời du lịch biển, du lịch di sản văn hóa, đặc biệt là văn hóa Khmer; du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp; liên kết với các điểm đến của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Về dịch vụ cảng biển, logistics: Đầu tư phát triển dịch vụ cảng biển và logistics, khai thác có hiệu quả các loại hình vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển; nâng cấp hệ thống kho bãi, bảo quản hàng hóa, dịch vụ hậu cần, nhất là các bến cảng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và chất lượng dịch vụ logistics; hình thành và phát triển Trung tâm logistics cấp tỉnh tại Khu kinh tế Định An.
Về nông nghiệp, Trà Vinh phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, tuần hoàn, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ và thích ứng với biển đổi khí hậu.
Trong đó: Về thủy sản: Nuôi trồng thủy sản tập trung, công nghiệp, công nghệ hiện đại; phát triển mạnh vùng nuôi chuyên canh cho các sản phẩm chủ lực.
Về trồng trọt: Phát triển các cây trồng có lợi thế; hình thành các khu nông nghiệp, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Về chăn nuôi: Phát triển ngành chăn nuôi tập trung, chăn nuôi hữu cơ, hàng hóa chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Tổ chức lại chăn nuôi theo hướng hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm cho đàn bò, heo và gia cầm.
Phát triển Khu Kinh tế Định An thành khu kinh tế động lực của tỉnh và của vùng đồng bằng sông Cửu Long
SƠ ĐỒ PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KHU, CỤM CÔNG NGHIỆP TỈNH TRÀ VINH (Xem tại đây)
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ phát triển Khu Kinh tế Định An thành khu kinh tế động lực của tỉnh và của vùng đồng bằng sông Cửu Long với tính chất tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Ưu tiên phát triển các ngành: năng lượng tái tạo, chế biến nông - thủy sản, đóng tàu cùng với các ngành công nghiệp phụ trợ; phát triển khu nuôi trồng thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao; phát triển dịch vụ, du lịch với các sản phẩm độc đáo gắn với cảng biển, dịch vụ logistics.
Tin ảnh: KIM LOAN, BÁ THI
Sáng ngày 06/12, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn chủ trì cuộc họp triển khai Kế hoạch số 132/KH-UBND, ngày 04/12/2024 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 1277/NQ-UBTVQH15, ngày 14/11/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2023 - 2025.