08/11/2024 19:28
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, hồi 04 giờ ngày 08/11/2024, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 119,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17. Di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15km/giờ.
Đến ngày 10/11/2024, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc và suy yếu dần, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 330km về phía Bắc Đông Bắc, đến ngày 11/11/2024, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam mỗi giờ đi được 05-10km, cường độ tiếp tục suy yếu thêm. Các ngày tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km, cường độ tiếp tục suy yếu thêm.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 - 8. Độ cao sóng 2-3m. Thời tiết tại khu vực Nam Bộ: mây thay đổi, ngày nắng, chiều và đêm có mưa rào và dông rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to. Trong cơn dông đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.
Thực hiện Công điện số 114/CĐ-TTg, ngày 07/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ứng phó với bão số 7 (bão YINXING), Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh): Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương triển khai thực hiện tốt Quyết định số 470/QĐ-UBND, ngày 27/3/2024 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2024.
Phối hợp với các địa phương chủ động kiểm tra, rà soát, triển khai công tác gia cố, khắc phục, bảo đảm an toàn đê điều trên địa bàn tỉnh; chuẩn bị sẵn sàng các phương án hộ đê. Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi, nắm sát tình hình, diễn biến của bão để chủ động chỉ đạo, triển khai kịp thời công tác ứng phó với bão; phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền ra khơi, bảo đảm an toàn cho phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển và tại nơi neo đậu, tránh trú.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với thiên tai, phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra an toàn các công trình, cơ sở hạ tầng thuộc phạm vi quản lý.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành rà soát các phương án ứng phó thiên tai, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu khi có tình huống thiên tai xảy ra. Sẵn sàng phương châm “4 tại chỗ” cho công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có tình huống xảy ra.
Riêng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý các phương tiện ra khơi, tổ chức kiểm đếm tàu, thuyền, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, hướng dẫn, kêu gọi tàu, thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, tránh thiệt hại có thể xảy ra (nếu tình hình diễn biến phức tạp).
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Trà Vinh: Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm, kịp thời cung cấp thông tin đến các sở, ngành, địa phương biết để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh: Tăng cường công tác thông tin, tăng thời lượng phát sóng, đưa tin các bản tin dự báo bão, các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai để người dân biết, thực hiện.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi, nắm sát tình hình, diễn biến của bão; rà soát các phương án ứng phó với bão, kiểm tra các khu vực xung yếu trên địa bàn quản lý, có biện pháp ứng phó, sữa chữa, khắc phục kịp thời các công trình phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi quản lý; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời hỗ trợ nhân dân, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai khi có sự cố xảy ra.
Tiến hành rà soát các đối tượng dễ bị tổn thương, phương án, sẵn sàng sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm, kịp thời triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân khi bão có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp; hướng dẫn biện pháp chằng, chống nhà cửa, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.
Tổ chức chặt tỉa các cây xanh công cộng có nguy cơ ngã đổ, gây mất an toàn lưới điện, cản trở giao thông, nguy hiểm đến tính mạng người dân. Rà soát các khu vực trũng thấp, các khu vực có nguy cơ ngập do mưa lớn, tuyên truyền, vận động Nhân dân chủ động ứng phó nếu có tình huống xảy ra.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh) tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xử lý theo quy định.
THÚY LINH
Sáng ngày 06/12, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn chủ trì cuộc họp triển khai Kế hoạch số 132/KH-UBND, ngày 04/12/2024 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 1277/NQ-UBTVQH15, ngày 14/11/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2023 - 2025.