07/03/2024 05:43
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh.
Tham dự hội nghị tại điểm tỉnh Trà Vinh có các đồng chí: Kiên Quân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Quỳnh Thiện, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Hội nghị đã triển khai, giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Đất đai 2024 (Luật số 31/2024/QH15) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp bất thường lần thứ 5 thông qua ngày 18/01/2024, gồm: 16 chương, 260 điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều.
Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước, giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh.
Trên cơ sở tổng kết việc thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy, sau gần 08 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác nguồn lực, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị, tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất đai còn tồn tại, hạn chế, như: quy hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn; nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững, việc sử dụng đất có nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp, việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn bất cập, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, cải cách hành chính trong quản lý đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; tài chính về đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường, xu thế thoái hóa đất, ô nhiễm đất, xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp; tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn nhiều nhưng việc xử lý còn hạn chế.
Nguyên nhân là do đất đai có tính lịch sử, phức tạp; việc thi hành pháp luật về đất đai ở một số nơi còn chưa nghiêm, chính sách, pháp luật còn có những bất cập, một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với pháp luật về đất đai; việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý chưa được thực hiện tốt, một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.
Đại biểu điểm cầu tỉnh Trà Vinh nghiên cứu Luật Đất đai 2024 tại hội nghị.
Thời gian vừa qua, Trung ương ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến đất đai. Đặc biệt, Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao với 05 quan điểm, 03 mục tiêu tổng quát, 06 mục tiêu cụ thể, 06 nhóm giải pháp và 08 nhóm chính sách lớn trong hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đất đai và tổ chức thực thi chính sách này là cơ sở chính trị rất quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai.
Những vấn đề nêu trên đặt ra yêu cầu phải xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tin, ảnh: KIM LOAN
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình vừa ký ban hành Kế hoạch số 141/KH-BCĐTKNQ18, ngày 06/12/2024 kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.