• Tiếng Việt
  • ភាសាខ្មែរ
Thứ Bảy, ngày 24/05/2025
Báo Trà Vinh
Báo Trà Vinh
Báo Trà Vinh
  • Thời sự
  • Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao
  • An ninh - Quốc phòng
  • Pháp luật - Bạn đọc
  • Quốc tế
  • Thông Tin - Dịch Vụ - Việc Làm

Thời sự Trong nước

Dấu ấn của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước

23/05/2025 13:34

Trọn đời hoạt động cách mạng, từ một kỹ sư địa chất cần mẫn đến người đứng đầu Nhà nước, nguyên Chủ tịch Trần Đức Lương đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Ở bất kỳ cương vị nào, ông cũng thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy khoa học sắc sảo, tinh thần trách nhiệm cao và một trái tim luôn hướng về lợi ích quốc gia, dân tộc.

 

Chủ tịch nước Trần Đức Lương đọc Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa X, ngày 23/11/2001.

 

Gần 30 năm gắn bó với ngành bản đồ địa chất

Trong gần 30 năm công tác trong ngành bản đồ địa chất (1959-1986), ông đã đi khắp các miền rừng núi, khảo sát và nghiên cứu địa chất, góp phần quan trọng vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên quốc gia phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Điển hình là công trình “Bản đồ địa chất Việt Nam tỷ lệ 1/500.000” (xuất bản năm 1981) mà ông là đồng tác giả (công trình hợp tác Liên Xô - Việt Nam) - là một công trình quy mô lớn mang ý nghĩa chiến lược trong quản lý tài nguyên, phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài công trình này, ông còn cùng với các đồng sự trong Cục Bản đồ địa chất lập Bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 (xuất bản năm 1988). Hai công trình này được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và công nghệ năm 2005.

Trên cương vị là Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất Việt Nam, ông đã tổ chức triển khai toàn diện các công tác điều tra cơ bản, tìm kiếm, thăm dò khoáng sản trên phạm vi cả nước. Đồng thời, tổ chức lại hệ thống các đơn vị địa chất trong điều kiện đất nước đã thống nhất. Cùng với đó là giúp nước bạn Lào và Campuchia tổ chức mới liên đoàn địa chất...

Chủ tịch nước Trần Đức Lương gặp gỡ công nhân Công ty Than Khe Chàm đang khai thác than trong hầm lò (2002). 

 

Có lẽ, với xuất phát điểm là một kỹ sư địa chất - một nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và kiên nhẫn, đã hun đúc nên một phong cách: ít nói, coi trọng căn cứ khoa học và hiệu quả thực tiễn ở nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

Dấu ấn đậm nét trong lãnh đạo một giai đoạn trọng yếu của đất nước

Khi chuyển sang lĩnh vực quản lý Nhà nước, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tiếp tục khẳng định vai trò là một nhà lãnh đạo có tầm chiến lược, có khả năng bao quát nhiều lĩnh vực phức tạp.

Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1987 - 1992) rồi Phó Thủ tướng Chính phủ (1992 - 1997), ông có nhiều đóng góp vào quá trình đổi mới tư duy quản lý kinh tế, góp phần đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn về kinh tế - xã hội, từng bước ổn định và phát triển.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương kiểm tra quy hoạch Vịnh Hạ Long, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế và bảo vệ cảnh quan môi trường (15/10/1997).

 

Sau sự sụp đổ của Liên Xô, ông là người thúc đẩy quan hệ hợp tác với Liên bang Nga, nhất là trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng; tìm phương thức duy trì việc mua các tổ hợp thiết bị cho Thủy điện Hòa Bình (từ tổ máy số 5 đến số 8); ký lại và triển khai Hiệp định hợp tác Việt - Nga trên lĩnh vực dầu khí…; duy trì hoạt động của Ủy ban hợp tác Liên Chính phủ Việt Nam - Liên bang Nga. Đồng thời, ông chỉ đạo xây dựng và tham gia xây dựng một số luật quan trọng, như: Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987, Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, Luật Đất đai năm 1993, Luật Dầu khí năm 1993, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước năm 1995, Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995...; giúp Chính phủ ban hành các nghị định, quyết định thành lập các Tổng công ty và Tập đoàn kinh tế; chỉ đạo soạn thảo để Chính phủ ban hành các Nghị định về chính sách nhà ở thời kỳ đổi mới, các quyết định, nghị định về quyền tự chủ, tự đầu tư, tự chủ tài chính, hợp tác đầu tư với nước ngoài để phát triển các dự án có trình độ kinh tế - kỹ thuật tiên tiến trên các lĩnh vực quan trọng (dầu khí, năng lượng, vận tải, hàng không, xi măng, dệt may, nông-lâm-ngư nghiệp)... mở ra một giai đoạn phát triển mạnh mẽ trên tất cả các ngành kinh tế - kỹ thuật. Các luật, nghị định... góp phần hình thành, hoàn thiện từng bước môi trường pháp lý cho các tổ chức kinh tế khác nhau hoạt động trong nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhả nước.

Đặc biệt, trên cương vị Chủ tịch nước (1997-2006) - giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ của đất nước, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã có nhiều đóng góp đưa  đất nước phát triển. Dưới sự lãnh đạo của ông, nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội được cụ thể hóa, hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng và tăng cường vị thế quốc tế của Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác thông tin tại Trung tâm viễn thông quốc tế khu vực 1 (Hà Nội). 

 

Chủ tịch nước Trần Đức Lương gặp gỡ tài năng trẻ trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, nghệ thuật và thể thao đã giành được các giải cao quốc tế (Hà Nội, 23/1/2000). 

 

Về đối nội, dưới sự chỉ đạo của ông cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những cải cách về thể chế, tổ chức bộ máy và thủ tục hành chính đã từng bước được triển khai, tạo nền tảng cho quá trình hiện đại hóa và hội nhập. Ông dành sự quan tâm sâu sắc đến công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, tận tâm. Ông khẳng định: “Trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, yêu cầu khách quan đặt ra là phải tiến hành cải cách bộ máy nhà nước, điều chỉnh phạm vi nội dung và phương thức hoạt động của Nhà nước cho phù hợp. Nguyên tắc quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật phải được đề cao hơn bao giờ hết”(1). Đồng thời, ông luôn nhấn mạnh: “Trong lĩnh vực hoạt động tư pháp, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước ta luôn đề cao các nguyên tắc về tôn trọng và bảo vệ quyền con người, nguyên tắc bình đẳng, công bằng, công khai, minh bạch trong xây dựng và thực hiện pháp luật”(2).

Ông được Bộ Chính trị phân công phụ trách tổ công tác liên ngành soạn thảo đề án “Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” - Đề án đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thông qua thành nghị quyết (Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX). Nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt, có tính thời sự lâu dài. Đề xuất Bộ Chính trị thông qua Chỉ thị về cải cách tư pháp trong thời kỳ đổi mới. Đề xuất và được Bộ Chính trị, Ban Bí thư tán thành việc tổ chức đợt đặc xá lớn nhân chuyển giao Thiên niên kỷ (năm 2000), hình thức này về sau đã được áp dụng rộng rãi hơn, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương gặp Chủ tịch Fidel Castro trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Cuba, ngày 9/4/2000. 

 

Về đối ngoại, ông là người đã góp phần quan trọng mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Hình ảnh Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong các cuộc gặp gỡ nguyên thủ, các chuyến công du nước ngoài hay trong những cuộc tiếp đón các đoàn khách quốc tế đã để lại ấn tượng về một nguyên thủ hòa nhã, trí tuệ và đầy bản lĩnh. Ông cũng luôn thể hiện lập trường nhất quán về bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc, đồng thời thúc đẩy ngoại giao hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Một nhà lãnh đạo sâu sắc, trí tuệ

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Huy hiệu 55 tuổi Đảng cho đồng chí Trần Đức Lương (Hà Nội, 29/12/2014). Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN

 

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một đảng viên trung kiên, suốt đời phấn đấu vì lý tưởng cộng sản, một nhà lãnh đạo gắn bó với một giai đoạn trọng yếu của đất nước, một chính khách mẫu mực, đáng kính, sâu sắc, trí tuệ.

65 năm kể từ ngày đứng vào hàng ngũ của những người cộng sản là 65 năm rèn luyện, cống hiến không ngừng nghỉ trên mọi cương vị công tác. Ông sống thầm lặng, làm việc tận tụy, để lại nhiều giá trị bền lâu trong chính sách và trong ký ức của những người từng đồng hành cùng ông. Theo chia sẻ của TS Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, nếu được nói một câu ngắn gọn về nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương thì đó là: "Ông là một chính khách trầm lặng, nhưng trí tuệ, ảnh hưởng của ông âm thầm lan tỏa và bền bỉ".

Sự ra đi của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong lòng đồng bào, đồng chí, bạn bè quốc tế. Tên tuổi và sự nghiệp của ông sẽ mãi được trân trọng ghi nhớ trong lịch sử cách mạng Việt Nam.


(1), (2) trích bài viết “Đẩy mạnh cải cách tư pháp trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam” của Chủ tịch nước Trần Đức Lương (Bài viết cho Tạp chí Cộng sản, số ra tháng 4/2002).

Theo baotintuc.vn

  • Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Tin liên quan

Tóm tắt tiểu sử nguyên Chủ tịch nước TRẦN ĐỨC LƯƠNG

22/05/2025 21:17

Đồng chí Trần Đức Lương, sinh ngày 5/5/1937; quê quán: xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ (nay là thị xã Đức Phổ), tỉnh Quảng Ngãi. Thường trú tại số nhà 298, phố Vạn Phúc, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Tham gia cách mạng tháng 02/1955; vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 19/12/1959.

Danh sách Ban Lễ tang đồng chí TRẦN ĐỨC LƯƠNG

22/05/2025 21:15

Ban Lễ tang đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm 34 đồng chí do Chủ tịch nước Lương Cường làm Trưởng ban.

Thông báo Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng đồng chí Trần Đức Lương

22/05/2025 21:13

Lễ tang đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, được tổ chức theo nghi thức Lễ Quốc tang. Linh cữu đồng chí Trần Đức Lương được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ trần

22/05/2025 06:25

Đồng chí Trần Đức Lương, sinh ngày 05/5/1937, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã từ trần hồi 22 giờ 51 phút ngày 20/5/2025, tại nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi.

TIN CÙNG MỤC

TRỰC TIẾP: Lễ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Lễ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương sẽ diễn ra tại Hội trường Thống nhất trong 02 ngày

UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch tổ chức Lễ viếng và Lễ truy điệu đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

  • Tóm tắt tiểu sử nguyên Chủ tịch nước TRẦN ĐỨC LƯƠNG
  • Danh sách Ban Lễ tang đồng chí TRẦN ĐỨC LƯƠNG
  • Thông báo Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng đồng chí Trần Đức Lương
  • Danh mục 44 cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
Tin Nổi Bật

Phần mềm “Quản lý hiến máu tình nguyện” góp phần chuyển đổi số trong công tác Đoàn

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp

Huyện ủy Châu Thành tổng kết Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025

Công nhận 1.532 học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 và lớp 11

ĐBQH Trần Quốc Tuấn: Cần các giải pháp hữu hiệu để hạn chế tối đa tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử hiện nay

Góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ I

Đồng chí Ngô Chí Cường: Cần bổ sung chính sách hỗ trợ miễn phí sách giáo khoa cho học sinh kể cả công lập và khối dân lập, tư thục

Tăng cường ngăn chặn thông tin xấu, độc trên không gian mạng

  • Thời sự
  • Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao
  • An ninh - Quốc phòng
  • Pháp luật - Bạn đọc
  • Quốc tế
  • Thông Tin - Dịch Vụ - Việc Làm
  • Cơ quan chủ quản: TỈNH ỦY TRÀ VINH
  • Tổng Biên tập: TRẦN VĂN PHƯƠNG,
  • Phó Tổng biên tập: SƠN HÙNG
  • Tòa soạn: Số 17 Lê Lợi, Phường 1, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
  • Điện thoại: 02943.852549;  Fax: 02943.852638
  • Email: phongbandocbtv@gmail.com
  • © 2020 Bản quyền thuộc về Báo Trà Vinh
  • Liên hệ quảng cáo: 02943.852549;  Fax: 02943.852638
  • Giấy phép số 454/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông, cấp ngày 20/7/2021.
  • Chỉ được sao chép, phát hành lại thông tin từ website này khi có sự đồng ý bằng văn bản của Báo.