01/01/2024 16:47
Đồng chí Trần Văn Phong, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh có ý kiến chất vấn tại buổi giám sát công tác PCTN, TC giai đoạn 2020 - 2022 tại huyện Cầu Kè vào ngày 04/10/2023. Ảnh: BTV
Thực hiện Kế hoạch chi tiết số 194/KH-ĐGS, ngày 25/7/2022 của đoàn giám sát số 2 HĐND tỉnh về giám sát công tác PCTN, TC trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2022, từ ngày 04 - 05/10/2023, đoàn giám sát số 2 HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát tại UBND huyện Cầu Kè, Cầu Ngang và giám sát qua xem xét báo cáo của UBND tỉnh. Kết quả giám sát, theo Nghị quyết số 58/NQ-HĐND, UBND tỉnh, UBND huyện Cầu Ngang, Cầu Kè đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa, tổ chức triển khai thực hiện, tuyên truyền, quán triệt các quy định liên quan đến công tác PCTN, TC, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh PCTN, TC.
Hàng năm, các cơ quan, đơn vị kịp thời ban hành kế hoạch và triển khai, thực hiện công tác PCTN, TC trên địa bàn, định hướng cho các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện. Trong đó, chỉ đạo tập trung thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh, xử lý tồn tại, hạn chế... cơ bản đáp ứng mục tiêu ngăn ngừa và hạn chế các hành vi tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực: công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan; chuyển đổi vị trí công tác; kê khai, công khai, kiểm soát tài sản, thu nhập; thực hiện chế độ, định mức tài chính, quy tắc ứng xử...
Giai đoạn 2020 - 2022, đã chuyển đổi vị trí công tác 236/256 trường hợp (103 trường hợp chuyển đổi theo Luật PCTN, 133 trường hợp chuyển đổi do công tác cán bộ); có 9.089/9.089 lượt người thực hiện kê khai tài sản, kiểm soát 36 trường hợp kê khai và công khai 36/36 trường hợp đã kiểm soát; ban hành mới 56 văn bản, sửa đổi 42 văn bản thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn.
Thanh tra hành chính 127 cuộc, thanh tra chuyên ngành 1.482 cuộc (trong đó, thanh tra 96 cuộc liên quan đến việc công khai, minh bạch; 44 cuộc liên quan đến chế độ, định mức, tiêu chuẩn); kiểm tra 63 cuộc về việc thực hiện quy tắc ứng xử. Qua đó, đã kịp thời phát hiện 03 vụ việc với 09 đối tượng có dấu hiệu tham nhũng, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định. Đồng thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những hạn chế, thiếu sót của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị do để xảy ra tham nhũng, tiêu cực (đã xử lý kỷ luật 03 người, trong đó cảnh cáo 01, khiển trách 01, buộc thôi việc 01)...
Giai đoạn 2020 - 2022, UBND huyện Cầu Ngang tổ chức 10 cuộc thanh tra tại 13 đơn vị, nội dung thanh tra tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực. Qua thanh tra, phát hiện 05 đơn vị sai phạm về công tác thu, chi tài chính, đã kiến nghị thu hồi tài sản sai phạm (đã thu 330.856.606 đồng, đạt 100%). Qua kết quả thanh tra, kiểm tra, UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo, uốn nắn để các cơ quan, đơn vị trên địa bàn nghiên cứu, rút kinh nghiệm thực hiện tốt, không để xảy ra sai phạm tương tự.
Huyện Cầu Kè xây dựng kế hoạch và đã thực hiện chuyển đổi 16 vị trí công tác đối với cán bộ, công chức ở các vị trí dễ xảy ra tiêu cực theo quy định của Chính phủ; 100% cán bộ, công chức thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập thực hiện kê khai tài sản, thu nhập đúng quy định; phối hợp với UBMTTQ Việt Nam cùng cấp và các tổ chức thành viên huy động toàn dân tham gia đấu tranh PCTN, TC (phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về tham nhũng, tiêu cực).
Nghị quyết số 58/NQ-HĐND cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN, TC trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2020 - 2022. Trong đó có việc chỉ đạo triển khai, quán triệt các quy định pháp luật, kiểm tra, hướng dẫn, uốn nắn, chấn chỉnh các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, từng lúc chưa sâu sát. Nội dung kế hoạch phòng, chống tham nhũng ở một số cơ quan, đơn vị chưa cụ thể, chưa phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị.
Việc tự kiểm tra nội bộ, giám sát kê khai tài sản, thu nhập đối với các chức danh thuộc diện phải kê khai, từng lúc chưa kịp thời; hướng dẫn việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập còn một số nội dung chưa thống nhất giữa các ngành, đơn vị, địa phương nên phát sinh khó khăn trong quá trình thực hiện. Một số nội dung, mức chi quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị chưa đảm bảo theo quy định; việc chỉ đạo thực hiện chuyển đổi vị trí công tác có mặt chưa đảm bảo.
Cùng với đó là vai trò, trách nhiệm người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương từng lúc chưa cao, thiếu kiểm tra, giám sát trong nội bộ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, thiếu sót, ngăn chặn hành vi tham nhũng (như vi phạm trong việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất công...).
Qua giám sát, đoàn giám sát HĐND tỉnh đã có những kiến nghị cụ thể đối với UBND huyện Cầu Kè, Cầu Ngang và kiến nghị đối với UBND tỉnh để tiếp tục thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn công tác PCTN, TC trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Một số kiến nghị của đoàn giám sát đối với UBND tỉnh Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận của Trung ương, các văn bản chỉ đạo của tỉnh đối với công tác PCTN, TC. Xây dựng kế hoạch tự kiểm tra và tổ chức tự kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ các cơ quan, đơn vị đạt hiệu quả, chất lượng, đúng thực chất; công khai, minh bạch quy trình thủ tục hành chính, hoạt động của đơn vị; chuyển đổi vị trí công tác của công chức; kê khai, công khai, kiểm soát tài sản, thu nhập; việc thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; trong đó chú trọng các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực như: tài chính ngân sách, đầu tư, đấu thầu, xây dụng cơ bản, đất đai và các vấn đề dư luận bức xúc; kịp thời xác minh, làm rõ các đơn thư tố cáo, nguồn tin báo, tố giác tội phạm nhằm phát hiện, uốn nắn, xử lý các hạn chế, thiếu sót trong nội bộ; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực ngay khi phát hiện, kể cả hành vi bao che, cản trở việc PCTN, TC. Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đạo thực hiện các biện pháp kịp thời thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực, thu hồi tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế theo quy định. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm kết luận sau thanh tra. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện. Rà soát các quy định của pháp luật về công tác PCTN, TC để đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nếu có vướng mắc, bất cập. Tăng cường thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương đáp ứng yêu cầu, thực hiện tốt công tác PCTN, TC. |
HÀ THANH
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND, ngày 01/8/2024, yêu cầu việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg phải nghiêm túc, thường xuyên; tiến hành đồng thời với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cấp, mỗi ngành, gắn với việc thực hiện đồng bộ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC); kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.