• Tiếng Việt
  • ភាសាខ្មែរ
Thứ Hai, ngày 19/05/2025
Báo Trà Vinh
Báo Trà Vinh
Báo Trà Vinh
  • Thời sự
  • Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao
  • An ninh - Quốc phòng
  • Pháp luật - Bạn đọc
  • Quốc tế
  • Thông Tin - Dịch Vụ - Việc Làm

Trang chủ Khoa học và Công nghệ

Xây dựng Chương trình Chính phủ số, hướng tới Chính phủ thông minh vào năm 2030

18/05/2025 20:41

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết đang hoàn thiện dự thảo Chương trình Chính phủ số và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 6/2025, với định hướng chuyển từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ thông minh vào năm 2030.

 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long trình bày báo cáo tại phiên họp.

 

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 tổ chức Phiên họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Phạm Đức Long đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP và Nghị quyết số 71/NQ-CP đồng thời đề xuất định hướng hành động trọng tâm trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, thời gian qua, Chính phủ đã phát động nhiều phong trào quy mô toàn quốc nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, trong đó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp tham dự một số sự kiện quan trọng như Lễ ra mắt nền tảng “Bình dân học vụ số” và phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số”.

Cùng với đó, việc ban hành Nghị quyết 71/NQ-CP để cập nhật, bổ sung Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW đã thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong rút ngắn thời gian và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chiến lược.

Trên phương diện hoàn thiện thể chế, Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XV xem xét 19 dự án luật và 03 nghị định tại kỳ họp thứ 9, đồng thời ban hành Nghị định 88/2025/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 193/2025/QH15. Những nỗ lực này cho thấy quyết tâm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, kịp thời cho hoạt động KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đặc biệt, hạ tầng số quốc gia cũng ghi nhận những bước tiến rõ rệt. Tính đến nay, đã có 11.591 trạm 5G được triển khai trên toàn quốc, tương đương khoảng 7,72% số trạm 4G. 03 doanh nghiệp viễn thông lớn gồm Viettel, VNPT và Mobifone đã xây dựng kế hoạch tăng số lượng trạm 5G lên hơn 68.000 vào cuối năm 2025, nhằm phủ sóng tới 90% dân số.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho phép thí điểm triển khai dịch vụ viễn thông vệ tinh quỹ đạo thấp Starlink, mở rộng khả năng kết nối toàn diện. Tổng dung lượng cáp quang biển hiện đạt 52 Tbps và sẽ tăng thêm 20,5 Tbps vào tháng 7/2025. Ngoài ra, cả nước hiện có 41 trung tâm dữ liệu thương mại với tổng công suất thiết kế lên tới 221 MW.

Về phát triển chính phủ số, Chính phủ đẩy mạnh hoạt động chỉ đạo, điều hành không giấy tờ. Hệ thống ECabinet đã xử lý 81 Phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, thay thế khoảng 19.600 tài liệu giấy. Hơn 1,2 triệu văn bản được xử lý thông qua trục liên thông văn bản quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đã đạt gần 40% trên cả nước...

Về kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số trong GDP tiếp tục gia tăng, đạt mức 18,72%, trong đó kinh tế số lõi chiếm 8,63% và kinh tế số lan tỏa chiếm 10,09%. So với quý I/2024, kinh tế số tăng trưởng khoảng 10%, cho thấy xu hướng số hóa đang diễn ra mạnh mẽ và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia.

Hoạt động thương mại điện tử ghi nhận sự tăng trưởng đột phá với tổng doanh số thị trường trong ba tháng đầu năm 2025 đạt 101.400 tỷ đồng, tăng 42,29% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tiêu thụ hàng hóa qua các nền tảng trực tuyến cũng đạt gần 951 triệu sản phẩm, tăng 24% so với quý I/2024.

Lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, với doanh thu ước đạt 423.378 tỷ đồng, tăng 04% so với tháng 3/2025 và tăng tới 44,41% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin ước đạt 373.242 tỷ đồng, tương đương khoảng 14,54 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với tháng 3/2025 và tăng mạnh 51,72% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, ngày 09/4/2025, Bộ KH-CN đã khai trương Cổng thông tin tiếp nhận và công bố sản phẩm, giải pháp về KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tính đến ngày 10/5, cổng đã tiếp nhận 426 hồ sơ và công bố 103 sản phẩm, giải pháp tiêu biểu, sẵn sàng đưa vào ứng dụng rộng rãi.

Về xã hội số, tính đến ngày 12/5/2025, cả nước đã cấp hơn 17 triệu chứng thư chữ ký số, tăng 6,2% so với tháng trước đó. Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số đạt 27,7%, tăng 1,6 điểm phần trăm so với tháng 4, cho thấy sự lan tỏa của chuyển đổi số trong đời sống xã hội.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập cần khắc phục. Hiện vẫn còn hai cơ quan chưa kiện toàn Ban Chỉ đạo về KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06.

Việc triển khai công tác điều hành trực tuyến dựa trên dữ liệu còn chậm, với 30 địa phương và 16 bộ, ngành chưa ban hành chỉ số phục vụ điều hành. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trung bình toàn quốc chỉ đạt gần 40%, trong đó các tỉnh, thành phố chỉ đạt 14,6%. Kết quả này còn rất xa mục tiêu 80% vào cuối năm 2025 như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ..

Ngoài ra, việc triển khai các nhiệm vụ đột phá theo Nghị quyết số 193/2025/QH15 vẫn rất hạn chế. Mới chỉ có 10 bộ, ngành và 20 địa phương đăng ký dự án với tổng kinh phí 15.000 tỷ đồng, trong đó chỉ 3.300 tỷ đồng được đăng ký cho các nhiệm vụ cụ thể năm 2025...

Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo.

 

Sửa Chiến lược AI, xây dựng Chương trình hành động chuyển đổi AI

Để tháo gỡ các điểm nghẽn, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh cần khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 và 6/2025. Trước hết là hoàn thiện các nghị định hướng dẫn thi hành các luật đã được Quốc hội thông qua. Bộ KH-CN sẽ chủ trì xây dựng cơ chế giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp công nghệ số và đề án phát triển, trọng dụng nhân tài.

Việc triển khai chuyển đổi số theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp cũng sẽ được tiến hành thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 5 để rút kinh nghiệm và mở rộng toàn quốc.

Bộ KH-CN đang sửa Chiến lược AI và xây dựng Chương trình hành động chuyển đổi AI, trình Thủ tướng ban hành trong tháng 5/2025 với một số định hướng sau: Đưa Việt Nam vào Top 3 ASEAN và Top 50 thế giới về AI vào năm 2030; xây dựng 03 trung tâm tính toán hiệu năng cao quốc gia quy mô 20.000 GPU; đưa AI vào giáo dục từ tiểu học; đào tạo 1.000 chuyên gia, 50.000 kỹ sư về AI...

Bên cạnh đó, Bộ KH-CN dự kiến sẽ trình Thủ tướng ban hành Chương trình Chính phủ số trong tháng 6/2025, có một số định hướng chính: Chuyển từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ thông minh vào năm 2030; cung cấp dịch vụ công trực tuyến chủ động, cá thể hóa và tích hợp trí tuệ nhân tạo; các cơ quan nhà nước vận hành thông minh dựa trên dữ liệu qua các mô hình IoC, các nền tảng số quốc gia; sử dụng nền tảng số để đo lường, công bố trực tuyến kết quả về tỷ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của từng bộ, ngành, địa phương, định kỳ hằng tháng...

Bảo đảm chi 03% ngân sách cho KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng là đầu tư phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao. Các chương trình xây dựng trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và đào tạo chuyên gia đầu ngành sẽ được triển khai quyết liệt.

Về nền tảng số dùng chung, Trung ương đầu tư nền tảng số dùng chung đến cấp cơ sở, các địa phương không đầu tư nữa. Trung ương có trách nhiệm mở nền tảng để địa phương cùng dùng.

Vì vậy, Bộ KH-CN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hoàn thành đúng hạn 46 nhiệm vụ của Nghị quyết 71 trong tháng 5 và 6/2025, đồng thời báo cáo tiến độ định kỳ qua hệ thống trực tuyến, kiên quyết không chấp nhận báo cáo giấy.

Các bộ, ngành, địa phương cũng cần khẩn trương xây dựng, công bố các “bài toán lớn” để huy động sự tham gia của doanh nghiệp, và đăng ký bổ sung ngân sách cho các nhiệm vụ KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đảm bảo mức chi 03%.

Theo baochinhphu.vn

  • Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Chương trình Chính phủ số
  • Chính phủ thông minh vào năm 2030
TIN CÙNG MỤC

Ra mắt bộ sách về DeepSeek: Đưa trí tuệ nhân tạo đến gần hơn với cộng đồng

Mít-tinh chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5

Sáng ngày 17/5, tại Trường Đại học Trà Vinh, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) Trà Vinh tổ chức mít tinh chào mừng Ngày KHCN Việt Nam 18/5.

  • Hội thảo khoa học chuyên đề “Thúc đẩy chuyển đổi số: Kết nối khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo” năm 2025
  • Thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số
  • Việt Nam - Hoa Kỳ thúc đẩy hợp tác AI và bán dẫn
  • 02 công trình khoa học đoạt Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2025
Tin Nổi Bật

Công đoàn UBND tỉnh trao 08 giải cho các Công đoàn cơ sở xuất sắc tham gia Giải thể thao

Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn*

Tiểu Cần: Tiếp tục lan tỏa phong trào học tập và làm theo Bác

Xứng danh Cháu ngoan Bác Hồ

TRỰC TIẾP: Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị

Sức sống và tầm vóc của tư tưởng Hồ Chí Minh

Quà tặng công đoàn - gắn kết người lao động

Đảng ủy Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh báo công dâng Bác

  • Thời sự
  • Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao
  • An ninh - Quốc phòng
  • Pháp luật - Bạn đọc
  • Quốc tế
  • Thông Tin - Dịch Vụ - Việc Làm
  • Cơ quan chủ quản: TỈNH ỦY TRÀ VINH
  • Tổng Biên tập: TRẦN VĂN PHƯƠNG,
  • Phó Tổng biên tập: SƠN HÙNG
  • Tòa soạn: Số 17 Lê Lợi, Phường 1, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
  • Điện thoại: 02943.852549;  Fax: 02943.852638
  • Email: phongbandocbtv@gmail.com
  • © 2020 Bản quyền thuộc về Báo Trà Vinh
  • Liên hệ quảng cáo: 02943.852549;  Fax: 02943.852638
  • Giấy phép số 454/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông, cấp ngày 20/7/2021.
  • Chỉ được sao chép, phát hành lại thông tin từ website này khi có sự đồng ý bằng văn bản của Báo.