01/10/2024 10:52
Một khảo sát toàn cầu của POLIS về báo chí và AI cho thấy các tòa soạn chủ yếu sử dụng AI trong thu thập, sản xuất và phân phối tin tức. (Nguồn: Vietnam+)
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong ngành báo chí, nhưng liệu nó có thực sự mang lại lợi ích như kỳ vọng?
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy việc sử dụng AI trong lĩnh vực truyền thông có thể gây ra cả những tác hại chứ không chỉ mang lại lợi ích.
Theo báo cáo mới nhất của Đại học Bentley và Gallup, 56% người Mỹ cho rằng AI mang lại cả lợi ích lẫn tác hại. Tuy nhiên, tỷ lệ người tin rằng tác hại của AI lớn hơn lợi ích vẫn cao hơn so với nhóm có quan điểm ngược lại.
Tại Liên minh châu Âu, bức tranh lại hoàn toàn khác biệt.
Báo cáo Eurobarometer "Thập kỷ Số" công bố tháng Bảy cho thấy 73% người châu Âu cho rằng số hóa đã giúp cuộc sống của họ dễ dàng hơn, trong khi chỉ có 23% nói điều ngược lại. Tuy nhiên, họ cũng lo ngại về việc lạm dụng dữ liệu cá nhân (46%) và tin giả hoặc thông tin sai lệch (45%).
Một khảo sát toàn cầu của POLIS về báo chí và AI cho thấy các tòa soạn chủ yếu sử dụng AI trong thu thập, sản xuất và phân phối tin tức.
Báo cáo cho rằng mặc dù AI giúp nhà báo có thêm thời gian để tạo ra các sản phẩm báo chí tốt hơn, song việc này đi kèm với trách nhiệm biên tập và đạo đức.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters đã khảo sát gần 100.000 người tại 47 quốc gia về nhận thức của họ về AI trong lĩnh vực tin tức.
Kết quả cho thấy độc giả thoải mái hơn với việc AI hỗ trợ các công việc hậu trường như dịch thuật hay phiên âm, thay vì thay thế hoàn toàn các nhà báo.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, những nhận định về sự góp mặt của AI trong lĩnh vực báo chí được đưa ra trong thời điểm niềm tin của xã hội vào truyền thông chỉ ở mức khoảng 40%.
Do vậy, mặc dù không thể phủ nhận tác động của AI đối với cách thông tin được phổ biến, các chuyên gia truyền thông phải được cung cấp các công cụ và kiến thức liên quan để sử dụng công nghệ này một cách tốt nhất có thể.
Như Charlie Beckett, Giám đốc bộ phận tư vấn truyền thông tại Trường Kinh tế London nhận xét trong báo cáo của ông về AI và báo chí: "Nếu chúng ta coi báo chí là một lợi ích xã hội, do con người cung cấp cho con người, thì chúng ta có khoảng 2-5 năm để các tổ chức tin tức phải nắm bắt công nghệ này".
Theo vietnamplus.vn
Ưng dụng phần mềm eCDT VN trên điện thoại Smartphone để khai báo nguồn gốc khai thác thủy sản trước khi đưa phương tiện vào cập cảng bốc dỡ hàng hóa đang được Chi cục Thủy sản-Quản lý chất lượng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh) tập trung quán triệt, triển khai đến chủ tàu/thuyền trưởng các phương tiện tàu cá. Qua đó, nhằm giúp các chủ tàu/thuyền trưởng khai thác, đánh bắt thủy sản kịp thời khai báo nguồn gốc khai thác thủy sản trước khi đưa phương tiện vào cập cảng bốc dỡ hàng hóa; đảm bảo theo quy định.