30/04/2025 14:49
Cáp Asia Pacific Gateway - APG cùng 04 tuyến khác gồm IA, AAE-1, AAG và SMW-3, APG là 05 tuyến cáp quang biển được các ISP Việt Nam khai thác, sử dụng trong nhiều năm qua để kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế. Cả 05 tuyến cáp biển này đều kết nối ra phía Đông qua Biển Đông, từ 06 trạm cập bờ đặt tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Quy Nhơn và Đà Nẵng.
Là tuyến cáp được đưa vào khai thác chính thức từ cách đây gần 09 năm, APG gặp sự cố gần nhất vào đầu tháng 02/2025 trên 02 cáp nhánh S9 hướng kết nối đi Singapore và S1.9 gần trạm cập bờ Malaysia của tuyến cáp, với 2 lỗi trên nhánh S1.9 và 01 lỗi trên nhánh S9.
Sự cố xảy ra ngày 03/02/2025 trên 02 nhánh của tuyến cáp quang biển quốc tế APG đã được sửa xong trước dịp đại lễ 30/4.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet ngày 29/4, đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, từ khoảng hơn 23h30 ngày 22/4, đối tác quốc tế đã hoàn thành cấu hình lại nguồn, sau khi khắc phục xong các lỗi trên 02 nhánh S9 và S1.9 của tuyến cáp quang biển quốc tế APG. Qua đó, đã khôi phục hoàn toàn dung lượng kết nối Internet quốc tế trên tuyến cáp biển này.
Như vậy, trước thời điểm người Việt trong và ngoài nước đón mừng đại lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, các hệ thống cáp quang biển kết nối Internet Việt Nam với quốc tế đều đang hoạt động bình thường, giúp các nhà mạng duy trì tốt chất lượng dịch vụ cung cấp tới người dùng.
Cũng trong tháng 4/2025, Asia Direct Cable - ADC, tuyến cáp quang biển có dung lượng lớn nhất Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động. ADC là hệ thống cáp quang ngầm dưới biển có chiều dài khoảng 9.800km, kết nối 07 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Việt Nam, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan, Philippines, Singapore và Nhật Bản.
So với các tuyến cáp quang biển hiện có của Việt Nam, ADC có điểm đặc biệt là kết nối trực tiếp tới cả 03 trung tâm Internet của khu vực châu Á là Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) và Nhật Bản.
Viettel đã đưa vào sử dụng một phần dung lượng trên tuyến ADC để tăng năng lực kết nối quốc tế, đáp ứng các nhu cầu mới về dữ liệu và tăng trải nghiệm khách hàng khi dùng dịch vụ Internet.
Đặc biệt, với dung lượng tối đa 50 Tbps, dung lượng cáp ADC bằng 125% lần tổng dung lượng kết nối quốc tế của cả 05 tuyến cáp quang biển đang hoạt động gồm IA, AAE-1, APG, AAG, SMW-3. Ngoài ra, ADC cũng có tốc độ cao hơn các hệ thống cáp biển trước đây.
Tổng vốn đầu tư toàn tuyến ADC lên tới 290 triệu USD với sự hợp tác của 09 tập đoàn viễn thông, trong đó Viettel là nhà mạng duy nhất của Việt Nam tham gia đầu tư vào tuyến cáp biển này. Viettel sở hữu toàn bộ nhánh cáp biển kết nối Việt Nam và trạm cập bờ tại Quy Nhơn, cùng một phần của trục chính đi quốc tế.
Về định hướng phát triển hạ tầng số Việt Nam nói chung và hạ tầng viễn thông – Internet nói riêng, Nghị quyết 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đã xác định “Phát triển hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các nước tiên tiến...”, “Phát triển hạ tầng viễn thông, Internet đáp ứng yêu cầu dự phòng, kết nối, an toàn, bền vững…”.
Nghị quyết 71 ngày 01/4/2025 sửa đổi, bổ sung, cập nhật chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57 cũng đã nêu rõ một nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là: “Phát triển hạ tầng viễn thông, Internet đáp ứng yêu cầu dự phòng, kết nối, an toàn, bền vững, hệ thống truyền dẫn dữ liệu qua vệ tinh, mạng cáp quang băng thông rộng tốc độ cao, mạng thông tin di động 5G, 6G và các thế hệ tiếp theo phủ sóng toàn quốc”.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng số nói chung cũng như hạ tầng cáp quang biển quốc tế nói riêng tại Nghị quyết 57, hiện thực hóa mục tiêu phát triển thêm 09 tuyến cáp quang biển mới trong giai đoạn 2025 – 2030, tại Nghị quyết 193 ngày 19/02, Quốc hội đã cho phép áp dụng chính sách phát triển các tuyến cáp viễn thông kết nối quốc tế trên biển do doanh nghiệp viễn thông Việt Nam tham gia góp vốn hoặc là chủ đầu tư.
“Chính sách này được kỳ vọng tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục đầu tư, đấu thầu để phát triển hệ thống cáp quang biển quốc tế của Việt Nam đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu đề ra”, đại diện đơn vị soạn thảo Nghị quyết 193 của Quốc hội, cho hay.
Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam xác định phát huy trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ trí thức là nhiệm vụ trung tâm, tạo động lực để khoa học công nghệ (KHCN) và chuyển đổi số trở thành lực lượng sản xuất chủ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.