02/11/2024 09:57
So với mạng 4G được khai trương cách đây hơn 07 năm, tốc độ tăng trưởng người dùng của 5G đang cao gấp đôi, theo đó, mốc 03 triệu khách hàng dùng 4G Viettel đạt được sau 01 tháng chính thức thương mại hoá.
Lý giải nguyên nhân 5G thu hút đông đảo người dùng
Với quan điểm triển khai một mạng 5G cho mọi người, khách hàng không cần phải đổi SIM, hay mua gói cước mà chỉ cần có thiết bị hỗ trợ 5G là có thể trải nghiệm ngay mạng 5G Viettel.
Tính năng “do nothing” - không phải làm gì cả chính là lý do đầu tiên khiến người dùng nhanh chóng tìm hiểu, dùng thử hoặc quyết định mua gói cước 5G để sử dụng. Đây cũng là chiến lược mà Viettel tin rằng sẽ giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu mỗi người dân sẽ có 01 kết nối siêu tốc độ, tương tự như đã làm để phổ cập dịch vụ di động, hay smartphone mà Viettel đã đạt được trước đây.
Viettel Telecom cho biết, mặc dù không bắt buộc phải hoà mạng gói cước, nhưng hệ thống đã ghi nhận có hàng trăm nghìn lượt đăng ký gói 5G chỉ trong vòng 02 tuần qua. Phần lớn khách hàng chuyển đổi sang sử dụng gói 5G để trải nghiệm tốc độ vượt trội và hưởng các ưu đãi đặc biệt từ Viettel. Đồng thời, trong trường hợp khách hàng di chuyển tới khu vực chỉ có sóng 4G thì vẫn hoàn toàn có thể sử dụng dịch vụ bình thường.
Bảng so sánh gói cước 4G và 5G thấp nhất.
Hiện tại, Viettel cung cấp 11 gói trả trước, 8 gói trả sau 5G được thiết kế với chi phí chỉ tương đương gói 4G, nhưng dung lượng gấp p2 kèm theo miễn phí kho nội dung cao cấp. Với mạng 5G, lần đầu tiên Viettel cung cấp những gói dung lượng lớn lên tới 50GB/ngày, cho phép khách hàng truy cập internet di động gần như “không giới hạn”. Chính vì vậy chỉ sau thời gian ngắn cung cấp, nhiều khách hàng có máy 4G cũng đã nhanh chóng nhận ra ưu điểm này và đăng ký gói cước để sử dụng. Các gói cước được người dùng lựa chọn nhiều nhất là các gói Trả trước: 5G135, 5G150, 5G160; Trả sau: N200, N250, N300.
Nhằm giúp khách hàng tiếp cận với các gói cước 5G dễ dàng hơn, Viettel cũng ra mắt cổng đăng ký dịch vụ 5G Hub Viettel (http://hub.vietteltelecom.vn). Tại đây, khách hàng được tư vấn gói cước 5G phù hợp, đi kèm nhiều chính sách giảm giá và tặng tháng sử dụng cho các dịch vụ đi kèm.
Bước tiến quan trọng của ngành viễn thông Việt Nam
5G là công nghệ mới, được triển khai diện rộng trên thế giới từ năm 2020 - 2021. Thời gian đầu cung cấp, các nhà mạng trên thế giới đều ưu tiên triển khai 5G tại các khu vực có đời sống xã hội phát triển, tập trung khách hàng sở hữu máy 5G và có nhu cầu truy cập internet nhiều.
Ghi nhận tại các nước tiên phong trong việc triển khai 5G như Anh, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… cũng tập trung phủ sóng 5G tại thành thị, sau đó lan dần ra các vùng nông thôn. Số trạm 5G triển khai năm đầu tiên chỉ bằng 20% đến 50% số trạm 4G. Sau 5 năm triển khai, đến nay vùng phủ mạng 5G hiện mới tương đương 60-80% so với 4G.
Tại Anh, thời điểm 5G mới ra mắt năm 2019, nhà mạng EE chỉ phủ sóng tại 16 thành phố, trong đó có 4 thành phố thủ phủ đầu tiên được phủ 5G là London, Cardiff, Edinburgh, Belfast Birmingham và Manchester. Khi mới khai trương, 1500 trạm đầu tiên mà EE nâng cấp lên 5G chỉ chiếm 25% tổng dữ liệu trên toàn mạng, nhưng chỉ phủ sóng 15% dân số của Vương quốc Anh.
Tại Việt Nam, Viettel là nhà mạng đầu tiên vừa triển khai 5G cũng đã phủ sóng tại thủ phủ của 63 tỉnh/thành phố - những nơi sẽ ứng dụng 5G nhiều như cơ quan hành chính, khu du lịch, bệnh viện, cảng biển, sân bay, trường đại học với số trạm tương đương 18% mạng 4G ở thời điểm khai trương (6.500 trạm 5G so với 36.000 trạm 4G).
5G sử dụng băng tần cao hơn 4G (5G dùng 2.6Ghz, 4G dùng 1.8GHz), suy hao trên tần số 2.6Ghz lớn hơn suy hao trên tần số 1.8Ghz nên 5G có vùng phủ hẹp hơn so với 4G từ 15 – 20%.
Đó là nguyên nhân khiến vùng phủ 5G thời gian đầu khai trương chưa được rộng, nhưng việc tiên phong cung cấp mạng 5G thương mại vẫn được đánh giá là bước tiến quan trọng trong công nghệ viễn thông tại Việt Nam.
Thời gian tới, khi hạ tầng được mở rộng và tối ưu hóa, trải nghiệm 5G sẽ ngày càng ổn định hơn. Việc triển khai 5G không chỉ phục vụ người dùng cá nhân mà còn mở ra tiềm năng phát triển các dịch vụ thời gian thực, hứa hẹn tạo ra nhiều ứng dụng đột phá trong tương lai.
Ủy ban Đạo đức trí tuệ nhân tạo (AI) ra đời thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng một hệ sinh thái AI nơi đổi mới sáng tạo được phát triển trong khuôn khổ đạo đức, đảm bảo khả năng cạnh tranh toàn cầu và bảo vệ các giá trị xã hội.