06/11/2024 07:58
Anh Nguyễn Vũ Linh, ngụ Ấp 4, xã Mỹ Cẩm từng là học viên lớp Điện công nghiệp ở Trung tâm GDNN - GDTX huyện Càng Long. Sau khi được đào tạo nghề, anh Linh mở tiệm sửa chữa điện tại nhà và có được việc làm theo nguyện vọng. Hiện nay, anh Linh thành thạo sửa chữa các thiết bị điện, như: mô - tơ, quạt gió, đồ điện gia dụng và nhận thi công lắp đặt điện nhà ở, cơ sở sản xuất. Anh Vũ Linh cho biết: từ khi ra nghề, anh có cuộc sống ổn định và khấm khá hơn, thu nhập hiện tại hơn 10 triệu đồng mỗi tháng, nhờ vậy anh có thể chăm lo cuộc sống của gia đình.
Ngoài nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, những năm gần đây, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Càng Long luôn chủ động tìm hiểu, nắm bắt tình hình lao động, việc làm theo nhu cầu xã hội và của doanh nghiệp; chủ động đặt vấn đề liên kết, hợp tác đào tạo và cung ứng lao động sau khi tốt nghiệp. Đây là hướng đi phù hợp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Thầy Nguyễn Văn Chuyền, giáo viên Trung tâm GDNN - GDTX huyện Càng Long cho biết: năm học 2024 - 2025, Trung tâm định hướng đào tạo các khối ngành chuyển dịch kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ với các ngành: cắt gọt Kim loại, Điện lạnh, Điện tử Công nghiệp, Điện Công nghiệp, Nghiệp vụ nhà hàng, Công nghệ ô-tô, Công nghệ thông tin, Tin học, Công nghệ may, Điều dưỡng, Logictis. Trung tâm đào tạo liên kết với các trường có uy tín như: Trường Cao đẳng Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, Trường Cao đẳng Nghề Lý Tự Trọng, Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh, Trường Trung cấp Âu Việt. Đây là những đối tác có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo nghề.
Tiết thực hành của học viên lớp Công nghệ ô-tô tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Càng Long.
Để bảo đảm chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, Trung tâm phối hợp chặt với các trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo. Đồng thời, cử giáo viên đến các doanh nghiệp đang sử dụng lao động do nhà trường đào tạo, tìm hiểu yêu cầu của doanh nghiệp đối với người lao động về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ, tin học... Trên cơ sở đó, tổng hợp ý kiến đóng góp của các đối tác và học sinh, học viên để cập nhật, bổ sung, điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo cho phù hợp.
Bên cạnh đó, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Càng Long còn tập trung huy động các nguồn lực đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy; đa dạng hóa các loại hình đào tạo; tổ chức giảng dạy theo hướng trọng tâm, trọng điểm; giảng dạy theo phương châm “học đi đôi với làm”. Học viên vừa học vừa được thực hành, đảm bảo tay nghề vững vàng khi kết thúc khóa học.
Em Nguyễn Hữu Đăng trong giờ học thực hành.
Em Nguyễn Hữu Đăng, học viên ngành Điện lạnh cơ khí chia sẻ: em học tại Trung tâm được 02 năm rồi, học tập ở đây em được các thầy, cô hỗ trợ rất nhiệt tình. Về thực hành thì chúng em thực hành ở Trung tâm, được miễn học phí 100%. Em thấy nghề học của em rất thú vị, cần thiết cho xã hội, mong muốn của em là được liên thông cao hơn để có kiến thức phục vụ cho nghề và kiếm thu nhập ổn định lo cho gia đình và bản thân.
Trong quá trình đào tạo, các Trường cử các giáo viên nhiều kinh nghiệm trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho học viên trong khâu thực hành; đồng thời, hỗ trợ Trung tâm về mặt kỹ thuật, vật tư đào tạo. Do đó, học viên được tiếp cận và nắm rõ kỹ thuật, quy trình sản xuất tại nhà xưởng của doanh nghiệp, hầu hết học viên sau khi kết thúc khóa học đều đạt yêu cầu công việc.
Ông Lê Hồng Cường, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Càng Long cho biết: những năm qua, Trung tâm đào tạo rất nhiều ngành nghề, sau khi ra trường các em đều có việc làm. Trong đó, có một số học viên tiếp tục học liên thông lên trình độ cao hơn. Qua theo dõi, mỗi năm có 93% học viên ra trường có việc làm, còn lại 07% là liên thông. Trung tâm phối hợp với các Trung tâm học tập cộng đồng của các xã, thị trấn và các trường THCS tư vấn cho các em hiểu về chính sách đào tạo nghề sau THCS. Đào tạo nghề sau THCS được thực hiện theo Nghị định số 97/2023/NĐ-CP, ngày 31/12/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Khi các em học sau THCS vào học Trung cấp thì được hỗ trợ 100% học phí. Nếu học xong chương trình Trung cấp, các em có thể học liên thông lên trình độ cao hơn, có thể được giảm từ 50 - 70% học phí tùy theo ngành nghề.
Hướng tới, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Càng Long tiếp tục tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về giáo dục nghề nghiệp và làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS. Trung tâm duy trì, đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động, liên kết với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, giúp người học sau khi tốt nghiệp có việc làm phù hợp, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt là góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG - NGUYỆT HÂN
Sáng 04/12, Báo Đồng Nai đã tổ chức Lễ trao 100 suất học bổng Vượt khó vì tương lai lần thứ 22 năm học 2024 - 2025 (02 triệu đồng/suất) do Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group) tài trợ.